/ Tin tức
/ Hơn 4.000 người được xác minh việc kê khai tài sản thu nhập

Hơn 4.000 người được xác minh việc kê khai tài sản thu nhập

14/07/2023 07:36 |

(LSVN) - Theo dự thảo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập có 272.309 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ. Trong đó, có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 02 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 2.817 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Ảnh minh họa.

Ngày 13/7/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành dự thảo Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 06 tháng đầu năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 06 tháng cuối năm 2023.

Theo đó, cơ quan thanh tra cho biết thanh tra toàn ngành đã triển khai 4.224 cuộc thanh tra hành chính và 94.797 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Dự thảo báo cáo cũng nêu một số kết quả của việc xác minh kê khai tài sản và xử lý kỷ luật những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Cụ thể, qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, phát hiện vi phạm về kinh tế 178.863 tỉ đồng (tăng 615% so với cùng kỳ năm 2022), 404ha đất (giảm 95,8%), trong đó kiến nghị thu hồi 148.062 tỉ đồng  (tăng 1.343%) và 09ha đất (giảm 93,1%); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 30.800 tỉ đồng (tăng 108%), 395ha đất (giảm 95,8%); ban hành 60.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân (tăng 5,5%) với số tiền 2.873 tỉ đồng (giảm 32,3%); kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 784 tập thể (giảm 53,4%) và 2.912 cá nhân (tăng 8,8%); chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 208 vụ (tăng 27,6%), 316 đối tượng (tăng 255%) .

Ngoài ra, dự thảo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, một số địa phương được liệt kê do phát hiện nhiều vi phạm ở các lĩnh vực như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An…

Theo cơ quan thanh tra, các cấp ngành đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 26.026 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng có 27 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người.

Trong 06 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 49 vụ việc (tăng 63,3%), 72 người (tăng 80%), trong đó: qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 07 vụ, 14 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 26 vụ, 45 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 13 vụ, 13 người liên quan đến tham nhũng.

Cũng theo dự thảo Báo cáo, việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập có 272.309 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ. Trong đó, có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 02 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 2.817 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đánh giá về công tác hoạt động toàn ngành thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng thanh tra các bộ, ngành, địa phương bám sát định hướng và sự chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Một số nội dung theo kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng triển khai còn chậm. Nguyên nhân là một số quy định còn thiếu hoặc bộc lộ bất cập. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thanh tra còn hạn chế, tinh thần, trách nhiệm chưa cao, có trường hợp vi phạm, tiêu cực; sự phối hợp, kết hợp trong công tác thanh tra còn chưa chặt chẽ.

Trong đó, cơ quan thanh tra nhấn mạnh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Ngoài ra, công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

Ngoài ra, về phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2023, dự thảo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2023 và các cuộc thanh tra đột xuất được giao; đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực liên quan đến hoạt động thanh tra. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra theo tinh thần Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023 của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương; xây dựng bộ tiêu chí theo dõi, đánh giá toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng đối với các bộ, ngành, địa phương; mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030.

QUÝ MINH

Tăng cường rà soát, ngăn chặn việc buôn bán, sử dụng hóa đơn điện tử trái pháp luật

Nguyễn Hoàng Lâm