/ Luật sư - Bạn đọc
/ Làm giả phiếu xét nghiệm âm tính Covid-19 bán với giá 30.000 đồng: Xử lý thế nào?

Làm giả phiếu xét nghiệm âm tính Covid-19 bán với giá 30.000 đồng: Xử lý thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Đối tượng Trần Hoàng Ý có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 . Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là 7 năm; bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Cán bộ điều tra làm việc với đối tượng làm giả giấy xét nghiệm. Ảnh: cand.

Ngày 08/8, Công an TP. Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đã lập hồ sơ điều tra đối với Trần Hoàng Ý (SN 1989, ngụ xã Tân Phú Đông) về hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Theo kết quả điều tra, chiều 03/8, lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên tuyến quốc lộ 80, đã dừng kiểm tra ôtô BKS 66A-101.27, kiểm tra và khai báo y tế đối với Tạ Phước Tài (SN 1979) và Hà Thị Tuyết Nga (SN 1985) cùng ngụ tại phường Tân Quy Đông). Hai người trên xe đưa ra hai phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Lực lượng làm nhiệm vụ đã kiểm tra, phát hiện hai phiếu này nghi làm giả nên lập biên bản, bàn giao Công an TP. Sa Đéc. Qua xác minh, cả hai thừa nhận đã thuê Trần Hoàng Ý (SN 1989, ngụ xã Tân Phú Đông) làm giả nhiều phiếu xét nghiệm cho cho tài xế nhằm mục đích di chuyển qua các chốt kiểm soát.

Tại cơ quan Công an, Ý thừa nhận đã nhận vào hai tuần trước đã làm giả phiếu xét nghiệm SARS-CoV-2, cho những người có nhu cầu. Mỗi phiếu làm giả, đối tượng này thu 30.000 đồng.

Xử lý thế nào? 

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm như hiện nay thì hành vi làm giả phiếu xét nghiệm âm tính Covid-19 có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trường hợp hành vi của Trần Hoàng Ý nếu có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì có thể bị truy tố theo các tội sau đây:

Nếu Trần Hoàng Ý là cá nhân không được phân công việc ký giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 thì sẽ xác định không có chức vụ, quyền hạn đối với công việc làm giả. Do đó, Trần Hoàng Ý không bị xử lý đối với nhóm về chức vụ, quyền hạn mà có thể xem xét truy cứu về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người phạm tội có thể bị phạt tù với mức án cao nhất là 7 năm; bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Nếu Trần Hoàng Ý giữ chức vụ, quyền hạn ký duyệt giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 mà vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện việc giả mạo chữ ký của người có chức vụ quyền hạn thì có thể bị truy cứu tội "Giả mạo trong công tác" theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người phạm tội này có thể bị phạt tù cao nhất là 20 năm; bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.

Trong trường hợp, việc cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì người làm giả giấy tờ có thể bị truy cứu về tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm; bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 05 năm.

Đồng thời, hai đối tượng Tạ Phước Tài và Hà Thị Tuyết Nga cũng có thể bị xử lý về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người"

Có thể thấy, đây là thời điểm quan trọng cho việc kiểm soát dịch bệnh nhằm đưa đất nước hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Do đó, các cán bộ, nhân viên trong tuyến đầu chống dịch nói riêng và cộng đồng nói chung cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bản thân, đặc biệt cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi trái pháp luật trong phòng, chống dịch.

NGỌC ANH

Mạng xã hội và những câu chuyện... thêu dệt

Lê Minh Hoàng