/ Góc nhìn
/ Không liêm chính ắt 'vô sỉ'

Không liêm chính ắt 'vô sỉ'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nói chung, dư luận xã hội không lạ với những động thái chống đỡ và tự bào chữa cho mình của các quan chức phạm tội. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự vô sỉ của những con người đó, nó thể hiện một sự xuống cấp trầm trọng đạo đức và đạo lý, về nhân cách làm người, nói ngược với làm, thói đạo đức giả lên ngôi chi phối mọi hành vi ứng xử. Đã không liêm chính thì chẳng mong gì một sự trung thực, tuy nhiên, còn chút liêm sỉ thì cần giữ vì nó thuộc nhân cách, “ăn năn, hối lỗi” là một chế định trong pháp luật hình sự, một yếu tố để xem xét đến tình tiết giảm nhẹ nhưng quan trọng hơn, còn nhận được sự tha thứ nhất định từ dư luận xã hội.

Ảnh minh họa.

Khi Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Nghệ An bị Công an triệu tập làm việc trong vụ Việt Á vừa bị khởi tố đã ngay lập tức trở thành sự chú tâm của dư luận về các động thái của “bị can tiềm năng” này.

Trả lời báo chí, ông luôn luôn khẳng định việc đấu thầu kit test Việt Á đều đúng trình tự, quy trình, quy định, thủ tục, việc Công an làm việc với Nghệ An chỉ là “hiểu nhầm” và quan trọng nhất là ông không tơ hào đến chuyện “lại quả”,... Mạnh miệng vậy nhưng trước cơ quan điều tra, ông buộc phải tự thú hành vi sai trái của mình và ông trở thành bị can chính thức, “tay sạch” đã bẩn từ lâu rồi và cái miệng, tất nhiên cũng không sạch!

Động thái của ông Giám đốc này khiến chúng ta liên hệ đến thái độ, hành vi ứng xử của các cán bộ lãnh đạo “nhúng chàm” trước đó khi bắt đầu bị lọt vào "tầm ngắm" của cơ quan bảo vệ pháp luật. Hãy xem tướng Vĩnh bình thản làm vườn, chăm cây cảnh, vui thú điền viên khi vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao và thuộc cấp của ông bị khởi tố, tâm sự với một nhà báo ông tỏ ra vô can. Hoặc, vị Bộ trưởng nhận hối lộ 3 triệu đô la khăng khăng phủ nhận đến cùng, đến khi chứng cứ rõ ràng thì vẫn quanh co về số tiền đó, chỉ đến khi đối diện với án tử hình thì mới giục người nhà giao nộp.

Mới đây, khi bị cáo buộc nhận hối lộ 5 tỉ để chạy án từ Vũ “nhôm”, bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo cục thuộc Bộ Công an chỉ thừa nhận là nhận quà cigar và linh chi thôi, không có chuyện nhận tiền để “vạch đường cho hươu chạy” khuyên tội phạm “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Nếu như Giám đốc CDC Nghệ An khẳng định mình “tay sạch” thì ngay trước đó và trước Tòa, cựu Chủ tịch Hà Nội đã khẳng định sự trong sạch của mình bằng tuyên bố “không lấy một đồng của Nhà nước”. Sắp tới, phiên tòa xử cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và đồng phạm về hành vi nâng giá thiết bị y tế, “ăn trên lưng người bệnh” sẽ diễn ra, dư luận hẳn không quên những lời đanh thép khẳng định mình vô can của bị cáo này trước khi bị khởi tố và tống giam.

Những động thái tương tự như đã liệt kê trên đây có thể dẫn ra không ít, tựu trung, đó là thái độ tỏ ra vô can, thuộc cấp hoặc phạm vi của mình quản lý thực hiện hay xảy ra hành vi vi phạm pháp luật thì “không biết”, “ai làm thì người đó phải chịu”, đặc biệt, ai cũng thể hiện mình là người trong sạch, liêm chính, tất cả là vì việc chung, công hiến hết mình cho sự nghiệp, thể hiện sự “chí công, vô tư”, việc nào cũng “đúng quy trình, quy định”, kể cả việc “nâng đỡ không trong sáng”.

Nói chung, dư luận xã hội không lạ với những động thái chống đỡ và tự bào chữa cho mình của các quan chức phạm tội. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự vô sỉ của những con người đó, nó thể hiện một sự xuống cấp trầm trọng đạo đức và đạo lý, về nhân cách làm người, nói ngược với làm, thói đạo đức giả lên ngôi chi phối mọi hành vi ứng xử. Đã không liêm chính thì chẳng mong gì một sự trung thực, tuy nhiên, còn chút liêm sỉ thì cần giữ vì nó thuộc nhân cách, “ăn năn, hối lỗi” là một chế định trong pháp luật hình sự, một yếu tố để xem xét đến tình tiết giảm nhẹ nhưng quan trọng hơn, còn nhận được sự tha thứ nhất định từ dư luận xã hội.

 NHỊ NGỌC

Kết thúc một năm nhiều biến động

Lê Minh Hoàng