/ Tư vấn
/ Quá hạn thực hiện một số thủ tục hành chính do giãn cách xã hội có bị xử phạt?

Quá hạn thực hiện một số thủ tục hành chính do giãn cách xã hội có bị xử phạt?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cá nhân, tổ chứckhông thể thực hiện được hoặc quá hạn thực hiện một số thủ tục hành chính. Vậy, không thực hiện được hoặc quá hạn thực hiện một số thủ tục hành chính trong thời gian giãn cách có bị xử phạt?

  Luật sư Phạm Văn Phượng, Công ty Luật TNHH Vietthink.

Về vấn đề này, Luật sư Phạm Văn Phượng, Công ty Luật TNHH Vietthink cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm của đại dịch Covid-19 đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi 19 tỉnh, thành phố phía Nam 14 ngày từ 00h ngày 19/07/2020; Chủ tịch TP. Hà Nội cũng ra Chỉ thị số 17/CĐ-UBND thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 06h ngày 24/7 trên phạm vi toàn thành phố.

Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 quy định bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu mọi người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác. Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan Ngoại giao. Nhà máy, cơ sở sản xuất, Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hoá thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước… Ngoài ra, tại mỗi địa phương Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố còn có các Công văn, Chỉ thị áp dụng bổ sung, hướng dẫn các quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng. Tại các Cơ quan hành chính Nhà nước cũng có thông báo tạm dừng nhận thủ tục hành chính trực tiếp.

Bên cạnh đó, khoản 14 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về giải thích từ ngữ quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Như vậy, trường hợp là tổ chức, cá nhân có trụ sở, địa chỉ (thường trú, tạm trú) nằm trong vùng bị cách ly, khu vực bị cách ly, cá nhân thuộc đối tượng bị cách ly theo quyết định, thông báo của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do dịch bệnh Covid-19 nếu phát sinh nghĩa vụ hành chính nhưng trong thời gian bị cách ly không thể thực hiện nghĩa vụ đúng quy định pháp luật được coi là sự kiện bất khả kháng.

Tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây: Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng”.

Như vậy, theo quy định tại khoản 14 Điều 2 và khoản 4 Điều 11 Luật Xử phạt vi phạm hành chính thì do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số thủ tục hành chính trong thời gian giãn cách không thực hiện được hoặc quá hạn thực hiện thuộc trường hợp bất khả kháng. Do đó, trường hợp là tổ chức, cá nhân có trụ sở doanh nghiệp, địa chỉ (thường trú, tạm trú) nằm trong vùng bị cách ly, khu vực bị cách ly, cá nhân thuộc đối tượng bị cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do dịch bệnh Covid-19 không thực hiện được hoặc quá hạn thực hiện một số thủ tục hành chính trong thời gian bị cách ly thì không bị xử phạt vi phạm hành chính.

NGỌC LINH

Người lao động bị nghỉ việc không lương nộp hồ sơ hỗ trợ khó khăn do Covid-19 ở đâu?

Lê Minh Hoàng