/ Tin thế giới
/ Lở đất sập mỏ ngọc bích ở Myanmar (Kỳ 2): Phía sau những viên ngọc

Lở đất sập mỏ ngọc bích ở Myanmar (Kỳ 2): Phía sau những viên ngọc

01/01/0001 00:00 |

(LSO) – Những người liều mạng săn lùng những viên ngọc quý có thể gặp may mắn khi thoát khỏi những trận lở đất kinh hoàng. Nhưng chưa phải đã hết, họ còn đối diện với nghiện ngập, bệnh tật, chiến tranh…

Thợ khai thác kiếm tìm ngọc bích trên một con dốc sau khi màn đêm buông xuống ở Hpakant. Ảnh: Time.

Đôi khi cũng có may mắn. Đó là một đêm ở mỏ Kyauk Sein Nandaw, bóng tối che lấp hoàn toàn mọi thứ ngoài những đoàn xe tải đang di chuyển. Các phương tiện quá khổ di chuyển thành hàng dài đến rìa của một vách đá nơi họ sẽ đổ những đống đá phế thải sau khai thác từ những mỏ lớn. Bóng của người đàn ông chập chờn bước theo đường đi của những chiếc xe tải. Những sườn đồi được bao phủ bởi những nhúm ánh sáng, chiếc đèn pin của một người khai thác tự do làm nổi bật những tảng đá được gõ bằng một cây sắt, hy vọng nghe thấy tiếng ping đặc trưng biểu thị một khối ngọc bích.

Đột nhiên, một tiếng hét vang lên. Âm thanh lớn của tiếng hét làm phóng đại sự hoảng loạn. Những người khai thác chạy lên trên bờ vực, những mảnh vụn đá rơi xuống vách đá. Trong ánh đèn pin, những hình ảnh sợ hãi hiện ra: tròng mắt mở to, tay chân nắm chặt và xoáy bụi bốc lên từ những bước chân sợ hãi. Lần này, báo động hóa ra là sai. Nhưng không phải bao giờ cũng may mắn vậy, chưa đầy một tháng trước, ít nhất ba người đã thiệt mạng vì một trận lở đất tại chính khu mỏ này. Một video, được ghi lại trên một chiếc điện thoại di động cho thấy một trận lở đất dài 120m đã chôn vùi những người đang khai thác đá quý.

Các quan chức địa phương đang thu lợi từ đá quý, những người có những viên đá thô lăn trong cốp xe ô tô của mình. Mọi thông tin về tình hình khai thác đá quý tại Hpakant đều được kiểm soát, mờ ảo đối với thế giới bên ngoài.

Nhiều cơ quan của Myanmar, giờ đây có thể được điều hành bởi các nhà lãnh đạo phe đối lập và các nhà hoạt động dân chủ trước đây. Nhưng đội quân giữ đất nước thu mình quá lâu vẫn thể hiện sức mạnh to lớn, đặc biệt là ở xứ sở đá quý. Nếu thông tin về ngành kinh doanh đá quý được giữ trong một hộp đen và không để bất kỳ thông tin nào thoát ra, thì thật khó, đối với các nhà cải cách, để gây áp lực lên những người kiểm soát ngành công nghiệp đầy tiền bạc.

Hiện nay, chính phủ Myanmar đã công bố lệnh cấm các giấy phép khai thác mới và không gia hạn những giấy phép hiện có. Hơn 2.000 mỏ đã nhận được lệnh đình chỉ hoạt động trong khi các cuộc điều tra tác động môi trường được thực hiện. Tuy nhiên, những người khai thác đá quý và những người nắm giữ mỏ nhỏ ở Hpakant cho rằng một số mỏ khai thác lớn nhất và có mối quan hệ tốt nhất vẫn đang hoạt động, ngay cả khi họ không có chứng nhận phù hợp.

Các thương nhân tại một khu chợ ở Mandalay, một thành phố ở miền trung Myanmar, sử dụng đèn pin để kiểm tra màu sắc của ngọc và kiểm tra các vết nứt. Ảnh: Time.

“Chính phủ không có thực quyền, ở đây như một nơi vô chính phủ và quân đội làm những gì họ thích”, một nhà hoạt động cộng đồng Kachin nói. Tại mỗi mỏ các quy tắc an toàn không được tuân thủ, chẳng hạn như cấp phép cho những người khai thác hay quy định hạn chế chiều cao và độ dốc của đống quặng để ngăn chặn các vụ lở đất nghiêm trọng. “Trước đây, khu vực này rất đẹp”, một chủ mỏ nhỏ cho biết, “và bây giờ, nó biến thành địa ngục”.

Bị cô lập từ thế giới bên ngoài, Hpakant chứa đựng những mối rủi ro nguy hiểm. Những vụ giết người không giải thích được xảy ra một cách đều đặn. Thỉnh thoảng cộng đồng dân cư lại nghe nói về vụ một giáo viên bị bắn vào đầu. Hay vụ một thương nhân buôn bán đá quý đã chết vì một viên đạn của tên sát thủ. Rồi, vào một buổi sáng bom đã phát nổ tại trụ sở của hai công ty khai thác. Một người khai thác tự do tại mỏ Hmaw Sisar đã bị tình báo quân sự hoặc có thể là quân du kích bắn chết, tùy thuộc vào người kể lại. Hpakant không có luật pháp thực sự, ở đây, không biết ai là người tin tưởng.

Sự vô luật pháp được nâng cao bởi cuộc chiến đang diễn ra giữa quân đội Myanmar Tatmadaw, tức “các lực lượng vũ trang Myanmar” và quân đội Kachin độc lập. Năm 2011, thỏa thuận ngừng bắn 17 năm giữa hai bên đã sụp đổ. Xung đột bùng lên gần Hpakant, hơn 100.000 người Kachin đã bị buộc phải chạy trốn khỏi nhà của họ. Xung đột đã cuốn rất nhiều người vào vòng xoáy của nó, bao gồm cả các trẻ em như là những chiến binh trẻ tuổi. Quân đội Kachin độc lập tuyên bố rằng quân đội Myanmar đã tiến hành các cuộc tấn công gần Hpakant, ngay cả khi chính phủ dân sự đang thúc đẩy các nhóm vũ trang dân tộc ký thỏa thuận ngừng bắn.

Cả hai bên trong cuộc xung đột đang sử dụng đá quý để làm đầy quỹ chiến tranh. Những người khai thác đá quý, hầu hết không phải là dân tộc Kachin, phàn nàn rằng kể từ khi cuộc chiến tăng cường, quân đội Kachin độc lập đã tăng tiền thuế bán đá cho người trung gian. “Quân đội Kachin độc lập nói đây là vùng đất của họ, vì thế phải trả họ tiền”, Aung Thar Tun, một người khai thác ngọc tại mỏ Kayin Gyaung, sống dưới một tấm bạt với cháu trai 15 tuổi, cũng là một người khai thác ngọc, nói. “Nếu chúng tôi không trả tiền và người cung cấp thông tin của họ phát hiện ra, họ sẽ bắn chúng tôi”.

Giá trị của những viên ngọc tốt nhất có thể so sánh với kim cương. Vào năm 2014, một chuỗi gồm 27 hạt, được bán đấu giá với giá 27 triệu USD, nhiều hơn gấp đôi so với ước tính. Chuỗi ngọc được mô tả là các hạt tròn và mọng nước, có hình dạng và màu sắc giống như những quả nho thơm ngát dưới ánh mặt trời ấm áp, phát sáng qua lớp vỏ mỏng manh của chúng, phơi phới và êm dịu, làm phấn chấn tinh thần của bất cứ ai nhìn vào chúng.

Thợ khai thác đá quý Thein Than Myo, 33 tuổi, một người nghiện heroin, nhiễm HIV, ở một nhà tế bần ở thủ phủ bang Kachin. Ảnh: Time.

Vẻ đẹp, giá trị của ngọc quý như vậy giúp giải thích tại sao trong vòng chưa đầy một thập kỷ, số lượng người khai thác những viên đá mắt mèo ở Hpakant đã tăng gấp đôi, nhiều ngọn núi bị bạt xuống để sẵn sàng tìm kiếm. Kèm theo đó là tệ nghiện ma túy và bệnh tật tăng vọt. Ở Hpakant ước tính rằng nghiện heroin ảnh hưởng đến 75% đến 90% những người khai thác. Và các kim tiêm hầu như luôn luôn được dùng chung. Thein Than Myo làm việc tại mỏ Hmaw Sisar trong 12 năm. Ngay cả sau khi phát hiện ra mình dương tính với HIV, anh ta vẫn tiếp tục sử dụng ma túy, nhặt kim tiêm ở bất kỳ đâu để sử dụng. Cuối cùng sẽ có một nửa số người khai thác ngọc ở Hpakant sẽ nhiễm virus HIV.

Thein Than Myo đã đăng ký vào chữa bệnh tại một cơ sở ở thủ phủ bang Kachin, Myitkyina. Sau một vài tuần điều trị bằng thuốc kháng virus, anh ta cảm thấy tốt hơn và thề sẽ quay trở lại Hpakant. Ngay cả khi được biết về vụ lở đất chôn vùi đến tận cổ một người khai thác đá quý tại hẻm Sawar, Thein Than Myo chỉ nhún vai: “Tôi thấy người ta chết trước mặt tôi, người dân luôn chết trong mỏ”. Điều đó không ngăn cản anh ta mơ mộng.

Luôn có một câu chuyện về một người bạn của một người bạn đã làm giàu từ những ngọn đồi ngọc bích ở Kachin. “Tôi sẽ đi một lần cuối cùng”, anh chàng Thein Than Myo nói, “Tôi vẫn có thể kiếm được tiền”.

LÊ HÙNG

/lo-dat-sap-mo-ngoc-bich-o-myanmar-ky-1-cuoc-chien-gianh-ngoc-mau.html