/ Tích hợp văn bản mới
/ Hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên đối với các tranh chấp về dân sự liên quan đến 'Tranh chấp quyền sử dụng đất'

Hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên đối với các tranh chấp về dân sự liên quan đến 'Tranh chấp quyền sử dụng đất'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành văn bản số 20/HD-VKSTC hướng dẫn hoạt động phát biểu của Kiểm soát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên đối với các tranh chấp về dân sự liên quan đến 'Tranh chấp quyền sử dụng đất'

Hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (gọi chung là vụ án dân sự) có vai trò quan trọng trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự; thể hiện trực tiếp, chính thức, tập trung, phản ánh rõ ràng và đầy đủ kết quả hoạt động kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự; góp phần củng cố vai trò, vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, thể hiện trách nhiệm của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân đối với xã hội và nhân dân; là cơ sở quan trọng để Tòa án xem xét ban hành bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự có căn cứ và đúng pháp luật; là phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật của người tham gia tố tụng và nhân dân; là cơ sở để nhân dân thực hiện giám sát trực tiếp đối với các hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Thời gian qua, hoạt động này nhìn chung ngày càng được đi vào nề nếp, tuân thủ các quy định của pháp luật, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa giải quyết vụ án dân sự có nhiều tiến bộ, nhiều phát biểu có chất lượng tốt, có căn cứ, làm cơ sở để Hội đồng xét xử ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp phát biểu của Kiểm sát viên còn chung chung, chưa đạt yêu cầu, chưa đầy đủ tình tiết, nội dung vụ án, thậm chí có trường hợp còn áp dụng không đúng quy định của pháp luật...

Thực hiện Kế hoạch số 37/KH-VKSTC ngày 28/02/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 96/2019/NQ-QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác tư pháp, trong đó có nội dung về nâng cao “Chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự; hành chính. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, VKSND tối cao hướng dẫn một số nội dung liên quan đến hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa xét xử vụ án dân sự.

Trong đó hướng dẫn cụ thể đối với các tranh chấp về dân sự liên quan đến “Tranh chấp quyền sử dụng đất”, “Tranh chấp hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất”.

Đối với loại tranh chấp này, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa tập trung vào những vấn đề sau:

- Thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ, thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh hay Tòa án cấp huyện khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm; tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án hay thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND).

- Điều kiện thụ lý vụ án: Vụ án có phải qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã hay không trước khi khởi kiện ra Tòa án (vụ án tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất phải qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp (Điều 203 Luật Đất đai năm 2013); đối với tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì không phải tiến hành hòa giải tại UBND cấp xã5.

- Xác định tư cách đương sự: Hộ gia đình hay cá nhân, lưu ý nếu là hộ gia đình thì phải xem xét đưa đầy đủ các thành viên hộ gia đình vào tham gia tố tụng theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013.

- Xác định các giấy tờ về sử dụng đất và nguồn gốc đất tranh chấp: Đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) hay chưa, nếu chưa được cấp GCNQSDĐ thì có một trong các giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 và các giấy tờ khác có liên quan không; việc xác nhận của UBND về quá trình hình thành, quản lý và sử dụng đất.

- Nghiên cứu hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Quá trình kê khai, đăng kí và sử dụng đất, văn bản quy định về thẩm quyền, quy trình, thủ tục cấp GCNQSDĐ để xem xét tính hợp pháp của việc cấp GCNQSDĐ.

- Các giao dịch liên quan và sự kiện pháp lý làm phát sinh tranh chấp (hợp đồng tặng cho, chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp... hay được thừa kế).

- Các tài liệu liên quan đến thẩm định, đo đạc, định giá tài sản tranh chấp nhằm xác định đúng thực trạng, vị trí, giá trị đất khi bồi thường, tính án phí.

- Xác định công sức đóng góp đầu tư, duy trì, cải tạo quyền sử dụng đất, hiện tại ai là người trực tiếp quản lý, sử dụng đất tranh chấp.

- Đối với hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất cần xem xét ý kiến của đương sự về giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng khi bị tuyên vô hiệu theo quy định tại điểm 2, mục III Văn bản giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TAND tối cao.

Ngoài ra, tại hướng dẫn cũng quy định rõ hoạt động phát biểu của Kiểm sát viên đối với vụ án “Tranh chấp về hợp đồng vay tài sản”.

Đối với loại tranh chấp này, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa tập trung vào những vấn đề sau:

* Về hợp đồng

- Hình thức của hợp đồng: Hợp đồng vay bằng văn bản hay bằng lời nói.

- Nội dung của hợp đồng: Thời điểm vay, thời hạn vay; vay có lãi hay không có lãi, nếu có lãi thì thỏa thuận của các bên về lãi có đúng quy định của pháp luật không; vay có thế chấp hay không có thế chấp tài sản bảo đảm, quy định về phạt hợp đồng, ...

* Các tài liệu khác: Lời khai của các đương sự trong quá trình thực hiện hợp đồng; giấy tờ nhận tiền, tài sản, cấn trừ nợ, giấy tờ thể hiện việc trả nợ gốc, lãi, chốt nợ... Xem xét hình thức nội dung của hợp đồng, có bị đe dọa, cưỡng ép, nhầm lẫn, vi phạm điều cấm hoặc thỏa thuận giả tạo không? Lưu ý thời gian gần đây, có nhiều trường hợp cho vay lãi suất cao, sau đó biến tướng chuyển sang các dạng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Kiểm sát viên phát biểu chú ý đến các chứng cứ chứng minh về việc vay, lãi suất, việc ký hợp đồng chuyển nhượng diễn ra như thế nào ... cho đúng bản chất của vụ án và giá trị chứng minh của chứng cứ.

HỒNG HẠNH

Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Lê Minh Hoàng