/ Hoạt động Luật sư
/ Hội nghị 'Pháp luật về tài sản, quyền đối với tài sản trong bối cảnh chuyển đối số và cuộc CMCN 4.0'

Hội nghị 'Pháp luật về tài sản, quyền đối với tài sản trong bối cảnh chuyển đối số và cuộc CMCN 4.0'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng nay (17/11), tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã diễn ra Hội nghị đối thoại "Pháp luật về tài sản, quyền đối với tài sản trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0".

Toàn cảnh buổi Hội nghị.

Hội nghị do Tạp chí Luật sư Việt Nam phối hợp với Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 (Bộ Tư pháp), Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) tổ chức kết hợp dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu: Hà Nội, Quảng Ninh và Đắk Lắk. Thông qua những nội dung được trình bày tại Hội nghị, các khách mời sẽ làm rõ những vấn đề liên quan đến tài sản, quyền tài sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 hiện nay. Đồng thời, những vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, luật pháp nhằm đảm bảo quyền tài sản và thúc đẩy công nghệ phát triển cũng được các đại biểu làm rõ tại Hội nghị.

Chủ trì Hội nghị có Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp; Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm HTPL&PTNNL; Tiến sĩ, Luật sư Liêu Chí Trung, Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Tại điểm cầu Quảng Ninh có Luật sư Lê Cao Long, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh; tại điểm cầu Đắk Lắk có ông Lương Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk.

Hội nghị còn có sự góp mặt của diễn giả là các giảng viên đang công tác tại các Trường Đại học, các Luật sư, đại diện doanh nghiệp.

Với tham luận: "Thực trạng pháp luật về tài sản và quyền sở hữu dưới tác động của CMCN 4.0 và những kiến nghị giải pháp hoàn thiện", ông Cao Xuân Phong, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp đã làm rõ thực trạng pháp luật về tài sản và quyền sở hữu dưới tác động của cuộc CMCN lần thứ 4 và những kiến nghị giải pháp hoàn thiện. 

Theo đó, trong Hiến pháp năm 2013, quyền con người, quyền công dân nói chung, trong đó có quyền sở hữu tài sản, đã được đề cao. Cụ thể, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 2013 công nhận, tôn trọng nhiều hình thức sở hữu tài sản, bảo vệ và bảo đảm quyền sở hữu tài sản. Ông cũng đề cập về cuộc CMCN lần thứ 4 và những vấn đề mới phát sinh liên quan tới tài sản và quyền sở hữu. Trong đó nổi bật hiện nay là vấn đề về tài sản ảo và tiền ảo và những vấn đề thách thức về pháp lý đang đặt ra. Từ thực tiễn đó, theo ông Phong, cần phải đẩy nhanh việc nghiên cứu các cơ chế pháp lý để quản lý tài sản ảo và công nhận loại tài sản này như một sự tất yếu của quá trình phát triển chung.

Các đại biểu chủ trì Hội nghị.

Trình bày tham luận: "Thực trạng pháp luật về hợp đồng dưới tác động của chuyển đổi số và cuộc CMCN 4.0 và kiến nghị giải pháp hoàn thiện", PGS. TS. Bùi Thị Huyền, Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội đặt ra vấn đề xác lập quyền tài sản khi ký kết hợp đồng giao dịch. Theo PGS. TS. Bùi Thị Huyền, quyền về tài sản (ví dụ như đất đai) được xác lập quyền sở hữu khi ký kết hợp đồng công chứng hay khi được nhà nước cấp quyền sử dụng?. Việc tranh chấp hiện nay đang diễn ra dưới nhiều hình thức, việc pháp luật quy định rõ quyền sở hữu sẽ hạn chế được tranh chấp. Đồng thời, trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, chữ ký số, chữ ký điện tử được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng. Vậy, cần có một hành lang pháp lý thật rõ ràng quy định vấn đề này.

Với nội dung về vấn đề pháp luật và công nghệ, Tiến sĩ Đỗ Giang Nam, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt ra vấn đề về trí tuệ nhân tao (AI) hiện nay đang được áp dụng phổ biến trong mọi mặt đời sống xã hội. Theo đó, quản lý vấn đề này cũng đang đặt ra thách thức đối với hệ thống pháp luật nước ta hiện nay. Về thực trạng, theo Tiến sĩ Nam, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay đã thực sự thúc đẩy công nghệ phát triển. Trí tuệ nhân tạo đang đặt ra những vấn đề trong mối quan hệ điều chỉnh của hệ thống pháp luật, trong đó có việc trách nhiệm đối với sản phẩm, chế định trách nhiệm nghiêm ngặt, chế định trách nhiệm do lỗi...

Từ thực tiến đó, Tiến sĩ Đỗ Giang Nam đưa ra nhóm giải pháp về chính sách pháp lý, kỹ thuật lập pháp, trách nhiệm sản phẩm, nghĩa vụ pháp định...

Tiến sĩ Đỗ Giang Nam, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận tại Hội nghị.

Luật sư Nguyễn Tuấn Linh, Công ty Luật Baker & McKenzie đặt ra vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.

Theo Luật sư, công nghệ 4.0 đang tạo động lực mạnh mẽ cho công nghiệp sáng chế phát triển. Tuy nhiên, đi cùng với đó là vấn đề bản quyền sản phẩm, thách thức đối với quyền sở hữu trí tuệ...

Dưới góc độ cộng đồng doanh nghiệp, Luật sư Lưu Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk, phát biểu tham luận về chuyển đổi số là cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0.

Trong đó, bà Hiền nên 04 vấn đề chính gồm: Tầm quan trọng của chuyển đổi số; cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp; thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển đổi số; chuyển đổi số giúp doanh nghiệp sống sót và bứt phá.

Từ thực tiến đó, theo bà Hiền, để giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công và phát triển, nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hệ thống pháp luật cần sửa đổi để bảo vệ doanh nghiệp và bảo mật thông tin; thúc đẩy sự tương tác giữa các chủ thể để tạo sự phát triển và minh bạch thông tin.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Luật sư Nguyễn Duy Lãm, Chủ nhiệm CLB Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cho rằng, qua các ý kiến tại tại Hội nghị đều thống nhất tính cấp thiết cần phải có một hệ thống pháp luật về tài sản, quyền đối với tài sản trong bối cảnh chuyển đối số và cuộc CMCN 4.0. Trong đó nổi bật là việc sửa đổi các quy định pháp luật về tài sản và quyền tài sản phải đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy và đảm bảo và minh bạch thông tin doanh nghiệp.

PV

Tham gia xây dựng pháp luật thể hiện trách nhiệm xã hội của nghề Luật sư

Lê Minh Hoàng