/ Tin nổi bật
/ Kiến nghị kịp thời để giải quyết bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách

Kiến nghị kịp thời để giải quyết bất cập trong quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách

12/05/2023 17:32 |

(LSVN) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo đó, báo cáo Quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, các chính sách tài chính trong năm 2021 được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quyết toán thu NSNN tăng 233.327 tỉ đồng (17,2%) so với dự toán, tỉ lệ động viên thu NSNN năm 2021 đạt 18,7% GDP, riêng thu thuế và phí đạt 15,1% GDP; thu nội địa tăng 179.781 tỉ đồng (15,9%) so với dự toán; tỉ trọng thu nội địa trên tổng thu NSNN đạt 82,5%.

Quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách Trung ương giảm 13,5% so với dự toán, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án ODA gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, phê duyệt hồ sơ của một số nhà tài trợ kéo dài, nên không có khối lượng để thanh toán kế hoạch vốn được giao, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, một số đơn vị chậm gửi báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách về Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 1, Điều 70, Luật NSNN, cá biệt trường hợp Bộ Y tế chậm gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 đến 03 tháng. Bộ Tài chính chậm thẩm định, thông báo thẩm định quyết toán ngân sách năm 2021, quyết toán theo niên độ vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương của một số bộ, ngành theo quy định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng cho hay, Bộ Y tế tổ chức kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, chậm hoàn thành việc thông báo xét duyệt/thẩm định đối với các đơn vị trực thuộc.

Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lý do Bộ Y tế chậm nộp báo cáo quyết toán, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, một phần nguyên nhân các đơn vị nộp chậm do thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 có nhiều sự việc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra về công tác cán bộ, nên lãnh đạo một số đơn vị chưa thật sự tập trung chỉ đạo công tác chỉ đạo nộp lên Bộ Y tế.

Tiếp đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét đối với quyết toán NSNN năm 2021 do Chính phủ trình để báo cáo Quốc hội phê chuẩn: thu cân đối NSNN 2.387.906 tỉ đồng; chi cân đối NSNN 2.484.491 tỉ đồng; bội chi NSNN 214.105 tỉ đồng, bằng 2,52% GDP thực hiện.

Báo cáo cũng nêu nhiều hạn chế cần phải được chấn chỉnh, đáng chú ý là trong năm 2021 còn để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản (Hà Tĩnh 100,3 tỉ đồng; Bình Định 271,5 tỉ đồng; Quảng Ngãi 244,4 tỉ đồng; Hải Phòng 14,2 tỉ đồng; Quảng Ninh 20,7 tỉ đồng; Sơn La 51,9 tỉ đồng; Quảng Bình 63,5 tỉ đồng; Bắc Giang 35,1 tỉ đồng…).

Về thực hiện cải cách tiền lương, báo cáo nêu, một số đơn vị sự nghiệp công lập chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, không lập dự toán chi thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi không đúng quy định.

Về nợ công thì trong năm 2021 có 03 khoản vay ngân quỹ Nhà nước của ngân sách Trung ương đến hạn trả nợ nhưng phải gia hạn nợ 198.864 tỉ đồng; việc lập kế hoạch vay và báo cáo tình hình vay nợ của các địa phương chưa kịp thời theo quy định. Một số chỉ tiêu nợ công phản ánh trên các báo cáo tại Kho bạc Nhà nước và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) còn chưa thống nhất.

Việc lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021 của Bộ Tài chính cũng được Kiểm toán Nhà nước nhận xét là chậm so với quy định tại khoản 4, Điều 70, Luật NSNN.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho hay, hồ sơ báo cáo quyết toán NSNN (NSNN) năm 2021 được lập cơ bản đầy đủ theo quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021.

Qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2021 cho thấy, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán NSNN chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục…

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rút kinh nghiệm trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2021. Làm rõ trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương chậm lập, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, quyết toán các khoản thu, chi NSNN còn nhiều sai sót, hạch toán không đầy đủ… ảnh hưởng đến công tác thẩm định, thẩm tra, tổng hợp quyết toán NSNN năm 2021; xác định lộ trình xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng với mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 2,58%, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng, đời sống bộ phận người lao động gặp khó khăn phải thực hiện các chính sách miễn giảm thuế, giảm thuế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong điều kiện đó, tổng thu ngân sách vượt dự toán 12,7%, tỉ trọng thu nội địa đạt 82,5% tổng thu NSNN, chi ngân sách cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ của Nhà nước, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao, kỷ luật thu chi NSNN từng bước được thực hiện cải thiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng cần đánh giá đúng tình hình khi đưa ra Quốc hội để đánh giá về một năm ngân sách, cần có đánh giá đúng mực, rõ địa chỉ và nhận định đúng tình hình. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mỗi năm có những đặc điểm và tình hình riêng nên các báo cáo cần làm rõ, kiến nghị kịp thời để giải quyết các vấn đề đã nêu như việc sửa đổi các văn bản pháp luật, rõ trách nhiệm người đứng đầu, các vấn đề về chỉ đạo việc thực hiện các kết luận của kiểm toán…

TRẦN MINH

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về đề nghị cần có lộ trình miễn học phí đối với trẻ mầm non và học sinh THCS

Nguyễn Hoàng Lâm