/ Hoạt động Luật sư
/ Hội đồng Luật sư toàn quốc họp phiên thứ XI

Hội đồng Luật sư toàn quốc họp phiên thứ XI

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Chiều 28/11/2020 tại Hà Nội, Hội đồng Luật sư toàn quốc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam họp phiên thứ XI thảo luận một số vấn đề về công tác nhân sự Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III, quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II (2015 – 2020) và phương hướng công tác nhiệm kỳ III (2020 – 2025)...

Phiên thứ XI Hội đồng Luật sư toàn quốc. Ảnh: Hoàng Lâm.

Tham dự phiên họp có Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gồm: Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, gồm: Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Luật sư Nguyễn Văn Trung; cùng các Luật sư thành viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công an.

Các Luật sư tham gia phiên họp. Ảnh: Hoàng Lâm.

Tại phiên họp, các Luật sư đã biểu quyết thông qua Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sửa đổi. Đa số các ý kiến nhất trí với phương án nhiệm kì của các Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tối đa là 2 nhiệm kì, những trường hợp đặc biệt thì có ý kiến của Ban Thường vụ Liên đoàn; Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên có chương quy định riêng về chức danh Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam...

Thay mặt Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đọc Tờ trình quy định đề cử, ứng cử và lập danh sách nhân sự bầu vào các cơ quan chức năng của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III. Trong đó một số vấn đề được đưa ra như: nhân sự Hội đồng Luật sư toàn quốc; nhân sự Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; nhân sự Chủ tịch và Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đọc Tờ trình.
Ảnh: Hoàng Lâm.

Theo nội dung Tờ trình về nhân sự Hội đồng Luật sư toàn quốc đưa ra các phương án về thành phần, gồm: Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư là Ủy viên đương nhiệm (63) và Ủy viên do Đại hội bầu (dự kiến 32). Trong đó đưa ra quy trình lập danh sách như: Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam họp lần 1 đề cử, thảo luận và thông qua danh sách. Đồng thời, gửi danh sách này để xin ý kiến của các Đoàn Luật sư...

Tại phiên họp lần 2, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tổng hợp danh sách đề xuất ứng cử viên do các Đoàn Luật sư gửi về sau đó xem xét, thảo luận, thông qua danh sách bằng hình thức bỏ phiếu.

Về nhân sự Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tờ trình đã đưa ra các phương án để xin ý kiến các Luật sư. Theo đó, số lượng ủy viên do Hội đồng Luật sư toàn quốc bầu dự kiến không quá 17 ủy viên. Trong đó, Thường trực Liên đoàn có 06 người (Chủ tịch và 05 Phó chủ tịch); có ít nhất 01 đến 02 Phó Chủ tịch làm việc chuyên trách thường xuyên tại Liên đoàn.

Đoàn Luật sư tổ chức Hội nghị để thảo luận và tiến hành lấy phiếu thăm dò tín nhiệm để đề xuất danh sách không quá 19 ứng cử viên bầu vào Ban Thường vụ. Trên cơ sở đó Ban Thường vụ sẽ họp, tổng hợp danh sách đề xuất ứng cử viên do các Đoàn Luật sư gửi về sau đó thảo luận, thông qua danh sách bằng hình thức bỏ phiếu để lập danh sách không quá 19 ứng cử viên trình Hội đồng Luật sư toàn quốc.

Phiên họp cũng đã thảo luận một số vấn đề về công tác nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Tại phiên họp, các Luật sư đã biểu quyết thông qua số lượng ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Theo đó, các Luật sư thống nhất đồng ý phương án giữ nguyên số lượng ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kì III là 21 người.

Các Luật sư biểu quyết thông qua dự thảo Tờ trình. Ảnh: Hoàng Lâm.

Tiếp theo nội dung phiên họp, Luật sư Nguyễn Đình Thơ đọc Tờ trình về việc quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Đình Thơ đọc Tờ trình. Ảnh: Hoàng Lâm,
Luật sư Phan Thông Anh phát biểu ý kiến. Ảnh: Hoàng Lâm.

Các Luật sư đã tham gia thảo luận, đưa ra các ý kiến về vấn đề này trên tinh thần thẳng thắn, một số ý kiến cho rằng việc chia thời gian và quy định số lượng giờ tham gia bồi dưỡng cần phải nghiên cứu lại cho sát với tình hình thực tế hành nghề của các Luật sư.

Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan đọc Nghị quyết Hội đồng luật sư toàn quốc nhiệm kỳ II Phiên họp thứ XI. Theo đó, trên cơ sở thảo luận và kết quả biểu quyết tại phiên họp, Hội đồng Luật sư toàn quốc Quyết nghị một số vấn đề: Thông qua Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sửa đổi; giao Thường trực Liên đoàn chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện của Đại hội và Văn phòng Liên đoàn tiếp thu ý kiến đóng góp của các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, hoàn chỉnh Dự thảo Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam sửa đổi để báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trình Đại hội đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ III;

Luật sư Nguyễn Thị Kim Lan đọc Nghị quyết. Ảnh: Hoàng Lâm.

Thông qua nội dung Hướng dẫn về quy trình đề cử, ứng cử và lập danh sách nhân sự bầu vào các cơ quan và chức danh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III;

Nhất trí  lấy ý kiến bằng văn bản về Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ II (2015 – 2020) và phương hướng công tác nhiệm kỳ III (2020 – 2025) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam của các ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc; giao Thường trực Liên đoàn chỉ đạo Tiểu ban Văn kiện của Đại hội và Văn phòng Liên đoàn tiếp thu ý kiến đóng góp của các Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo để báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trình Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III.

TRẦN MY - MỸ LINH

/hoi-thao-gop-y-sua-doi-bo-sung-dieu-le-lien-doan-luat-su-viet-nam-3.html