/ Góc nhìn
/ Lại chuyện tin đồn

Lại chuyện tin đồn

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tin đồn vốn là "một phần không thể thiếu" của đời sống dư luận xã hội, tồn tại từ trước đến nay, từ vỉa hè đến công sở, từ quán bia đến trong mỗi bữa cơm gia đình, thật có, giả có, phạm vi rộng hẹp khác nhau. Tuy nhiên, từ khi có mạng xã hội thì tin đồn lan truyền nhanh, cập nhật đến nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội và có hiệu ứng tức thì.

Ảnh minh họa.

Mới đây, một tin đồn xuất hiện trên mạng xã hội nhắm tới một doanh nhân hàng đầu Việt Nam bị cấm xuất cảnh làm rúng động dư luận. Và, ngay lập tức, Bộ Công an đã có động thái khẳng định đó là tin đồn thất thiệt, kịp thời ngăn chặn những hệ lụy xấu mà tin đồn này có thể gây ra. Đồng thời, những người phát tán tin đồn này trên mạng cũng bị phát hiện, ngăn chặn và xử phạt.

Tuy nhiên, có những tin đồn dù không có căn cứ xác thực nào (đã gọi tin đồn thì đâu cần căn cứ và xác minh) tồn tại dai dẳng và gây nên những xáo trộn nhất định trong đời sống xã hội cũng như kinh tế. Và, cũng phải thừa nhận một thực trạng rằng, có những tin đồn bị phủ nhận nhưng sau đó những gì diễn ra lại đúng với tin đồn đó. Tình trạng này cũng đã khiến nhiều người phân vân, đắn đo, nửa tin, nửa ngờ và gây nên những tác động không tốt khi dư luận bị phân tâm.

Tin đồn thường nhắm vào giới doanh nhân hay chính trị nên hệ quả do tin đồn gây ra tác động nhiều mặt vào đời sống kinh tế-xã hội nhưng không thể cấm được tin đồn phát tán. Do vậy, những động thái công khai, minh định, xác tín từ những cơ quan có thẩm quyền trước tin đồn là rất cần thiết để trấn an dư luận.

Cũng cần phải phân biệt rõ ràng động cơ, mục đích của những người phát tán tin đồn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Có một “triết lý” trong giới ngụy tạo tin đồn là “sự thật không phải tìm kiếm bởi có thể tạo ra sự thật”, có động cơ, mục đích rõ ràng là nhắm vào ai đó và để làm gì đó có lợi cho mình. Tất nhiên, đó là hành vi vụ lợi và với động cơ xấu.

Còn đối với mọi người, cần tỉnh táo trước mọi tin đồn, kể cả đồn nhảm. Chúng ta hiểu được sự nguy hiểm của tin đồn, nó có thể làm mất thanh danh hoặc làm sụp đổ sự nghiệp của một người và cũng có thể gậy ra những hậu quả to lớn hơn trong đời sống chính trị-kinh tế-xã hội.

Nếu chúng ta tin vào tin đồn có nghĩa là, vô hình trung, ta đã tiếp tay và tiếp sức cho sức mạnh phá hoại của tin đồn. Vì thế, ngoài nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, người có thẩm quyền trong lĩnhvực xử lý tin đồn thì còn cần đến sự tỉnh táo, khả năng phân biệt đúng sai, sự thận trọng cần thiết của những người tiếp nhận tin đồn.  

NHỊ NGỌC

Người dân cần tỉnh táo trước tin đồn thất thiệt

Lê Minh Hoàng