/ Pháp luật - Đời sống
/ Góp ý đối với dự thảo Pháp lệnh chi phí tố tụng: Sao chụp hồ sơ bằng thiết bị điện tử không phải trả phí

Góp ý đối với dự thảo Pháp lệnh chi phí tố tụng: Sao chụp hồ sơ bằng thiết bị điện tử không phải trả phí

29/09/2023 06:43 |

(LSVN) – Luật sư cho rằng, đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thực hiện sao chụp hồ sơ bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử để chụp hoặc dùng USB để copy tài liệu đã được số hóa từ cơ quan tiến hành tố tụng thì không nên quy định phải mất phí, không có lý do để gì để thu phí trong các trường hợp này.


Ảnh minh họa.

TAND Tối cao đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Một trong những đề xuất nhận được sự quan tâm của dư luận là Điều 85 dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng (dự thảo 3) quy định về chi phí sao chụp tài liệu trong trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp. Theo đó, trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.

Chia sẻ về một số quan điểm, ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan đến đề xuất này, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, việc bổ sung các quy định pháp luật về chi phí tố tụng là cần thiết, trong đó có cả các chi phí sao chép, sao chụp tài liệu. Tuy nhiên, quy định như thế nào để đảm bảo sự hài hòa, hợp lý, dễ áp dụng, hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh là vấn đề cần phải bàn kĩ.

Hoạt động tố tụng hình sự trải qua 3 giai đoạn là giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử. Hồ sơ vụ án hình sự chủ yếu do cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra vụ án. Kết thúc giai đoạn điều tra thì bị can, những người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quyền tiếp cận hồ sơ vụ án bằng hình thức đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án.

Cụ thể, điểm i, khoản 2, Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định quyền của bị can như sau: "Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu".

Điểm i, khoản 1, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về quyền của người bào chữa như sau: "Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra".

Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, sau khi kết thúc điều tra, cả bị can và người bào chữa đều được quyền "đọc", "ghi chép" các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Với Luật sư thì còn có thêm quyền "sao chụp" những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa.

Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị can được quyền đọc bản sao tài liệu chứ không được quyền đọc bản chính tài liệu như người bào chữa. Vậy, khi bị can có yêu cầu được đọc hồ sơ thì cơ quan tố tụng bắt buộc phải sao photo tài liệu ra để đưa cho bị can đọc. Đây là quy định rất mới, rất tiến bộ trong tố tụng hình sự để bị can có cơ hội tiếp cận với những chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội cho mình, làm cơ sở để thực hiện hoạt động tranh tụng công khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, trên thực tế từ khi áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đến nay, rất ít các bị can thực hiện quyền này, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa cởi mở trong việc đảm bảo thực hiện quyền được tiếp cận với hồ sơ vụ án của các bị can trong vụ án hình sự. Do đó, chi phí để photo tài liệu đưa cho bị can đọc sau khi kết thúc điều tra vụ án hiện nay là không đáng kể.

Theo Luật sư Cường, đối với người bào chữa, việc người bào chữa phải "đọc, ghi chép, sao chụp" các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để thực hiện tham gia tố tụng, tranh tụng tại phiên tòa là bắt buộc. Đây là nghĩa vụ, một hoạt động tố tụng bắt buộc và là hoạt động nghề nghiệp của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong các hình thức tiếp cận với hồ sơ vụ án thì "đọc hồ sơ" và "ghi chép" hồ sơ là những hoạt động rất "thủ công", mất nhiều thời gian công sức của Luật sư. Hiện nay, rất ít Luật sư đến tòa để đọc hồ sơ (cả ngày) hoặc lấy bút ghi chép như ngày xưa vì vậy không nên quy định người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương phải trả phí cho hoạt động (đọc, ghi chép) này. Thực tế cho thấy Luật sư đọc hồ sơ, ghi chép hồ sơ không làm tốn kém chi phí gì của cơ quan tố tụng.

Hiện chưa có khái niệm cụ thể "sao chụp" hồ sơ là gì, thông thường thể hiện ở hai dạng là photocopy và chụp ảnh. Theo đó, đối với hoạt động "sao chụp" tài liệu chứng cứ, cũng cần phân chia làm hai trường hợp là: Một là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự dùng máy ảnh, điện thoại chụp tài liệu chứng cứ; hai là trường hợp sử dụng máy photocopy, sử dụng giấy trắng của Tòa án, của các cơ quan tiến hành tố tụng để photo hồ sơ tài liệu. Ngoài ra, còn có thể có trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của đương sự sử dụng USB để copy dữ liệu điện tử hồ sơ đã được số hóa tại các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cùng với sự phát triển của công nghệ và xã hội thì những năm gần đây các đương sự và Luật sư tham gia tố tụng thường dùng điện thoại hoặc các phương tiện công nghệ để chụp ảnh hồ sơ vụ án mang về nghiên cứu, có thể in hoặc lưu trữ ở dạng điện tử. Việc sao chụp hồ sơ không phải là hình thức photo bằng máy photocopy của Tòa án phải dùng giấy của Tòa án, điện của Tòa án mà là bằng điện thoại của Luật sư, của đương sự và thời gian chụp hồ sơ tài liệu rất nhanh chóng. 

“Đọc hồ sơ, ghi chép hồ sơ, sao chụp hồ sơ là các quyền rất cơ bản của đương sự, của những người tham gia tố tụng. Nếu có những quy định có tính chất rào cản kĩ thuật, quy định phải nộp những khoản chi phí bất hợp lý thì đó là bước thụt lùi của tố tụng”, Luật sư Cường bày tỏ.

Vì vậy, khi quy định về lệ phí, chi phí tố tụng, Luật sư Cường kiến nghị chỉ nên quy định trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc các đương sự khác sử dụng phương pháp photocopy hồ sơ tài liệu bằng cách sử dụng máy photocopy, sử dụng điện, giấy trắng của Tòa án thì mới phải nộp chi phí tố tụng theo thời giá hao mòn máy móc, giá giấy mực. Còn đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự và các đương sự khác thực hiện sao chụp hồ sơ bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử để chụp hoặc dùng USB để copy tài liệu đã được số hóa từ cơ quan tiến hành tố tụng thì không nên quy định phải mất phí, không có lý do để gì để thu phí trong các trường hợp này.

HỒNG HẠNH

Đề xuất mức chi phí khi Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự: Quá cao và chưa hợp lý

Đề xuất Luật sư sao chụp tài liệu vụ án hình sự phải chịu chi phí

Bùi Thị Thanh Loan