/ Đời sống - Xã hội
/ Kỷ luật nhiều cá nhân dùng bằng giả của Đại học Đông Đô

Kỷ luật nhiều cá nhân dùng bằng giả của Đại học Đông Đô

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) và 9 bị can khác nguyên là lãnh đạo, nhân viên trường này về tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.

Trường Đại học Đông Đô.

Theo cáo trạng, Trường Đại học Đông Đô không được phép đào tạo văn bằng 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh. Nhưng năm 2017, Trần Khắc Hùng (cựu Chủ tịch nhà trường) đã chỉ đạo Ban giám hiệu ký các thông báo tuyển sinh. Sau đó, ông Trần Khắc Hùng phát hiện nhiều người có nhu cầu lấy bằng nhanh để hoàn thiện đầu vào, đầu ra nghiên cứu sinh; học thạc sĩ; thi công chức, nâng ngạch nên đã tổ chức họp Ban giám hiệu đưa ra chủ trương làm và cấp văn bằng 2 Tiếng Anh không qua tuyển sinh, đào tạo.

Các bị can đã tổ chức tiếp nhận học viên không qua thi đầu vào, không cần đào tạo. Bài thi bắt buộc được hợp thức bằng cách phát đề kèm đáp án cho học viên chép, cá biệt có trường hợp không phải làm bài thi. Những học viên sau khi hoàn thiện bài thi và nộp đủ tiền sẽ được Dương Văn Hòa ký cấp bằng. Ông Hòa cũng ký văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị mua phôi để in bằng cử nhân Tiếng Anh hệ văn bằng 2.

Cũng theo cáo trạng, từ năm 2018-2019, Trần Khắc Hùng và các bị can đã 12 lần tổ chức hợp thức hồ sơ, cấp 429 bằng giả và 2 giấy giả chứng nhận hoàn thành chương trình học. Qua việc cấp bằng giả, Đại học Đông Đô đã thu hơn 7,1 tỉ đồng của 347 người và nhập vào quỹ chung của nhà trường.

Khi vụ án được khởi tố, cơ quan Cảnh sát điều tra xác định được 210 trường hợp cấp bằng giả trong đó có 76 người đã sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi công chức. Từ đó đã kiến nghị cơ quan chủ quản xử lý trách nhiệm những người được cấp bằng giả; cơ quan đào tạo hủy kết quả học tập của những người sử dụng bằng giả. Hiện tại, có 2 người bị cách chức; 14 người bị cảnh cáo, khiển trách; 6 trường hợp xin tự kiểm điểm, nhận lỗi…

Bên cạnh đó, cơ quan tố tụng đã xác định tên tuổi của 221 trường hợp khác được Đại học Đông Đô cấp văn bằng, chứng chỉ giả nhưng không rõ địa chỉ, đơn vị công tác của họ nên không thể xử lý.

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

PV

Đồng Nai tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày

Lê Minh Hoàng