/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư

Kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, vị thế của Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong những năm gần đây, đội ngũ Luật sư cũng như tổ chức hành nghề Luật sư ngày càng được mở rộng và phát triển. Chất lượng cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư ngày càng được cải thiện, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác cải cách tư pháp và nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian vừa qua Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh đã hỗ trợ Luật sư trong công tác đăng ký tiên vaccin ngừa Covid-19, các vấn đề liên quan đến Giấy đi đường trong hoạt động hành nghề của Luật sư. Ngoài ra, các công tác đào tạo Luật sư và các vai trò nhiệm vụ khác vẫn được duy trì thực hiện theo quy định của pháp luật.

Để tiếp tục kiện toàn, nâng cao vai trò, vị thế của Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng nhằm phát huy tốt vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư. Hơn nữa, cần đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với những liên đoàn Luật sư quốc tế nhằm tạo cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ Luật sư, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng về thương mại quốc tế.

Thứ hai, cần tạo ra được sự đồng thuận trong nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ Luật sư và có những giải pháp cụ thể hóa chiến lược phát triển nghề Luật sư; hoàn thiện môi trường pháp lý và chính sách phát triển nghề Luật sư; nâng cao chất lượng đào tạo Luật sư, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề cho các Luật sư, đặc biệt tập trung cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các Luật sư những kiến thức và kỹ năng hành nghề luật trong môi trường pháp lý quốc tế.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật nhằm tạo nguồn đầu vào tốt cho đào tạo Luật sư; quan tâm đến việc mở rộng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hội nhập, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ, pháp luật quốc tế… cho đội ngũ Luật sư.

Thứ tư, phát triển các tổ chức hành nghề Luật sư theo hướng chuyên môn hoá lĩnh vực. Có nhiều hơn tổ chức hành nghề Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài, có khả năng tham gia tranh tụng, đàm phán các vấn đề liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu pháp lý của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường công tác quản lý nhà nước về luật sự và hành nghề Luật sư, triển khai các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề Luật sư; công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, hoạt động Luật sư; có hình thức khen thưởng kịp thời cho các Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư có thành tích và có công đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Phát triển Đảng trong Đoàn Luật sư để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư nhằm phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư.

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền để tạo lập được tâm lý và thói quen của nhân dân trong việc sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Mặt khác, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để khẳng định vai trò, vị thế của đội ngũ Luật sư; xây dựng, hoàn thiện những quy định pháp luật về tố tụng theo hướng bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; tạo lập sự bình đẳng cần có giữa người tiến hành tố tụng và Luật sư trong các giai đoạn tố tụng.

Như vậy, việc phát triển nghề Luật sư, nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ Luật sư, trong cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế, cần có những chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của xã hội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và những đóng góp, nỗ lực của chính đội ngũ Luật sư.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh.

Những đóng góp của Luật sư trong thời gian qua

Trong quá trình hành nghề của mình, Luật sư có rất nhiều hoạt động xã hội mang lại ý nghĩa và giá trị cao cho cộng đồng như: tham gia phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu, các hoạt động thiện nguyện…

Chất lượng hoạt động các Luật sư ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước Toà, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề Luật sư còn hỗ trợ hiệu quả cho các cá nhân, doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình...

Đặc biệt Luật sư đã thể hiện tích cực vai trò xã hội thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần phục vụ cộng đồng của Luật sư với các đối tượng chính sách, công dân nơi vùng xa, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn hay hoạt động trợ giúp pháp lý theo chỉ định của cơ quan tố tụng.

Ngoài hoạt động hành nghề Luật sư theo nội dung đăng ký hoạt động, đội ngũ Luật sư đã tích cực tham gia tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, ý kiến đề xuất, góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động mang tính xã hội khác, nhiều Luật sư có uy tín và thâm niên hành nghề tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học về thi hành và áp dụng một số chính sách, pháp luật quan trọng trong đời sống thực tiễn; kiến nghị và góp ý xây dựng nhiều dự án Luật.

Những năm vừa qua, Luật sư, đội ngũ Luật sư cùng với sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chính sách xã hội, chương trình xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sự phát triển bền vững. Ngoài ra, chức năng xã hội của Luật sư còn được thể hiện qua việc đồng hành cùng báo chí để phản ánh trung thực, khách quan những vụ án có dấu hiệu oan sai là rất cần thiết. Đây cũng là một trong những hoạt động phối hợp bảo vệ pháp luật của Luật sư và báo chí.

Sự cống hiến đối với xã hội của Luật sư và đội ngũ Luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý đã tạo nên những giá trị xã hội của nghề Luật sư. Những đóng góp đó của Luật sư đã góp phần bảo vệ công lý, công bằng và pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân và góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; phản ánh các chuẩn mực, các giá trị xã hội, niềm tin vào những quyền cơ bản, nhân phẩm, giá trị của con người.

Nhận thức về vai trò, vị thế của Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư trong xã hội được nâng lên; các quan hệ, giao dịch có sự tham gia của Luật sư để tư vấn, trợ giúp về pháp lý ngày càng nhiều, đặc biệt là sự có mặt của Luật sư tại các phiên toà tranh tụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đương sự ngày càng tăng, tác động nhất định đến hoạt động xét xử, tính dân chủ và sự nghiêm minh của pháp luật.

Luật sư GIANG HỒNG THANH

Văn phòng Luật sư Giang Thanh

Hà Nội ban hành mới 33 thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp và đầu tư

Lê Minh Hoàng