/ Nghề Luật sư
/ Liên đoàn Luật sư Việt Nam với việc phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập kinh tế quốc tế

Liên đoàn Luật sư Việt Nam với việc phát triển đội ngũ Luật sư hội nhập kinh tế quốc tế

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Liên đoàn Luật sư Việt Nam là yếu tố quan trọng góp phần trong sự hình thành đội ngũ Luật sư chất lượng, không chỉ có việc quản lý mà còn là cầu nối giao lưu của Luật sư Việt Nam với các nước, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên cho Luật sư nghiên cứu, tìm hiểu công tác đào tạo Luật sư của các nước phát triển, đặc biệt là các nước ngành Luật phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, tìm hiểu, học tập và áp dụng hình thức đào tạo kỹ năng hành nghề Luật sư ngay trong quá trình làm việc.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong buổi Lễ Ký kết Bản ghi nhớ giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Liên bang Đức.

Cùng với việc hội nhập quốc tế trong nhiều lĩnh vực, kinh tế Việt Nam đã hoà nhập và trở thành một bộ phận của nền kinh tế thế giới. Vai trò tư vấn và hỗ trợ pháp lý của Luật sư cho doanh nghiệp trở nên vô cùng cần thiết, đặc biệt là doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với nước ngoài. Việc đào tạo và phát triển đội ngũ Luật sư giỏi về thương mại quốc tế, có khả năng tư vấn, xử lý các tranh chấp quốc tế ngày càng là một nhu cầu cấp bách không chỉ đối với Nhà nước, các đoàn Luật sư, mà còn là việc của chính Luật sư trong việc cần phải thích nghi mới môi trường mới và hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực tiễn có thể thấy trong lĩnh vực tranh tụng quốc tế, tình trạng thiếu hụt Luật sư chất lượng quốc tế lại càng trầm trọng hơn, hầu hết khi các doanh nghiệp có tranh chấp thương mại với nước ngoài đều phải thuê Luật sư nước ngoài. Đội ngũ Luật sư ngày càng tăng lên về số lượng và chất lượng, tuy nhiên, còn thiếu nhiều Luật sư có khả năng tranh tụng trong lĩnh vực thương mại. Từ đó đặt ra yêu cầu cần có một đội ngũ Luật sư có khả năng tiếp cận với vấn đề thương mại, đầu tư quốc tế nhằm phù hợp với tình hình quốc tế và mang tính cấp bách, đồng thời là thách thức rất lớn đối với việc đào tạo đội ngũ Luật sư trong thời kỳ hiện nay.

Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.

Theo tôi, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam cần đẩy mạnh việc lựa chọn, gửi Luật sư đi đào tạo ở nước có nền tư pháp và pháp luật phát triển để hình thành đội ngũ Luật sư nòng cốt, khuyến khích việc Luật sư tự đào tạo để đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế. Việc thành lập các trung tâm đào tạo mang tiêu chuẩn quốc tế với phương pháp, chương trình giảng dạy với đội ngũ giảng viên quốc tế, kiến thức chương trình đào tạo sẽ trang bị cho học viên hệ thống các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng trong tư vấn quốc tế để hỗ trợ, phục vụ cho quá trình tác nghiệp của Luật sư.

Có thể thấy, hiện nay số lượng Luật sư tại Việt Nam vừa có trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ tốt là rất ít. Để hội nhập và phát triển cần cá nhân mỗi Luật sư phải tự đầu tư nhiều hơn nữa vào việc học tiếng Anh, phải nghe và nói thông thạo ngoại ngữ này. Các đơn vị đào tạo nghề Luật cũng cần chú trọng hơn trong việc giảng dạy tiếng Anh nói chung và tiếng Anh chuyên ngành Luật nói riêng. Đừng để ngoại ngữ trở thành rào cản ngăn cách Luật sư hội nhập quốc tế.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam là yếu tố quan trọng góp phần trong sự hình thành đội ngũ Luật sư chất lượng, không chỉ có việc quản lý mà còn là cầu nối giao lưu của Luật sư Việt Nam với các nước, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, kỹ năng thường xuyên cho Luật sư nghiên cứu, tìm hiểu công tác đào tạo Luật sư của các nước phát triển, đặc biệt là các nước ngành Luật phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, tìm hiểu, học tập và áp dụng hình thức đào tạo kỹ năng hành nghề Luật sư ngay trong quá trình làm việc.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cần quan tâm hơn nữa đến các hoạt động bồi dưỡng thường xuyên cho Luật sư, chú trọng công tác giám sát việc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, hoạt động truyền thông cũng cần được tăng cường để xã hội trong đó có cộng đồng doanh nghiệp hiểu biết hơn về vai trò của Luật sư và dịch vụ pháp lý của Luật sư.

Bên cạnh việc hoạch định chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý, định hướng phát triển nghề Luật sư, sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước là hết sức quan trọng để tăng cường năng lực cạnh tranh của Luật sư trong nước, trong điều kiện thị trường dịch vụ pháp lý mới ở giai đoạn phát triển ban đầu. Sự hỗ trợ có thể dưới các hình thức như:  Hỗ trợ về nguồn nhân lực đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập, trong đó có đào tạo ở nước ngoài; hỗ trợ phát triển thị trường bằng cách quy định các dự án, giao dịch có sử dụng vốn ngân sách cần có sự tham gia của Luật sư; và dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho hoạt động này; khuyến khích các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Luật sư… 

Sự bất tương thích giữa pháp luật trong nước và quốc tế, sự hiểu biết hạn chế về pháp luật quốc tế khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam thường bị động và chịu thua thiệt trong việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp kinh doanh thương mại tại các cơ quan tài phán quốc tế. Do đó, song song với việc phát triển kinh tế - xã hội do chủ trương hội nhập quốc tế, đòi hỏi tất yếu phải đặt ra cho các Luật sư cần có sự am hiểu pháp luật quốc tế, đó cũng là xu hướng của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG

Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng 

Cảm nhận về nghề Luật sư

Tự hào người Luật sư với sứ mệnh góp phần bảo vệ công lý và phẩm giá con người

Lê Minh Hoàng