/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong bối cảnh hợp tác ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

Hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong bối cảnh hợp tác ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tội phạm xuyên quốc gia là một trong những mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu. Các loại tội phạm xuyên quốc gia nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến như khủng bố, buôn bán người, buôn bán trái phép vũ khí, các tội phạm về ma túy, cướp biển... Những loại tội phạm này đặt ra thách thức lớn đối với pháp luật, sự phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề bảo vệ quyền con người tại mỗi quốc gia. Đặc biệt, tội phạm xuyên quốc gia có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân, đe dọa an ninh con người thông qua việc hạn chế khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm và giáo dục. Trong những năm qua, ASEAN đã ban hành nhiều văn kiện pháp lý điều chỉnh vấn đề hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia khu vực. Việt Nam là một trong những thành viên chủ động và tích cực trong việc thực thi pháp luật ASEAN về vấn đề này, tuy nhiên vẫn còn một số quy định của pháp luật Việt Nam chưa tương thích với pháp luật khu vực. Bài viết này đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong việc thực thi pháp luật ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

  Ảnh minh họa. 

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, bên cạnh mặt tích cực thì cũng kéo theo nhiều yếu tố tiêu cực, một trong số đó là tội phạm xuyên quốc gia. Trong những năm qua, tình hình tội phạm xuyên quốc gia tại Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á có xu hướng tăng dần về cả số vụ, việc lẫn tính chất, mức độ nghiêm trọng. Tại Việt Nam, tội phạm xuyên quốc gia nổi bật nhất có thể kể đến là tội phạm buôn bán người, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao...[1]. Đồng thời, ở một số nước trong khu vực cũng xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm người Việt Nam, với các hoạt động như buôn lậu ma túy, vũ khí, rửa tiền, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Mặc dù ở Việt Nam, tội phạm khủng bố không diễn ra phổ biến nhưng vẫn luôn là mối quan tâm lớn bởi hậu quả mà nó gây ra cũng giống như số vụ việc khủng bố quốc tế đã và đang xuất hiện ngày một nhiều qua thời gian [2].

Không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc xây dựng, củng cố chính sách và pháp luật nhằm hỗ trợ hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và trừng trị tội phạm xuyên quốc gia. Trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, Việt Nam đã đạt được một số thành công đáng kể. Pháp luật Việt Nam đã nội luật hóa được hầu hết những nội dung đã được ghi nhận trong các công ước của ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia. Về cơ bản, theo yêu cầu của ACTIP [3], Việt Nam đã hình sự hóa các hành vi như buôn bán người, tham nhũng, hành vi hợp pháp hóa tài sản do phạm tội mà có và hành vi cản trở hoạt động tư pháp... Đối với các quy định nhằm trừng trị người phạm tội, pháp luật Việt Nam đã bảo đảm hình phạt đưa ra cân xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi, như việc đưa ra hình phạt nghiêm khắc hơn dành cho người thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ em, người khuyết tật... Tương tự, trên cơ sở phù hợp với quy định của ACCT, Việt Nam cũng đã hình sự hóa tội phạm khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền và các hành vi khác liên quan đến tội phạm này. Ngoài ra, một số tội phạm xuyên quốc gia khác như tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, tội buôn bán vũ khí,... cũng được hình sự hóa theo pháp luật hình sự Việt Nam. Với tinh thần phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực, bên cạnh việc ban hành các quy phạm pháp luật, Việt Nam vẫn không ngừng đưa ra các chương trình, kế hoạch hành động nhằm triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. Tuy hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở nước ta đã được quan tâm xây dựng, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu tính hệ thống, đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật khu vực ASEAN nói riêng, cụ thể:

Thứ nhất, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa xây dựng văn bản pháp luật chuyên ngành phòng, chống một số loại tội phạm xuyên quốc gia điển hình khu vực như tội tài trợ khủng bố, tội phạm công nghệ cao, tội phạm cướp biển... Có thể nói, hành vi tài trợ khủng bố là một hành vi nguy hiểm không kém các hành vi phạm tội khủng bố, tuy nhiên, Việt Nam lại chưa hề có luật điều chỉnh riêng về vấn đề này mà chỉ đề cập qua một vài điều luật tại Bộ luật Hình sự; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Phòng, chống rửa tiền... Tội phạm cướp biển là loại tội phạm nguy hiểm, các hành vi phạm tội cũng diễn ra khá phổ biến trong khu vực và tội phạm công nghệ cao thì diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tuy nhiên, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về việc trừng trị loại tội phạm này chứ chưa có quy định về việc phát hiện, cảnh báo, phối hợp phòng ngừa, xử lý tội phạm... một cách cụ thể. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật Việt Nam về tội phạm xuyên quốc gia còn chưa nội luật hóa đầy đủ các quy định tại văn kiện pháp lý của ASEAN, như Luật Phòng, chống khủng bố 2013 chưa có điều khoản quy định về “tình trạng người tị nạn” hay “chương trình phục hồi đối với bị can phạm tội”. Trong khi đó, đây là các quy định mà ACCT yêu cầu các quốc gia phải có những biện pháp thích hợp để thực thi.

Thứ hai, một số quy định của Việt Nam chưa tương thích với pháp luật quốc tế và khu vực về phòng, chống tội phạm quốc gia.

Đối với các quy định về tội phạm buôn bán người, ACTIP quy định trẻ em hoặc người không có đủ khả năng tự chăm sóc, bảo vệ bản thân vì khuyết tật hoặc điều kiện về thể chất hoặc tâm thần được coi là người đặc biệt dễ bị tổn thương. Do đó, khi thực hiện hành vi phạm tội đối với đối tượng này thì bị coi là một trong các tình tiết tăng nặng nhằm đưa ra hình phạt nặng hơn so với tội phạm thông thường. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định đối tượng được coi là người đặc biệt dễ bị tổn thương là trẻ em, chưa có quy định về tình tiết tăng nặng đối với tội phạm liên quan đến nạn nhân là người không có đủ khả năng tự chăm sóc hoặc bảo vệ bản thân vì khuyết tật hoặc điều kiện về thể chất hoặc tâm thần. Ngoài ra, ACTIP xác định “trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi”, trong khi pháp luật Việt Nam quy định “trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Chính vì thế mà Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam quy định về tội mua bán người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là tội mua bán người thông thường mà không phải mua bán trẻ em như quy định tại ACTIP. Điều này cho thấy Bộ luật Hình sự Việt Nam đang có chính sách xử lý tội mua bán người từ 16 đến dưới 18 tuổi tại Điều 150 không tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, theo quy định của ACTIP, “Buôn bán người là việc tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp hoặc tiếp nhận người nhằm...”. Như vậy, các hành vi được quy định trong ACTIP cấu thành tội buôn người như hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển dụng, vận chuyển, chứa chấp là độc lập với nhau. Khi thực hiện bất kỳ hành vi nào trong số đó có mục đích như Công ước quy định thì sẽ cấu thành tội buôn bán người. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 quy định hoàn toàn khác, đó là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi: chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác mới cấu thành tội buôn người. Quy định như vậy tại Bộ luật Hình sự 2015 vô tình làm hẹp đi phạm vi tội phạm theo quy định tại Công ước.

ACTIP yêu cầu các quốc gia thành viên “áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác khi thích hợp để những người có hành vi phạm tội phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn so với trường hợp phạm tội thông thường nếu có một trong các tình tiết tăng nặng sau:

- Khi tội phạm gây tổn thương nghiêm trọng hoặc cái chết cho nạn nhân hay người khác, bao gồm trường hợp người đó chết do tự sát;

- Khi tội phạm liên quan đến nạn nhân là người đặc biệt dễ bị tổn thương như trẻ em hoặc người không có đủ khả năng tự chăm sóc hoặc bảo vệ bản thân vì khuyết tật hoặc điều kiện về thể chất hoặc tâm thần;

- Tội phạm làm cho nạn nhân nhiễm các bệnh nguy hiểm đến tính mạng, kể cả bệnh HIV/AIDS;

- Phạm tội với nhiều nạn nhân;

- Khi tội phạm được thực hiện là một phần hoạt động của nhóm tội phạm có tổ chức;

- Khi người phạm tội đã từng bị kết án về cùng tội danh hoặc tội phạm tương tự;

- Khi người phạm tội là công chức lạm dụng chức vụ hoặc quyền hạn để phạm tội”.

Tuy nhiên, trong cả Điều 150 và 151 Bộ luật Hình sự 2015 chưa áp dụng khung hình phạt tăng nặng đối với các tình tiết được yêu cầu tại Công ước, ví dụ: tình tiết khi người phạm tội là công chức, tình tiết làm nạn nhân nhiễm các bệnh nguy hiểm, bao gồm cả HIV/AIDS… Bên cạnh đó, Điều 150 và Điều 151 quy định về các tình tiết tăng nặng không nhất quán, ví dụ Điều 51 có tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, nhưng Điều 150 lại không quy định. Vì thế, trong thời gian tới Bộ luật Hình sự cũng cần sửa đổi vấn đề này trên cơ sở ACTIP.

Không những vậy, ACTIP quy định các quốc gia thành viên Công ước xem xét thông qua các biện pháp lập pháp hoặc các biện pháp thích hợp khác cho phép nạn nhân bị buôn bán được ở lại trong lãnh thổ của mình, tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy từng trường hợp cụ thể. Cho tới nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định về việc hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân. Việc chưa quy định cụ thể về hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán được ở lại trong lãnh thổ của mình vĩnh viễn có thể gây khó khăn đối với nạn nhân trong một số trường hợp nhất định. Ví dụ, nạn nhân bị buôn bán là trẻ em bị bắt cóc và đem bán từ khi lọt lòng, khó xác định quê quán, gốc gác nên rất khó để có thể trao trả về quê hương.

Hơn nữa, ACTIP quy định về việc quốc gia thành viên cân nhắc không áp dụng hình phạt hoặc trách nhiệm hành chính đối với nạn nhân bị buôn bán vì hành vi trái pháp luật của người này nếu những hành vi trái pháp luật đó là hệ quả trực tiếp của hành vi buôn bán người. Đây cũng là một vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, nhưng vấn đề này đến nay cũng chưa được pháp luật Việt Nam ghi nhận. Có thể thấy các nạn nhân sau khi bị buôn bán đa phần đều bị lệ thuộc vào những kẻ phạm tội, dễ bị chúng lợi dụng và yêu cầu thực hiện những hành vi trái pháp luật. Ví dụ, người bị buôn bán không nên bị trừng phạt vì tội lừa dối trong nhập cảnh, làm việc bất hợp pháp, hoặc làm việc trong ngành công nghiệp tình dục. Sự cân nhắc và ghi nhận quyền này là cần thiết cho các tình huống cụ thể của trẻ em bị buôn bán và những người khác với nhu cầu bảo vệ đặc biệt. Nếu quy định truy cứu trách nhiệm hình sự và hành chính với những hành vi như vậy sẽ là không công bằng với nạn nhân, đồng thời khiến cho họ ngần ngại tố giác hành vi phạm tội của những kẻ buôn người hoặc hợp tác đưa ra lời khai và chứng cứ liên quan đến tội phạm.

Thứ ba, về cơ sở pháp lý quốc tế, mặc dù Việt Nam đã nỗ lực ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống tội, phạm tuy nhiên trong phạm vi ASEAN, chưa có hiệp định khu vực về dẫn độ, các hiệp định song phương về vấn đề này còn khiêm tốn, đặc biệt là chưa có cơ sở hợp tác với một số quốc gia ASEAN có đông người Việt Nam làm ăn, sinh sống. Với tư cách là điều ước quốc tế đa phương, văn kiện ASEAN liên quan đến phòng, chống tội phạm chiếm số lượng rất nhỏ (3 văn kiện) so với yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, có văn kiện được ký kết đã lâu, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Một điểm đáng lưu ý là Việt Nam hiện đang tuyên bố không coi nhiều điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên là cơ sở pháp lý trực tiếp cho hoạt động dẫn độ (chẳng hạn như Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…). Điều này sẽ hạn chế đáng kể khả năng hợp tác bắt giữ, chuyển giao tội phạm giữa Việt Nam và các nước thành viên của các công ước, trong đó có các quốc gia thuộc ASEAN.

Thứ tư, thực tiễn cho thấy quan hệ phối hợp giữa cơ quan trung ương của Việt Nam về thực hiện hợp tác phòng, chống tội phạm (dẫn độ, tương trợ tư pháp về hình sự và chuyển giao người bị kết án phạt tù) và cơ quan tương ứng của các nước ASEAN chưa chặt chẽ, hiệu quả, còn thiếu thông tin về đầu mối liên lạc, khiến việc trao đổi thông tin, yêu cầu hợp tác gặp nhiều khó khăn. Một số nước yêu cầu chuyển đề nghị hợp tác qua đường ngoại giao mất nhiều thời gian [4].

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia và thực tiễn thực hiện pháp luật Cộng đồng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia của Việt Nam, có thể rút ra được một số đề xuất cho Việt Nam như sau:

Một là, xây dựng văn kiện pháp luật chuyên ngành về một số loại tội phạm xuyên quốc gia cụ thể và tương trợ tư pháp hình sự

Cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm quy định rõ các biện pháp phòng, chống tội phạm một cách tổng thể như Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013; Luật Phòng, chống mua bán người 2011; Luật Phòng, chống ma tuý 2008... Các luật chuyên nghành này mới có thể nội luật hóa hết quy định tại các công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như: các biện pháp phòng ngừa tội phạm; thông tin truyền thông; xây dựng cơ chế; hỗ trợ nạn nhân... Trong bối cảnh các tội phạm tài trợ khủng bố, tội phạm công nghệ cao và tội phạm cướp biển diễn biến phức tạp hiện nay, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh về các loại tội phạm này, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc và cụ thể để đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Về tương trợ tư pháp hình sự, cần ban hành Luật Tương trợ tư pháp hình sự bằng cách tách Luật Tương trợ tư pháp hiện hành thành 4 luật riêng biệt: tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Điều này giúp quy định một cách cụ thể, chi tiết trình tự, thủ tục, nguyên tắc, điều kiện... tiến hành tương trợ; xác định rõ hơn về thẩm quyền, trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tiến hành các hoạt động liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự, đáp ứng yêu cầu quy định tại Hiệp định Tương trợ tư pháp hình sự ASEAN 2004.

Hai là, hoàn thiện nội dung quy định pháp luật về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia tương thích với các văn kiện pháp lý ASEAN

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia cũng như tăng tính tương thích của pháp luật Việt Nam với pháp luật Cộng đồng ASEAN về đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, Việt Nam cần tích cực nghiên cứu và hoàn thiện các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đối với từng loại tội phạm cụ thể.

Đối với tội buôn bán người, cần bổ sung các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nạn nhân, cụ thể:

- Bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến nạn nhân là người đặc biệt dễ bị tổn thương, trong đó bao gồm người không có đủ khả năng tự chăm sóc hoặc bảo vệ bản thân vì khuyết tật hoặc điều kiện về thể chất hoặc tâm thần.

- Đưa ra quy định về hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán được ở lại trong lãnh thổ của mình vô thời hạn trong một số trường hợp cụ thể.

- Bổ sung quy định không áp dụng hình phạt hoặc trách nhiệm hành chính đối với nạn nhân bị buôn bán vì hành vi trái pháp luật của người này nếu những hành vi trái pháp luật đó là hệ quả trực tiếp của hành vi buôn bán người.

- Tiến hành sửa đổi quy định về độ tuổi đối với trẻ em là dưới 18 tuổi. Việc này có ý nghĩa trong việc thống nhất pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam trong việc bảo vệ người vị thành niên - đối tượng được quan tâm đặc biệt của cộng đồng thế giới. Sửa Điều 151 Bộ luật Hình sự thành tội mua bán trẻ em hoặc tội mua bán người dưới 18 tuổi.

- Đối với tội phạm khủng bố, cơ quan lập pháp cần cân nhắc thực hiện sửa đổi một số quy định nhằm xác định tội phạm khủng bố cho phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, như: nhóm hành vi có liên quan đến tàu bay và xâm phạm sự an toàn hàng không dân dụng; nhóm hành vi xâm phạm đến an toàn hàng hải và các công trình cố định trên thềm lục địa; nhóm hành vi sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ nguy hiểm.

Ba là, hoàn thiện thiết chế pháp lý về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia

Việt Nam cần nhanh chóng tiến hành xây dựng một hệ thống các cơ quan chuyên trách đối với từng loại tội phạm cụ thể. Từ kinh nghiệm của hai quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là Campuchia và Philippines, Việt Nam có thể xây dựng các ủy ban quốc gia chuyên biệt chịu trách nhiệm quản lý hoạt động phòng, chống các loại tội phạm cụ thể. Đồng thời, bên cạnh Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cần thiết lập các cục cảnh sát phòng, chống chuyên ngành khác như Cục Cảnh sát điều tra về phòng, chống buôn bán người và Cục Cảnh sát về phòng, chống tội phạm khủng bố. Tóm lại, thay vì quy định chung chung và phân bổ nhiệm vụ dàn trải như hiện nay, Việt Nam cần trao chức năng thực hiện hoạt động tổ chức, giám sát và thi pháp luật cho những cơ quan cụ thể. Việc trao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn sẽ góp phần triển khai kế hoạch phòng, chống tội phạm một cách có hiệu quả, đồng bộ, dễ dàng thực hiện hoạt động phối kết hợp giữa các cơ quan .

Bốn là, tăng cường kiến thức, kỹ năng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật

Nhằm đạt được kết quả cao trong việc hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Việt Nam cần chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, như các kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học, kiến thức chuyên môn... nhằm trao đổi thông tin, dữ liệu phối hợp một cách nhanh chóng, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh ASEAN sử dụng ngôn ngữ hành chính khu vực duy nhất là tiếng Anh. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác ngoài khu vực ASEAN, tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo, khóa tập huấn, đào tạo, các diễn đàn đa phương và song phương về nội dung các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động hợp tác nhằm chia sẻ, tham khảo kinh nghiệm, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia giữa các nước ASEAN.

Năm là, thúc đẩy việc tăng cường đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện tốt các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ASEAN, đặc biệt là Công ước chung về dẫn độ, Công ước về phòng, chống tội phạm ma túy... Tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong việc duy trì tham gia các diễn đàn thường niên trong khu vực như ASEANAPOL (Hội nghị Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN); Hội nghị cấp bộ trưởng về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (AMMTC); COMMIT (Sáng kiến phối hợp cấp bộ trưởng trong phòng, chống mua bán người khu vực tiểu vùng sông Mê Kông); ASOD (Hội nghị Thường niên cấp quan chức cao cấp ASEAN về vấn đề ma túy) để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa trong việc phối hợp xây dựng chính sách hợp tác, làm nền tảng cho việc triển khai đàm phán các điều ước quốc tế trong từng lĩnh vực cụ thể.

Sáu là, Việt Nam cần thực hiện tốt và thúc đẩy các quốc gia thành viên khác xây dựng cơ chế hợp tác hữu hiệu giữa các cơ quan trung ương của các nước ASEAN trong triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về phòng, chống tội phạm; thực hiện thông báo và thường xuyên cập nhật thông tin về cơ quan trung ương (địa chỉ, số điện thoại, cán bộ liên lạc, các mẫu yêu cầu tương trợ tư pháp…) gửi về Ban Thư ký ASEAN để thông báo cho các nước thành viên, xây dựng dữ liệu chung phục vụ hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án phạt tù cho các nước trong khu vực, bảo đảm các yếu tố nhanh, chính xác, hiệu quả.

================

[1] Xem: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/39639502-quyet-liet-ngan-chan-toi-pham-su-dung-cong-nghe-cao.html, truy cập ngày 10/5/2019.

[2] Xem: https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/xu-ly-nghiem-hanh-dong-khung-bo-cua-cac-to-chuc-phan-dong-464370.html, truy cập ngày 25/03/2019.

[3] Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

[4] GS.TS.Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Tương trợ tư pháp hình sự ASEAN và thực tiễn thực hiện của Việt Nam, Hội thảo khoa học cấp Khoa “Phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong ASEAN và thực tiễn thực hiện tại Việt Nam”, Trường Đại học Luật Hà Nội, tháng 5/2018.

Thạc sĩ VŨ NGỌC DƯƠNG

Giảng viên Khoa Pháp luật quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội

Bổ sung quy định tiêu chí xác định nhu cầu nhà ở

Nguyễn Mỹ Linh