/ Góc nhìn
/ Lối sống của giới trẻ hiện nay liệu có đang bị 'lệch chuẩn'?

Lối sống của giới trẻ hiện nay liệu có đang bị 'lệch chuẩn'?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Lệch chuẩn trong suy nghĩ và quan niệm sẽ dẫn đến các bất ổn cho xã hội. Đây là tín hiệu đáng lo ngại, cần phải giải quyết sớm tình trạng này trước khi các hậu quả trở nên nghiêm trọng.

Đôi bạn trẻ mang chăn gối ra phố chụp ảnh cưới (Nguồn: Internet).

Mạng xã hội vừa lan truyền nhiều bức ảnh hậu trường và ảnh cưới của cặp đôi trẻ gây sốc: mang “chăn gối” ra giữa phố đông chụp ảnh. Bối cảnh ở đây đều là những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, mang tính văn hoá lịch sử linh thiêng như phố đi bộ Hồ Gươm, cầu Long Biên, Hồ Tây và một số con phố của Hà Nội.

Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, trong đó nhiều người phê phán việc chụp ảnh giữa phố gây cản trở giao thông, không phù hợp mỹ quan và thể hiện lối sống “ảo” của một bộ phận giới trẻ. Cán bộ trật tự đô thị cũng đã kịp xuất hiện và yêu cầu ê kíp nhanh chóng giải tán để tránh gây cản trở giao thông.

Việc chụp ảnh cưới vốn là việc của mỗi cá nhân, nhưng qua sự việc trên cùng rất nhiều những vụ việc xảy ra trong thời gian qua như đánh ghen, lột đồ, giáo viên nhắn tin dọa giết lãnh đạo,… có nhiều ý kiến của dư luận cho rằng giới trẻ hiện nay đang có những biểu hiện tự do thái quá, ảnh hưởng đến những người xung quanh (cản trở giao thông) và không tuân thủ quy định pháp luật ngay tại trung tâm Hà Nội (hình ảnh tạo phản cảm).

Vậy, liệu có phải lối sống của giới trẻ hiện nay đang bị lệch chuẩn?

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá những việc cá nhân được thực hiện ở nơi công cộng luôn là điều cấm kị. Trong các khoảng không gian công cộng, các hoạt động được phép luôn được quy định rõ ràng từng nơi tùy thuộc vào chức năng của khu vực. Tại các điểm giao thông, những hành vi cá nhân này sẽ gây ra áp lực giao thông, gây rối loạn và cản trở giao thông. Tại các vườn hoa, công viên công cộng, các hành vi cá nhân như ngủ, ăn liên hoan, …. sẽ gây ảnh hưởng đến những người khác như tiếng ồn quá lớn hoặc khiến khu vực đó có thể mất vệ sinh do rác thải, nước thải.

Hành vi chụp ảnh cưới này đang có những biểu hiện tự do thái quá, chắc chắn là vi phạm pháp luật (Luật giao thông). Điều đó thể hiện thái độ coi thường pháp luật, coi thường cộng đồng. Bên cạnh đó những vụ việc xảy ra trong thời gian qua như đánh ghen, lột đồ, giáo viên nhắn tin dọa giết lãnh đạo… cho thấy một bộ phận giới trẻ có quan niệm sống hết sức lệch lạc, coi thường pháp luật và cộng đồng sử dụng "luật rừng" thay cho pháp luật.

Đó là chưa kể tình trạng thần tượng những nhân vật giang hồ mạng cho thấy sự lệch chuẩn của giới trẻ đã đến mức đáng báo động. Tình trạng hết yêu thì đòi quà cũng thể hiện sự lệch chuẩn đáng sợ này.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục.

Lệch chuẩn trong suy nghĩ và quan niệm sẽ dẫn đến các bất ổn cho xã hội. Đây là tín hiệu đáng lo ngại, cần phải giải quyết sớm tình trạng này trước khi các hậu quả trở nên nghiêm trọng, Tiến sĩ Vũ Thu Hương bày tỏ quan điểm.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Phạm Thị Thùy Dương (Công ty Luật TNHH Tuệ Vinh) cho biết, hành vi gây rối trật tự công cộng nếu chưa có dấu hiệu của tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP liên quan đến vi phạm quy định về trật tự công cộng. Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định quy định hành vi gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho rằng, cần xử lý nghiêm mang tính nêu gương, răn đe. Ông đánh giá bộ ảnh cưới mang chăn gối ra đường này cho thấy nhận thức không đúng của một bộ phận giới trẻ. Họ không phân biệt được không gian riêng tư với công cộng. Có thể hiểu một phần bắt nguồn từ trào lưu trên thế giới, tuy nhiên nó không phù hợp hoàn cảnh văn hóa xã hội Việt Nam.

Ngành văn hóa Hà Nội tuyên truyền nhiều về quy tắc ứng xử, nhưng lại xảy ra không phải một mà nhiều sự việc phản cảm tương tự. Việc xử lý hành chính cần nghiêm túc hơn, mang tính làm gương hơn thì mới tránh được chuyện mang đồ ngủ ra nơi công cộng. Nếu không có giải pháp căn cơ thì chỉ giải quyết hiện tượng từ ngọn, sau này không chỉ ôm phòng ngủ ra đường mà còn nảy sinh nhiều hành vi phản cảm khác.

Hà Nội đã ban hành các bộ quy tắc ứng xử, trong đó có Quy tắc ứng xử chung tại nơi công cộng. Trong mục những việc nên làm gồm có:
- Tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật, nội quy, quy tắc nơi công cộng;
- Tôn trọng không gian chung của cộng đồng;
- Ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực;
- Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội;
- Tôn trọng, bảo vệ cảnh quan môi trường.

THANH THANH

/dat-trong-cay-co-nha-o-duoc-xac-dinh-la-loai-dat-gi.html