/ Nghề Luật sư
/ Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư

Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư

11/07/2023 09:46 |

(LSVN) - Sáng ngày 10/7/203, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị sơ kết quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư.

Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Tư pháp có ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý; ông Phạm Ngọc Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, cùng với sự tham gia của đại diện Sở Tư pháp các tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước...

Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có: Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị.

Ngày 28/12/2016, Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp số 4617/QCPH/BTP-LĐLSVN về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư. Theo đó, việc ký kết Quy chế nhằm mục đích tăng cường phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc quản lý Luật sư, thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và pháp luật liên quan đến Luật sư, nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, bảo đảm chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, qua công tác theo dõi của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và báo cáo của các Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, các địa phương đã tích cực triển khai những nội dung phối hợp.

Cụ thể, hai bên đã phối hợp trong xây dựng văn bản, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý, giới thiệu và thực hiện trợ giúp pháp lý, giới thiệu và lựa chọn Luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, công tác thông tin, truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý; mỗi mặt công tác đều đạt được những kết quả nhất định.

Các đại biểu tham gia thảo luận, trao đổi tại Hội nghị.

Đồng thời, nhờ triển khai đồng bộ các nội dung trong Quy chế phối hợp, đến nay, các Luật sư đã ký hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý, các tổ chức hành nghề Luật sư ký hợp đồng với Sở Tư pháp hoặc đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, đã thực hiện nhiều vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Theo báo cáo của các địa phương, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 31/12/2022, riêng các Luật sư đã ký hợp đồng với các Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện 29.946 vụ trong tổng số 241.823 vụ mà Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã thực hiện (chiếm 12,4%). 

Như vậy, việc ban hành Quy chế phối hợp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan phát huy thế mạnh của mình, không chỉ thực hiện phối hợp giữa hai cơ quan ở Trung ương mà còn tạo cơ sở cho các địa phương trong việc phối hợp triển khai công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương, hỗ trợ các cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo dấu ấn trong sự phát triển của ngành Tư pháp.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, qua hơn 06 năm triển khai thực hiện, về cơ bản nhiều nội dung của Quy chế phối hợp đã được thực hiện có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nguyên tắc kết hợp giữa quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp với phát huy vai trò tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý và hành nghề Luật sư ở địa phương.

Ông Cù Thu Anh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, bộ Tư pháp trao bằng khen cho các cá nhân, tập thể. 

Tại buổi Hội nghị sơ kết, các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, trao đổi cởi mở nhằm tìm ra các phương thức phối hợp có hiệu quả nhất để huy động tốt hơn nữa tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm của đội ngũ Luật sư cho công tác trợ giúp pháp lý. Qua đó, góp phần đưa công tác trợ giúp pháp lý ngày càng phát triển, giúp người dân tiếp cận được dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng, giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bảo đảm công bằng trước pháp luật, nhất là nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. 

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trao bằng khen của Liên đoàn cho 41 cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong hoạt động trợ giúp pháp lý. 

Cũng tại Hội nghị, Bộ Tư pháp đã công bố và trao bằng khen cho 6 cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc công tác trợ giúp pháp lý. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã công bố và trao bằng khen của Liên đoàn cho 41 cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong hoạt động trợ giúp pháp lý. 

PV

Bùi Thị Thanh Loan