/ Trao đổi - Ý kiến
/ Hoàn thiện một số vấn đề về tội ‘Vô ý làm chết người’

Hoàn thiện một số vấn đề về tội ‘Vô ý làm chết người’

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bài viết chỉ ra cấu thành tội "Vô ý làm chết người", phân tích các hạn chế, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật của tội phạm này. Từ đó kiến nghị một số biện pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật; tăng cường đấu tranh, phòng, chống tội phạm.

Ảnh minh họa.

Quyền sống là quyền thiêng liêng và cao quý của con người. Vì thế, ngoài việc quy định các hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người khác, pháp luật hình sự còn ghi nhận hành vi vô ý làm chết người cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này là hợp lý, tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn gặp phải một số vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

1. Các yếu tố cấu thành tội "Vô ý làm chết người"

Khách thể: Tội "Vô ý làm chết người" xâm phạm đến quyền sống của con người, khách thể trực tiếp của tội này là quyền sống hay còn gọi là quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng của con người.

Mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm các quy tắc bảo đảm an toàn tính mạng con người, qua đó gây hậu quả chết người. Các quy tắc bảo đảm an toàn tính mạng con người có thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy định, cũng có thể chỉ là những quy tắc xử sự trong xã hội thông thường mà mọi người đều biết và thừa nhận.

Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc trong mặt khách quan của tội này. Hành vi khách quan thuộc cấu thành tội này phải dẫn đến hậu quả chết người, mối quan hệ nhân quả phải được làm rõ và là dấu hiệu bắt buộc.

Tuy nhiên, cần chú ý nếu hành vi vi phạm quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực và gây hậu quả chết người nhưng đã được quy định thành các tội riêng thì người thực hiện hành vi đó phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng mà không bị xử lý về tội "Vô ý làm chết người".

Chủ thể: Chủ thể của tội này là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS).

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi vô ý, bao gồm vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.

2. Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật tội "Vô ý làm chết người"

Vướng mắc trong định tội danh:

Xuất phát từ thực tiễn đa dạng của hành vi khách quan trong tội "Vô ý làm chết người", việc quy định như Điều 128 BLHS là hợp lý. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, cần xác định quy tắc an toàn nào đã bị vi phạm, nhưng các quy tắc đó không phải lúc nào cũng được quy định, xác định rõ ràng, cụ thể. Do đó, nhiều trường hợp còn vướng mắc, tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.

Ví dụ: Khoảng 11h00 ngày 12/02/2021, A. (chiến sỹ) thực hiện nhiệm vụ trực gác tại đơn vị thì trời mưa, B. từ phòng nghỉ đơn vị chạy ra giúp A. đưa đồ vào trong phòng trực gác rồi ngồi lại cùng nói chuyện. Quá trình nói chuyện A. cầm súng, đột nhiên A. nói với B.: “Mày dám bóp cò không B.” rồi cầm súng bằng hai tay, nòng súng kề vào ngực mình, báng súng quay về phía B. Thấy A. vừa nói vừa cười, nghĩ A. nói đùa và trong súng không có đạn (về nguyên tắc súng gác không có đạn, quá trình điều tra không xác định được nguyên nhân tại sao súng có đạn) nên B. đưa tay ra bóp cò làm súng nổ khiến A. chết. Quá trình giải quyết vụ án, có 2 quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của B. cấu thành tội “Vô ý làm chết người” do quá trình điều tra, truy tố, xét xử đều không thu thập được bất kỳ văn bản nào thể hiện các quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp có liên quan. Hành vi của B. được xác định là vi phạm quy tắc bảo đảm an toàn (bất thành văn) là “không được đùa nghịch súng, không được bóp cò khi súng đang hướng về phía người khác” (các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu thập, Tòa án đã yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu nhưng không thể thu thập được). 

Quan điểm thứ hai cho rằng hành vi của B. phải cấu thành tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” vì mặc dù không tìm được văn bản nào thể hiện các quy tắc như trên, nhưng đây là những quy tắc mà bất kỳ quân nhân nào cũng được quán triệt, học tập từ những ngày đầu bước chân vào quân ngũ. 

Trường hợp này, tác giả đồng ý với quan điểm của Tòa án đã xét xử B. về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính”, bởi vì: Hành vi tự ý đưa tay bóp cò súng của B. khi chưa kiểm tra các điều kiện an toàn đã vi phạm những “quy tắc bảo đảm an toàn khi tiếp xúc, sử dụng các loại vũ khí quân dụng” mà bất kỳ quân nhân nào cũng đều phải chấp hành. Khi sử dụng phải kiểm tra các quy tắc an toàn, súng chỉ được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù không thu thập được văn bản chứa đựng các quy định trên, nhưng đã xác định được đơn vị đã giáo dục chiến sỹ những nội dung này, quán triệt thường xuyên, liên tục theo đúng quy định chung của quân đội. Mọi quân nhân đều có nghĩa vụ chấp hành nghiêm các quy tắc này nhưng B. đã vi phạm dẫn đến hậu quả chết người.

Chưa quy định rõ trách nhiệm của chủ nuôi các loài động vật nguy hiểm:

Liên quan đến việc động vật làm chết người, đây không phải trường hợp hiếm gặp nhưng hiện nay việc xử lý còn khó khăn. Trước đây, năm 2009 đã xảy ra trường hợp hổ cắn chết người tại Bình Dương. Thời điểm đó, do chưa có quy định về tiêu chuẩn chuồng trại nuôi thú giữ nên các cơ quan chức năng không đủ căn cứ xử lý hình sự mặc dù người chủ rõ ràng đã có hành vi vô ý vì quá tự tin. Hiện nay, việc nuôi một số loài động vật như cá sấu, rắn… diễn ra ngày càng nhiều. Những loại động vật này hoàn toàn có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, cần sớm ban hành những tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt đối với việc nuôi nhốt các loại động vật có nguy cơ gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, một số loại động vật như chó săn, chó becgiê, trâu, bò… cũng là một nguồn nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe con người, mới đây là vụ bé trai 07 tuổi bị đàn chó cắn chết tại Hưng Yên vào ngày 04/3/2019. Nhưng chúng có phải nguồn nguy hiểm cao độ hay không lại chưa có hướng dẫn. Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, thú dữ là nguồn nguy hiểm cao độ và theo từ điển tiếng việt, thú dữ là động vật bậc cao có lông mao, tuyến vú, nuôi con bằng sữa, rất dữ, có thể làm hại người khác như hổ, báo, sư tử, gấu,… Đồng thời, BLDS quy định trách nhiệm bồi thường của chủ vật nuôi nhưng chỉ là trách nhiệm dân sự.

Thực tế khi xảy ra các trường hợp vật nuôi gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác, các cơ quan tiến hành tố tụng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Liên tiếp các trường hợp này đã gây nên sự bất bình trong dư luận. Bởi vì BLHS 2015 mặc dù có quy định về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 138 và tội "Vô ý làm chết người" tại Điều 128 nhưng cả hai quy định này đều thể hiện “Người nào…”, có nghĩa đã trực tiếp chỉ ra rằng, chủ thể của tội phạm là con người. 

Vậy, chủ nuôi những động vật này khi có hậu quả chết người xảy ra thì phải chịu trách nhiệm hình sự hay chỉ chịu trách nhiệm dân sự cần được quy định rõ ràng bởi hậu quả nó mang lại là nghiêm trọng. Tham khảo quy định của một số quốc gia trên thế giới có thể thấy rằng pháp luật Cộng hòa Pháp có riêng một điều khoản quy định về tội Vô ý làm chết người do chó gây ra (Điều 221-6-2 BLHS Pháp); các nước Canada, Úc, Thụy Sỹ… đều quy định trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi trong trường hợp này [1].

Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng chủ vật nuôi có hành vi vô ý trong quản lý, nuôi mà để vật nuôi gây ra hậu quả chết người cần bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" hoặc tội "Vô ý làm chết người".

Trường hợp sử dụng điện để chống trộm, chống chuột, bảo vệ tài sản gây hậu quả chết người:

Đây là trường hợp đã xảy ra nhiều trên thực tế nhưng biện pháp này vẫn được người dân sử dụng. Hiện nay, đã có đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, nhưng các văn bản hướng dẫn còn mâu thuẫn với nhau. 

- Theo Công văn giải đáp nghiệp vụ số 81/2002/TANDTC của HĐTP TANDTC thì về nguyên tắc chung, TANDTC hướng dẫn như sau:

"a. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người.

b. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

+ Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người".

Như vậy, TANDTC hướng dẫn theo hai nội dung là mục đích sử dụng điện và thái độ của người thực hiện hành vi đối với hậu quả. Mọi trường hợp sử dụng điện để chống trộm cắp, do đối tượng hướng tới là con người nên phải chịu trách nhiệm về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp. Trường hợp sử dụng điện để chống chuột, súc vật thì căn cứ vào thái độ đối với hậu quả chết người có thể bị truy cứu về tội giết người hoặc vô ý làm chết người.

- Tại Thông báo số 228/P4 ngày 26/5/1998 của Cục Cảnh sát điều tra - Bộ Công an: Đối với các trường hợp dùng điện để bảo vệ tài sản, nếu bản thân các đối tượng đã có thông báo công khai, treo biển cấm, dặn dò những người xung quanh..., nhưng trong lúc trông coi lại bỏ đi làm việc khác để xảy ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội "Giết người" với lỗi cố ý gián tiếp. 

Trường hợp khi mắc điện họ có thông báo cho mọi người biết đồng thời có tổ chức trông coi, đề phòng người qua lại, nhưng không may hậu quả chết người vẫn xảy ra thì có thể khởi tố về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trường hợp việc chết người xảy ra sau khi người sử dụng điện trái phép đã ngắt điện, nhưng do tác động của thiên nhiên hoặc do người khác vô tình làm cho hệ thống dây bảo vệ đó bị dẫn điện dẫn đến chết người thì có thể khởi tố về tội "Vô ý làm chết người" [2].

Theo đó, hướng dẫn của Cục Cảnh sát điều tra đã thể hiện một số nội dung không đồng nhất với hướng dẫn của TANDTC, ngoài tội "Giết người" và "Vô ý làm chết người", có trường hợp phải chịu trách nhiệm về tội "Sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng".

- Tại Công văn số 2293/KSĐT-TA ngày 08/11/1999 Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao hướng dẫn: Đối với hành vi dùng điện diệt chuột... nếu trước, trong và sau khi mắc điện đã có các biện pháp phòng ngừa như: Thông báo về việc mắc điện cho mọi người biết; cử người trông coi cẩn thận; mắc điện vào ban đêm ở những nơi không có người qua lại và có canh gác, phòng ngừa, nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra thì họ sẽ bị xử lí về tội "Vô ý làm chết người". 

Nếu hành vi dùng điện để diệt chuột đã được chính quyền nhân dân nhắc nhở hoặc không có các biện pháp phòng ngừa, mắc điện ở những thời điểm hoặc ở những nơi mọi người thường qua lại và đã gây ra hậu quả chết người thì họ sẽ bị xử lí về tội "Giết người với lỗi cố ý gián tiếp". 

Hành vi sử dụng điện để diệt chuột gây chết người không bị xử lí về tội sử dụng điện trái phép gây hậu quả nghiêm trọng.

Như vậy, các hướng dẫn trên là chưa thống nhất, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, hoàn chỉnh và mang tính liên ngành áp dụng chung nào đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. 

3. Đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần linh hoạt trong xét xử, phân biệt hành vi vô ý làm chết người và vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính theo hướng nếu có căn cứ rõ ràng cho thấy hành vi vô ý làm chết người đã vi phạm các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi, bản thân người thực hiện hành vi đã biết, hiểu và có nghĩa vụ chấp hành các quy tắc đó nhưng vẫn vi phạm thì thuộc trường hợp vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính.

Thứ hai, cần sửa đổi quy định tại Điều 128, 138 BLHS hoặc có văn bản hướng dẫn trong đó quy định rõ trách nhiệm của chủ vật nuôi khi xảy ra các trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác. Trong hướng dẫn này, cần phân định rõ tỷ lệ tổn thương sức khỏe ở các mức khác nhau phải chịu các trách nhiệm khác nhau.

Thứ ba, có văn bản hướng dẫn liên ngành, thống nhất về việc xử lý hành vi sử dụng điện trái phép gây hậu quả chết người theo hướng: Người nào sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để bảo vệ tài sản, gây hậu quả chết người mà có ý thức ngăn chặn con người, hoặc không có ý thức ngăn chặn con người nhưng không có ý thức lợi trừ hậu quả chết người thì truy cứu trách nhiệm hình sự tội "Giết người". Trường hợp chỉ nhằm bảo vệ tài sản và có ý thức bảo vệ tính mạng con người thì truy cứu tội "Vô ý làm chết người".

[1] TS. Nguyễn Văn Quân, Trách nhiệm của chủ vật nuôi trong trường hợp vật nuôi gây thiệt hại cho người khác; Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát Online, ngày 10/4/2019.

[2] Phạm Thị Hồng Đào, Quy định của pháp luật hình sự về hành vi giết người cần được hướng dẫn; https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1952.

VĂN LINH

TAQS Khu vực Hải quân

Tách Luật GTĐB 2008 thành hai luật chuyên biệt: Nên hay không?

Lê Minh Hoàng