/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Kết quả triển khai Chiến lược phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam đến năm 2020

Kết quả triển khai Chiến lược phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam đến năm 2020

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động Luật sư ở nước ta đã được quan tâm xây dựng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu. Ảnh: Internet.

Trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020” (Chiến lược) với những chủ trương, chính sách lớn, các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm định hướng và hỗ trợ cho việc phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam giai đoạn 2011 đến 2020, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ở giai đoạn tiếp theo, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động Luật sư, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quan điểm, định hướng phát triển nghề Luật sư của Chiến lược

Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 được ban hành trong đó đề ra một số quan điểm, định hướng phát triển lớn để phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và nhu cầu của xã hội, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy dân chủ, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Đồng thời với việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng, Chiến lược cũng đặt ra định hướng phát triển nghề Luật sư theo hướng chuyên nghiệp hóa, đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng cao của cơ quan, tổ chức, công dân, doanh nghiệp; nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ Luật sư trong việc tham gia hoạch định chính sách, xây dựng, giám sát thực thi pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, bảo vệ công lý, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự “tự do hóa” của nghề Luật sư sau khi Việt Nam gia nhập WTO, để nâng cao và đáp ứng yêu cầu hội nhập, Chiến lược đã đề ra định hướng phát triển hoạt động hành nghề Luật sư trở thành nghề chuyên nghiệp, trong đó chú trọng phát triển tổ chức hành nghề Luật sư hành nghề chuyên sâu trong một số lĩnh vực, có khả năng cạnh tranh cao, từng bước chiếm lĩnh thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và trên thế giới.

Những kết quả đạt được về tổ chức, hoạt động Luật sư ở nước ta sau 10 năm thực hiện Chiến lược

Trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Chiến lược đã được cấp ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm; thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư đã từng bước hoàn thiện, số lượng Luật sư phát triển nhanh, chất lượng có nhiều cải thiện. Theo số liệu thống kê thì từ thời điểm triển khai Chiến lược (tháng 7/2011) đến hết tháng 5/2020, đội ngũ Luật sư cả nước đã tăng từ 6.250 Luật sư lên hơn 14.000 Luật sư (tăng trung bình khoảng 800 Luật sư/năm, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015[1]). Về phát triển tổ chức hành nghề Luật sư, cơ bản đạt mục tiêu Chiến lược đề ra, đó là phát triển từ 5-10 tổ chức hành nghề Luật sư tại các tỉnh khó khăn, đưa số lượng tổ chức hành nghề Luật sư trên toàn quốc từ 2.928 tổ chức hành nghề Luật sư (tháng 7/2011) lên hơn 4.000 tổ chức (tăng khoảng 1.100 tổ chức tính đến hết tháng 6/2020).

Công tác tạo nguồn, phát triển chất lượng và sử dụng đội ngũ Luật sư hội nhập quốc tế bước đầu được thực hiện và có kết quả. Chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao và đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế; đã hình thành đội ngũ Luật sư, chuyên gia pháp luật chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, chủ yếu tập trung ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Một số Luật sư trẻ được đào tạo ở nước ngoài, phổ biến là ở các nước như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến thời điểm này, cả nước có khoảng hơn 100 Luật sư Việt Nam đã theo học các khóa đào tạo nghề Luật sư ở nước ngoài và khoảng gần 20 Luật sư Việt Nam được công nhận là Luật sư của nước khác (Hoa Kỳ, Úc, Pháp…). Dịch vụ pháp lý do Luật sư cung cấp khá đa dạng, phong phú. Chất lượng tham gia tố tụng của Luật sư cũng có tiến bộ rõ rệt; nhiều ý kiến tranh luận của Luật sư đã được hội đồng xét xử ghi nhận. Trong quá trình giải quyết nhiều vụ án, sự tham gia của Luật sư đã góp phần đáng kể vào việc xác định đúng tính chất của vụ án, giảm thiểu oan, sai của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư trong việc tham gia giám sát thực thi pháp luật. Đặc biệt, thực hiện chủ trương đổi mới hoạt động tố tụng, nhiều quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đã được sửa đổi, bổ sung những năm qua theo hướng tăng quyền hạn cho người bào chữa, thể hiện rõ nét hơn yếu tố tranh tụng trong tố tụng hình sự, phản ánh chủ trương cải cách tư pháp của Nhà nước trong thời kỳ mới như những quy định về quyền của người bào chữa, bảo đảm cho họ quyền bình đẳng khi tham gia tranh luận tại phiên tòa… Đặc biệt, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành với nhiều quy định tiến bộ, khẳng định rõ và nâng cao vị thế, vai trò của Luật sư trong hoạt động tố tụng, nhất là vai trò tranh tụng, từ đó tạo cơ sở pháp lý cho đội ngũ Luật sư tham gia bào chữa hàng trăm nghìn vụ, việc về tố tụng trong 10 năm qua[2].

Đồng thời, để hỗ trợ cho việc phát triển nghề Luật sư, công tác quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư thời gian quan đã được thực hiện theo hướng tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển nghề Luật sư và công tác thanh tra, kiểm tra như mục tiêu Chiến lược hướng tới. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư được xây dựng và củng cố, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư bước đầu được phát huy, đánh dấu bằng sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào tháng 5/2009 hiện đang đi vào hoạt động với những bước đi căn bản và vững chắc. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện ngày càng sắc nét hơn vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đoàn Luật sư, Luật sư; tích cực tham gia xây dựng, góp ý, hoạch định chính sách của Nhà nước nói chung và chính sách về Luật sư và hành nghề Luật sư nói riêng.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về phát triển Luật sư chưa đạt được so với mục tiêu Chiến lược đề ra. Một số chỉ tiêu chưa sát thực, thiếu tính khả thi, do tính dự báo phát triển trong giai đoạn lâu dài của Chiến lược còn có điểm chưa phù hợp với khả năng thực tế như việc xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ pháp triển nghề Luật sư; số lượng Luật sư được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; tỷ lệ Luật sư được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp đến năm 2020; tỷ lệ Luật sư tham gia các vụ án hình sự; số lượng tổ chức hành nghề Luật sư tại một số tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; việc phát triển tổ chức - xã hội nghề nghiệp của Luật sư vững mạnh về mọi mặt… Một bộ phận Luật sư vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nghề Luật sư, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm xã hội của Luật sư chưa được phát huy; kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tự quản còn yếu; trong một số trường hợp, công tác tự quản chưa đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; nội dung, công cụ quản lý nhà nước còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế phát triển của tổ chức, hoạt động Luật sư trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng phức tạp và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hoạt động tranh tụng của Luật sư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết được hiệu quả trong hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể do pháp luật quy định xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó bắt nguồn từ công tác xây dựng pháp luật, nhận thức về vai trò, sự tham gia của Luật sư vào quá trình giải quyết vụ án của một số người tiến hành tố tụng, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của một số Luật sư…

Cơ hội và thách thức

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đặc biệt trước công cuộc cải cách tư pháp, mở rộng dân chủ và thực hiện công bằng xã hội, tổ chức và hoạt động Luật sư ở nước ta có nhiều thời cơ, vận hội với những triển vọng to lớn. Hiến pháp 2013 đã ghi nhận quyền bào chữa là quyền Hiến định; Chiến lược cải cách tư pháp cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để Luật sư tham gia sớm hơn, thực chất hơn vào quá trình giải quyết các vụ án, đặc biệt là trong việc tranh tụng tại phiên tòa; hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu giúp tạo cơ hội cho Luật sư giao lưu, học hỏi môi trường quốc tế, đồng thời, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là của doanh nghiệp cũng gia tăng và đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Thể chế pháp luật về tổ chức và hoạt động của Luật sư từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý cho Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư phát triển cả số lượng và chất lượng, trong đó có đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Các văn bản pháp luật về dân sự, thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được hoàn thiện nhằm tăng cường bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là những cơ sở pháp lý quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục thúc đẩy quan hệ dân sự phát triển, góp phần nâng cao nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư. Chủ trương mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính cũng như việc đổi mới mạnh mẽ thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp, thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại để người dân tăng cường tiếp cận công lý, khuyến khích việc giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của Luật sư, tầm quan trọng của các dịch vụ do Luật sư cung cấp ngày càng được nâng cao. Do đó, dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của các Luật sư Việt Nam sẽ tăng lên, số lượng vụ việc, khách hàng sẽ đa dạng hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nghề Luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Những cơ hội nêu trên cũng chính là những thách thức để làm sao đội ngũ Luật sư Việt Nam có đủ năng lực để cung cấp dịch vụ của mình ra xã hội thực sự hiệu quả và có chất lượng. Trước cầu của xã hội về chất lượng dịch vụ thì đòi hỏi trách nhiệm pháp lý, kỷ luật hành nghề đối với Luật sư ngày càng cao nhất là trong công cuộc cải cách tư pháp, đẩy mạnh thực hiện những cam kết trong khuôn khổ WTO, sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ pháp lý trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt. Trong khi đó, đội ngũ Luật sư ở nước ta hiện nay đang còn nhiều hạn chế, chất lượng Luật sư chưa tương xứng với nhu cầu của xã hội, Luật sư chưa có nhiều cơ hội để cọ xát, rèn luyện kỹ năng hành nghề trong môi trường cạnh tranh nghề nghiệp, hội nhập quốc tế.

Những việc cần làm để đội ngũ Luật sư Việt Nam tiếp tục phát triển

Trước tình hình thực tiễn và cơ hội, thách thức như trên, trong thời gian tới, để phát triển tổ chức và hoạt động của Luật sư phù hợp với tình hình mới, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, đội ngũ Luật sư cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

Thứ nhất, nghiên cứu, tham mưu cho cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến Luật sư và hành nghề Luật sư theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; trọng tâm phát triển về chất lượng, đạo đức nghề nghiệp của Luật sư, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hành nghề Luật sư.

Thứ hai, có kế hoạch cụ thể và triển khai hiệu quả công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho Luật sư, quan tâm bồi dưỡng kỹ năng hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế để góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư đủ điều kiện tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, đóng góp hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ ba, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức và hoạt động của Luật sư, việc thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về Luật sư nói riêng; xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực sự trở thành mái nhà chung, tập hợp sức mạnh, sự đoàn kết của giới Luật sư trong toàn quốc, kết hợp hiệu quả với cơ quan nhà nước trong việc giám sát, quản lý tổ chức và hoạt động của Luật sư.  

Thứ tư, nâng cao trách nhiệm, sự quan tâm của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư để thực hiện có hiệu quả các giải pháp được nêu trong Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020; thường xuyên rà soát, kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, định hướng được nêu ra tại Chiến lược

________________________
[1] Đến năm 2015, phát triển số lượng Luật sư mỗi năm từ 800 đến 1.000 Luật sư.
[2] Theo Báo cáo số 09/BC-LĐLSVN ngày 04/5/2020 của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, từ tháng 6/2009 đến hết năm 2019, Luật sư đã tham gia 333.907 vụ, việc về tố tụng, trong đó có 146.268 vụ án hình sự (72.028 vụ án do khách hàng mời và 74.240 vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu).
PHAN CHÍ HIẾU
Thứ trưởng Bộ Tư pháp
/nhung-sai-sot-thuong-gap-khi-giai-quyet-vu-an-hanh-chinh-lien-quan-den-dat-dai.html