/ Dọc đường tố tụng
/ Không chồng chéo thẩm quyền giữa các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy

Không chồng chéo thẩm quyền giữa các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng ngày 09/12, tại Phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan “không chồng chéo” về trách nhiệm, quyền hạn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận. Ảnh: VGP.

Sáng 09/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 và được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 102 lượt ý kiến phát biểu; thảo luận tại Hội trường với 26 lượt ý kiến phát biểu, 3 ý kiến tranh luận và 3 ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc bổ sung từ “tội phạm” để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Về vấn đề này, thường trực cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu quy định như Luật hiện hành thì đánh đồng giữa tội phạm về ma túy với tình trạng nghiện và các hành vi trái phép khác về ma túy. Do vậy, cần phân biệt giữa tội phạm về ma túy với tệ nạn ma túy để có cách ứng xử phù hợp.  

Về bố cục của dự thảo Luật, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị bổ sung chương riêng về cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy trong đó xác định rõ địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ chế phối hợp, điều kiện bảo đảm và chính sách cho các lực lượng; có ý kiến đề nghị bổ sung chương về phòng ngừa ma túy, trong đó quy định cụ thể về nội dung, giải pháp, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong phòng ngừa ma túy đối với các nhóm đối tượng khác nhau, cơ chế, chính sách đầu tư cho công tác phòng ngừa; có ý kiến đề nghị bổ sung một chương về tuyên truyền, phòng, chống ma túy hoặc bổ sung trách nhiệm tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho các chủ thể được quy định tại Chương II.

Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp như Điểm a, Khoản 1, Điều 13 Luật hiện hành. Có ý kiến cho rằng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành một số hoạt động liên quan đến điều tra, phát hiện tội phạm về ma túy là chưa phù hợp do vừa trùng lặp về nội dung và chưa đầy đủ so với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan tương tự như quy định đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Công an nhân dân.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận thấy rằng, phòng, chống và kiểm soát ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục và lâu dài, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội và tham gia của toàn dân.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cho đầy đủ, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy.

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần rà soát lại. “Nếu quy định như dự thảo, tôi e rằng có chồng lấn về mặt trách nhiệm, thẩm quyền giữa cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân với các lực lượng thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, tại khoản 2 Điều 10 quy định, “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân chủ trì, phối hợp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy”. Nhưng khoản 3 cùng Điều này lại quy định, “Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát”.

“Nếu chồng lấn như vậy thì không xác định được thẩm quyền, trách nhiệm của các lực lượng”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh và đề nghị quy định rõ "cơ quan nào phát hiện trước thì cơ quan đó có thẩm quyền thụ lý, giải quyết".

Về cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 30), có ý kiến đề nghị quy định rõ các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính; có ý kiến đề nghị tại điểm a và điểm b không cần quy định “biện pháp điều trị nghiện bằng thuốc thay thế”, bởi vì đây chỉ là cách thức điều trị đối với người nghiện chất ma túy dạng thuốc phiện và được thực hiện với cả hình thức cai nghiện tự nguyện cũng như bắt buộc; có ý kiến cho rằng quy định tại điểm c và điểm d là chưa phù hợp do chưa bảo đảm nguyên tắc chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy, cần xác định tình trạng nghiện đối với các trường hợp này trước khi áp dụng hình thức cai nghiện bắt buộc đối với họ.

Thường trực Ủy ban cho rằng quy định về các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong dự thảo Luật đã bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đề xuất chỉnh lý quy định về cai nghiện bắt buộc theo hướng bảo đảm nguyên tắc: chỉ cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy; ưu tiên cai nghiện ma túy tự nguyện và biện pháp điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người đã từng cai nghiện ma túy (bắt buộc hoặc tự nguyện) mà tái nghiện.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, ngoài các nội dung nêu trên, ý kiến của đại biểu Quốc hội về một số nội dung khác cùng các góp ý về kỹ thuật lập pháp sẽ được Thường trực Ủy ban phối hợp với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan của Quốc hội và Ban soạn thảo rà soát tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận tại phiên họp, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, cơ bản các thành viên Ủy ban Thường vụ đều nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, các thành viên Ủy viên Thường vụ Quốc hội có cân nhắc thêm và đề nghị chú ý thêm đối với các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo.

Cụ thể, đối với trẻ em từ 12 tuổi đến 18 tuổi đi cai nghiện tập trung thì cần có một điều riêng. Cần chỉnh lý thống nhất với các luật khác, bảo đảm quyền lợi tốt nhất, lợi ích tốt nhất cho các em, dù đi cai nghiện nhưng bảo đảm quyền con người, quyền trẻ em mà chúng ta đã cam kết trong Công ước quốc tế.

Về thời gian đưa người nghiện ma túy vào các cơ sở cai nghiện thì ghi rõ trong các quyết định của Tòa án nhưng trách nhiệm của gia đình, xã hội, cơ quan, tổ chức cai nghiện thì cần phải rõ hơn trong hướng dẫn thi hành.

Về hiệu lực thi hành, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất là từ ngày 01/01/2022 có hiệu lực là phù hợp. Vì vậy, đề nghị cần quan tâm trong quá trình tổ chức thực hiện Luật này và để đảm bảo sự thống nhất giữa luật này với các luật khác thì cần tiếp tục rà soát.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát, thẩm tra lại dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) để có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

NGỌC NHI

/de-xuat-tiep-tuc-giam-nhieu-muc-phi-le-phi-den-het-30-6-2021.html