/ Pháp luật - Đời sống
/ Kiến nghị sửa đổi luật tố tụng nhằm tăng thẩm quyền cho Viện Kiểm sát

Kiến nghị sửa đổi luật tố tụng nhằm tăng thẩm quyền cho Viện Kiểm sát

25/11/2023 07:09 |

(LSVN) - Thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng VKSND Tối cao tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023, Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) đã có báo cáo chuyên đề “Rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động” trong ngành Kiểm sát nhân dân (thời điểm lấy số liệu từ ngày 01/12/2022 đến ngày 30/8/2023).


Ảnh minh họa.

Thời gian qua ngành Kiểm sát nhân dân đã nghiêm túc quán triệt thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Viện trưởng VKSND Tối cao về công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm. Tuy nhiên qua theo dõi công tác kháng nghị cho thấy, một số vi phạm của Tòa án chưa được Viện Kiểm sát phát hiện kịp thời để thực hiện quyền kháng nghị, số lượng kháng nghị có xu hướng giảm, chất lượng kháng nghị của một số Viện Kiểm sát chưa đạt yêu cầu...

Một số dạng vi phạm của Tòa án bị Viện Kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm đối với các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động, cụ thể như:

- Xác định sai đối tượng, thời hiệu khởi kiện;

- Xác định không đúng mối quan hệ tranh chấp;

- Xác định sai tư cách người tham gia tố tụng, không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng;

- Việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, sử dụng tài liệu không có giá trị pháp lý để làm chứng cứ;

- Vi phạm trong việc áp dụng không đúng quy phạm pháp luật điều chỉnh, áp dụng quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực, không đúng thời điểm xảy ra sự kiện pháp lý hoặc không đúng văn bản pháp luật chuyên ngành: Vi phạm việc áp dụng pháp luật về việc xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh, về việc tính lãi suất; vi phạm trong việc giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu; vi phạm trong việc công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng giả tạo; vi phạm liên quan đến tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp; vi phạm liên quan đến tranh chấp có yếu tố nước ngoài;

- Vi phạm trong việc xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án;

- Vi phạm trong việc áp dụng pháp luật về án phí, lệ phí,...

Khiếu kiện hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động đều tăng

Trong thời gian từ ngày 01/12/2022 đến ngày 30/8/2023, trên địa bàn toàn quốc tình hình khiếu kiện hành chính, tranh chấp kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật  đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, Viện Kiểm sát thụ lý theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm là 38.169 vụ việc (tăng 2,58% so với cùng kỳ). Riêng án hành chính thụ lý kiểm sát 10.709 vụ án theo các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm tăng 328 vụ, 2,7%. Các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai  chiếm 91% trên tổng số vụ án hành chính, chủ yếu là các khiếu kiện về cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; quyết định cưỡng chế thu hồi đất;  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; cấp, thu hồi giấy phép đầu tư có sử dụng đất....

Các tranh chấp kinh doanh, thương mại chủ yếu là tranh chấp thành viên công ty, tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh, tranh chấp hợp đồng tín dụng. Tranh chấp trong lĩnh vực lao động thường phát sinh giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động trong giao kết, thực hiện hợp đồng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải, bồi thường các khoản trợ cấp nghỉ việc; người sử dụng lao động yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo...

Riêng đối với án hành chính thụ lý kiểm sát 10.709  vụ án theo các thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm  tăng 328 vụ, 2,7% (Số kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính  được  Tòa án  đưa  ra xét xử  11 vụ, Tòa án chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát là 09 vụ đạt 81,8%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội và của Ngành giao; còn có kháng nghị phải rút vì không có căn cứ.

Án hành chính thường có tính chất phức tạp, có tính chất đặc thù. Chủ thể bị kiện trong vụ án hành chính là cơ quan Nhà nước, người có chức vụ trong cơ quan Nhà nước, do đó, nhiều trường hợp không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ đối thoại, phiên tòa;  không cung cấp đầy đủ tài liệu cho cơ quan tiến hành tố tụng gây khó khăn trong giải quyết vụ án. Các vụ việc ở giai đoạn giám đốc thẩm có tính chất phức tạp; số lượng vụ việc có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng gia tăng.Bên cạnh đó, một số vụ việc kéo dài, xét xử nhiều cấp, nhiều lần.. dẫn đến khó khăn trong việc xác định đúng bản chất vụ việc và thực hiện quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Kiến nghị sửa luật tố tụng tăng thẩm quyền cho Viện Kiểm sát

Theo báo cáo chuyên đề này, VKSND Tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét sửa đổi một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính theo hướng bảo đảm cho Viện Kiểm sát thực hiện có hiệu quả chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, tăng thẩm quyền cho Viện Kiểm sát trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc, tiếp cận hồ sơ, tài liệu, chứng cứ. 

Theo đó, Viện Kiểm sát cần phải tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21 Bộ luật Tố tụng dân sự), bổ sung quy định hoãn phiên toà trong trường hợp Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên toà, phiên họp vắng mặt có lý do chính đáng (quy định tại khoản 1 Điều 232, khoản 1 Điều 296, khoản 1 Điều 367 Bộ luật Tố tụng dân sự). 

Khi Tòa án chuyển các quyết định trả lại đơn khởi kiện, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ, việc thì phải chuyển kèm tài liệu là căn cứ trả lại đơn và căn cứ tạm đình chỉ, đình chỉ (bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 192, khoản 2 Điều 214, khoản 3 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 123, khoản 2 Điều 141, khoản 2 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính); Viện Kiểm sát được trực tiếp tham gia hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ của Tòa án (bổ sung quy định tại Điều 101 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 88 Luật Tố tụng hành chính); Quy định rõ Viện kiểm sát cũng được thực hiện đầy đủ các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ như  Tòa án được quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 84 và các điều từ Điều 85 đến Điều 98 Luật Tố tụng hành chính, khoản 2, 3, 4 Điều 97 và các điều từ Điều 98 đến Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự để phục vụ việc kháng nghị; Quy định tăng thời hạn nghiên cứu hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp đối với các vụ việc phức tạp (sửa quy định tại khoản 2 Điều 220 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 147 Luật Tố tụng hành chính).

Bên cạnh đó, sửa quy định về thời hạn gửi bản phát biểu của Kiểm sát viên sau khi kết thúc phiên tòa (quy định tại Điều 262, Điều 306,Điều 375, Điều 341 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 190, Điều 240, Điều 270, Điều 286 Luật Tố tụng hành chính).  

Luật sư HỒNG HÀ

Đề xuất hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Bùi Thị Thanh Loan