/ Luật sư - Bạn đọc
/ Mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng

Mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn Luật sư sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Đây là quy định tại điểm e khoản 7 Điều 6 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 15/7/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ảnh minh họa.

Thực tế đã xảy ra các trường hợp lợi dụng một số quy định của pháp luật để hành nghề Luật sư trái pháp luật, tuy nhiên việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do một số quy định của pháp luật còn chưa chặt chẽ. Một số cá nhân không phải là Luật sư nhưng mạo danh là Luật sư để hành nghề Luật sư trái pháp luật, thông qua việc lợi dụng quy định về ủy quyền để ký hợp đồng ủy quyền, hợp đồng dịch vụ với người dân để tham gia tố tụng hoặc lợi dụng các quy định của Luật Doanh nghiệp, cố tình đặt tên, để bảng tên tại trụ sở công ty gây nhầm lẫn cho người dân về việc họ có chức năng tư vấn pháp luật như các tổ chức hành nghề Luật sư để nhận thực hiện dịch vụ pháp lý trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân có nhu cầu dịch vụ  pháp lý, đồng thời gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các tổ chức hành nghề Luật sư.

Các công ty thành lập theo Luật Doanh nghiệp không được kinh doanh dịch vụ pháp lý nhưng biển hiệu của doanh nghiệp vẫn có cụm từ “Dịch vụ pháp lý”, biển quảng cáo thực hiện dịch vụ pháp lý về Hôn nhân gia đình - Dân sự - Hình sự, Lao động,.. là vi vi phạm lĩnh vực kinh doanh đã đăng ký; vi phạm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Luật sư. Nội dung quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu dịch vụ pháp lý, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức hành nghề Luật sư.

Trong thời gian qua, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Sở Tư pháp xử lý theo thẩm quyền đối với doanh nghiệp không phải tổ chức hành nghề Luật sư, nhưng vẫn treo biển hiệu kinh doanh “Dịch vụ pháp lý”,... và quảng cáo thực hiện dịch vụ pháp lý là vi phạm Luật Luật sư.

Thực tế việc đăng ký doanh nghiệp khi hoạt động ngành nghề tư vấn pháp luật, dich vụ pháp lý đang có vướng mắc, không tuân thủ quy định pháp luật về Luật Luật sư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Do đó, ngày 23/7/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 4750/BKHĐT-ĐKKD đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai một số nội dung sau:

Thứ nhất, đối với ngành, nghề kinh doanh “Tham gia tố tụng” đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng: Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề “Hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật” (mã ngành 69101 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam), bao gồm hoạt động “Tham gia tố tụng” đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội về việc thi hành Luật Luật sư, không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với mã ngành này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, đối với ngành, nghề kinh doanh “Tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý”:

- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành, nghề bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý” thì phải đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11,không thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đối với ngành, nghề này theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động tư vấn và dịch vụ khác mà ngành, nghề kinh doanh không bao gồm cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý” (ví dụ: tư vấn tài chính; tư vấn thuế; tư vấn đăng ký doanh nghiệp; tư vấn du học; dịch vụ xin visa, giấy phép lao động, thể tạm trú cho người nước ngoài,...) thì thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, đối với các doanh nghiệp đã được Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề có cụm từ “tư vấn pháp luật”, “dịch vụ pháp lý”, “tham gia tố tụng” đại diện ngoài tố tụng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Luật sư, doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Luật sư và thực hiện đăng ký lại tại Sở Tư pháp theo đúng quy định của Luật Luật sư và Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11.

Như vậy, chỉ có Luật sư đã đăng ký hành nghề theo Luật Luật sư là chủ thể thực hiện dịch vụ pháp lý, hành nghề Luật sư chứ không phải bất kỳ doanh nghiệp nào, cá nhân nào cũng có thể thể thực hiện dịch vụ pháp lý “Hành nghề Luật sư” mà không cần đáp ứng về tiêu chuẩn, điều kiện gì.

Xử lý vi phạm về hành nghề Luật sư

Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Một người chỉ có tư cách Luật sư, được hành nghề Luật sư khi có đủ các điều kiện sau:

- Có Chứng chỉ hành nghề Luật sư do Bộ Tư pháp cấp;

- Đã gia nhập một Đoàn Luật sư;

- Được Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp Thẻ Luật sư;

- Phải đăng ký hành nghề tại một Tổ chức hành nghề Luật sư hoặc đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân.

Người không có đủ điều kiện hành nghề Luật sư mà hành nghề Luật sư dưới bất kỳ hình thức nào thì coi là hành nghề Luật sư bất hợp pháp và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người hành nghề Luật sư không đúng hình thức hành nghề theo quy định của Luật Luật sư; hành nghề khi chưa được cấp giấy đăng ký hành nghề Luật sư với tư cách cá nhân bị xử phạt theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Theo quy định của Luật Luật sư, sau khi được cấp Thẻ Luật sư để  hành nghề Luật sư (thực hiện dịch vụ pháp lý của khách hàng) Luật sư phải đăng ký hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, nếu không đăng ký mà hành nghề là vi phạm Luật Luật sư.

Luật sư vi phạm điều kiện hành nghề sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ; bị xử  lý kỷ luật theo Quyết định số 203/QĐ-HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc về ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Luật sư. 

Trường hợp mạo danh Luật sư hành nghề Luật sư trái pháp luật nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”,…

Điểm e khoản 7 Điều 6  Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Theo đó, hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý, hoạt động tư vấn pháp luật với danh nghĩa Luật sư hoặc mạo danh Luật sư để hành nghề Luật sư; treo biển hiệu khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề Luật sư hoặc chưa gia nhập Đoàn Luật sư, bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

HÀ BÌNH

Thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013 và những bất cập cần sửa đổi, bổ sung

Lê Minh Hoàng