/ Pháp luật - Đời sống
/ Bất thường khi 221 trường hợp được cấp văn bằng giả tại Đại học Đông Đô không xác định được nơi cư trú, công tác

Bất thường khi 221 trường hợp được cấp văn bằng giả tại Đại học Đông Đô không xác định được nơi cư trú, công tác

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nếu việc 221 trường hợp được trường Đại học Đông Đô cấp Văn bằng 2 giả nhưng không rõ địa chỉ, đơn vị công tác của những người này là một điều vô lý, bất thường và cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để xem xét có việc cá nhân, tổ chức nào đứng đằng sau bao che hay không? Có hay chăng đây là "lỗ hổng" chưa kịp bít kín?

Ảnh minh họa.

Vừa qua, VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 10 bị can trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, đáng chú ý trong đó bao gồm cả nguyên Hiệu trưởng và nguyên Phó Hiệu trưởng cũng như một số lãnh đạo khác của trường Đại học này.

Theo Cáo trạng của VKSND, các đối tượng đã lợi dụng nhu cầu cá nhân cần văn bằng 2 tiếng anh mà trục lợi, sau đó đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã điều tra làm rõ được 210 trường hợp được cấp văn bằng, giấy chứng nhận giả và việc sử dụng bằng giả để kiến nghị xử lý theo quy định.

"Lỗ hổng" chưa kịp bít kín?

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra cũng thông tin còn lại 221 trường hợp được cấp văn bằng giả đã xác định được họ tên, tuổi người được cấp bằng nhưng không xác định được nơi cư trú, đơn vị công tác.

Theo lý mà nói, trước mỗi kỳ thi đăng ký để lấy được bất cứ văn bằng nào thì khâu hồ sơ cũng cần phải làm rõ thông tin về thí sinh như: Họ tên, địa chỉ thường trú, giới tính, chức danh - đơn vị công tác (nếu có)… Cụ thể, căn cứ tại điểm b, khoản 2, Điều 4 Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT về công tác Tuyển sinh: “Những người không thuộc diện miễn thi nêu tại điểm a khoản 2 điều này và những người đăng ký học để lấy bằng đại học thứ hai hệ chính quy phải thi hai môn thuộc phần kiến thức giáo dục đại cương của ngành đào tạo thứ hai” điều này cho thấy, khi có nguyện vọng đăng ký dự thi vào tuyển sinh học hệ Văn bằng 2 thì dĩ nhiên bắt buộc thí sinh sẽ phải nộp lại cho nhà trường những hồ sơ như: Sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương và kê khai chi tiết thông tin cá nhân cùng chứng minh nhân dân (bản sao công chứng) và văn bằng đại học thứ nhất công chứng. 

Đặc biệt, tại khoản 1, khoản 3, Điều 7 Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT cũng đã quy định rõ về công tác Báo cáo và quản lý hồ sơ học tập như: “1. Chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh, và một tháng sau khi kết thúc mỗi khoá học, gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD&ĐT và Bộ chủ quản để theo dõi.  3. Hồ sơ theo dõi tuyển sinh, kết quả học tập, cấp bằng tốt nghiệp của người học bằng đại học thứ hai thuộc diện hồ sơ lưu trữ lâu dài tại cơ sở đào tạo”.

Vì vậy có thể nói, nếu việc 221 trường hợp được trường Đại học Đông Đô cấp Văn bằng 2 giả nhưng không rõ địa chỉ, đơn vị công tác của những người này là một điều vô lý, bất thường và cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ để xem xét có việc cá nhân, tổ chức nào đứng đằng sau bao che hay không? Có hay chăng đây là "lỗ hổng" chưa kịp bít kín?.

Liệu có bao che?

Ngoài ra, nếu việc truy tìm thông tin hồ sơ, thông tin cá nhân của việc 221 trường hợp được trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng giả nhưng không rõ địa chỉ, đơn vị công tác bên cạnh đó cũng sẽ có một khả năng xảy ra, đó là trước khi bỏ trốn đối tượng Trần Khắc Hùng với tư cách là người đứng đầu nhà trường đã chỉ đạo các thuộc cấp tiêu hủy hồ sơ, nhằm xóa chứng cứ và gây khó khăn cho hoạt động điều tra, những việc tiêu hủy hồ sơ đối tượng Hùng không thể tự làm mà sẽ phải thông qua cán bộ cấp dưới phối hợp thực hiện.

Đối với vấn đề này, cơ quan điều tra cần lấy lời khai của các bị can liên quan là cán bộ nhà trường thời điểm đó để đối chiếu với danh sách, những cán bộ lãnh đạo tại thời điểm đó như Phó Hiệu trưởng, Trưởng - Phó phòng Đào tạo hoặc sẽ là những người nắm rõ, ngoài ra người học sẽ phải nộp kinh phí để hợp thức hóa việc nộp học phí, cơ quan điều tra cũng cần phải rà soát thêm hồ sơ từ phía Phòng Tài chính - Kế toán của trường Đại học Đông Đô.

Sự việc diễn ra từ năm 2017 nên việc xóa dấu vết những người được cấp văn bằng giả trong hệ thống lưu trữ của nhà trường và Bộ GD&ĐT (nếu có) đối với 221 người là không hề dễ dàng để có thể nhanh chóng xóa sạch được dấu vết.

Tại khoản 3, Điều 22 Luật Giáo dục (2019) quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục: “Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh”. Còn tại khoản 2, Điều 61 Luật Giáo dục Đại học (2018) cũng quy định các hành vi người học không được làm như: “Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh”.

Đối chiếu các quy định nêu trên với sự việc xảy ra tại trường Đại học Đông đô cho thấy, những sai phạm tại cơ sở giáo dục này là đặc biệt nghiêm trọng, sai phạm có tính tổ chức, có tính hệ thống và được phân vai trò rất cụ thể giữa cán bộ quản lý, cán bộ tuyển sinh trong nhà trường và có sự bắt tay móc ngoặc với các thí sinh tham gia tuyển sinh nhằm hưởng lợi chính sách về tuyển dụng, nâng ngạch, học lên cao...

Cho nên đối với việc khởi tố, điều tra, truy tố xử lý những cán bộ nhà trường và kiến nghị xử lý người mua bằng giả tại Đại học Đông Đô của cơ quan điều tra là hoàn toàn phù hợp, nhưng cần thực hiện một cách rõ ràng, nhất quán và triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm, nhất là những đối tượng đứng đằng sau bao che?.

Tuy nhiên, trong 431 văn bằng giả được cấp chỉ mới làm rõ được 210 trường hợp, còn lại 221 trường hợp có họ tên nhưng không xác định được địa chỉ, nơi công tác là điều bất thường, rất cần được tập trung làm rõ, kể cả vấn đề này không được cơ quan điều tra làm rõ thì đến giai đoạn đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử có quyền trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra phải điều tra bổ sung để làm rõ nhằm cung cấp những bằng chứng khách quan cho việc làm rõ sự thật của vụ án và những thủ đoạn che dấu tinh vi của các đối tượng liên quan, giúp phòng ngừa loại tội phạm này trong tương lai.

Bộ GD&ĐT chịu liên đới?

Ngoài ra, sai phạm tại trường Đại học Đông Đô diễn ra trong nhiều năm, diễn ra công khai, rầm rộ trên nhiều địa bàn, quảng cáo tuyển sinh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng thì không thể nói là Bộ GD&ĐT không biết về vấn đề này, những sai phạm này có thể liên đới tới cán bộ thuộc Bộ GD&ĐT trong việc bao che, “cung cấp thông tin sớm” để các đối tượng thực hiện thủ đoạn tiêu hủy chứng cứ, bỏ trốn…

Bởi khoản 1, Điều 7 Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT đã nêu khá rõ về công tác “Báo cáo và quản lý hồ sơ học tập” của người học có liên đới tới Bộ GD&ĐT. Đó là chậm nhất là một tháng sau khi hoàn tất công tác tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo danh sách tuyển sinh, và một tháng sau khi kết thúc mỗi khoá học, gửi báo cáo danh sách sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp về Bộ GD&ĐT và Bộ chủ quản để theo dõi.

Từ căn cứ này, cơ quan điều tra cũng cần phải xem xét thận trọng từng chứng cứ, xem mối quan hệ giữa công tác tuyển sinh và quản lý đào tạo giữa nhà trường và cơ quan chủ quản Bộ GD&ĐT tại thời điểm đó có liên đới hay trao đổi thông tin gì không?.

Chúng ta đều biết, vụ án xảy ra tại trường Đại học Đông Đô được thực hiện bởi những con người được coi là tri thức, ở môi trường được xem là quan trọng và ít sai phạm nhất, vụ việc Văn bằng 2 tại Đại học Đông Đô đã làm suy giảm niềm tin trong nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục. Thiết nghĩ, nên cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những đối tương liên quan, những đối tượng bao che cho những sai phạm này nhằm làm tiền đề cứng rắn cho những trường hợp tương tự có thể diễn ra.

Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN

Pháp luật ra tay kịp thời, ngăn chặn tẩu tán tài sản

Lê Minh Hoàng