/ Góc nhìn
/ Kinh doanh kiểu xã hội đen

Kinh doanh kiểu xã hội đen

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Công an TP. Hà Nội vừa phá án một vụ kinh doanh sặc mùi xã hội đen từ việc tổ chức, điều hành đến các thủ đoạn dụ khách, cưỡng đoạt tài sản tại một cửa hàng kinh doanh đồ uống, bóng cười trên phố Tôn Đức Thắng.

Ảnh minh họa.

Các cổ đông chung lưng mở quán được phân công cụ thể, người thu thập cách thức hoạt động của các quán khác để áp dụng cho quán mình, người chịu trách nhiệm quảng cáo, thu hút khách, người phụ trách hậu cần, thu chi, giám sát hoạt động và “đối ngoại”, đảm bảo cho các việc làm phi pháp của quán không bị phanh phui, nói cách khác là tìm sự che chắn, bảo kê, chống lưng của các cơ quan chức năng trên địa bàn.

Người phụ trách mảng này là một nhân vật tai tiếng được nhiều người biết đến là cựu Đại úy Công an Lê Thị Hiền với vụ náo loạn ở sân bay Tân Sơn Nhất vài năm trước.

Những kẻ “chung lưng mở một quán hàng, sẵn lòng buôn phấn, bán hương sá gì” này sau khi thống nhất phương cách thực hiện, ăn chia thì thuê một nữ nhân viên điều hành với các chỉ tiêu doanh thu hàng tháng. Nữ nhân viên này chiêu mộ các nữ nhân viên khác để lôi kéo, dụ dỗ khách đến quán ăn uống, hít bóng cười, đưa ra nhiều đồ ăn, thức uống rồi bắt thanh toán với giá cao.

Chúng gọi cách moi tiền khách này là “dí bill”, nếu khách phản đối, lập tức bọn “mặc rô” xuất hiện, cưỡng bức khách phải trả tiền. Cách hành xử côn đồ, xã hội đen này mang lại doanh thu lớn cho quán và hành vi này bị Cơ quan Công an cáo buộc tội “Cướp tài sản” và cả bộ sậu liên kết ra hình thức kinh doanh quái gở này đã sa lưới pháp luật.

Trở lại với trường hợp của nữ bị can – cựu Đại úy Lê Thị Hiền, hẳn mọi người không quên sự phẫn nộ của dư luận xã hội với hành vi “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 11/8/2019. Cách hành xử kiểu "Chí Phèo" của bà ta tại nơi công cộng đã làm xấu đi hình ảnh của ngành Công an nhân dân rất nhiều và đúng ra phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm rối loạn trật tư công cộng và chống người thi hành công vụ". Sau khi bị loại ngũ thì bà ta lộ diện bản chất lưu manh của mình qua vụ án “Cướp tài sản”, và khó mà thoát tội một lần nữa.

Một hiện tượng đáng chú ý và không thể bỏ qua là những những người từng phục vụ ở ngành Công an sau khi bị loại ngũ thường có những hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực mình từng bảo vệ. Cảnh sát chống tội phạm ma túy thì buôn ma túy, kẻ bảo vệ trật tự xã hội thì tổ chức đánh bạc, bảo kê trường gà,… Vụ tống tiền Phó Chủ tịch huyện ở Thanh Hóa 25 tỉ cũng do một cựu cán bộ Công an chủ mưu, lên phương án. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ khác tương tự, những người được đào tạo cơ bản trong ngành đã dùng chính những thứ được “trau dồi nghiệp vụ” để chống lại pháp luật và xã hội. Đó là một thứ ung nhọt cần được “chẩn bệnh” và cắt bỏ! 

NHỊ NGỌC.

Để bảo vệ trẻ em, cần phải xử lý nghiêm hành vi thờ ơ, vô cảm

Lê Minh Hoàng