/ Pháp luật - Đời sống
/ Mạo danh nhân viên của VTV để lừa đảo người dùng

Mạo danh nhân viên của VTV để lừa đảo người dùng

12/06/2024 07:00 |

(LSVN) - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa cảnh báo về sự xuất hiện liên tiếp các trường hợp mạo danh VTV nhằm lừa đảo người dùng.

Ảnh minh họa.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho biết, thời gian gần đây, đơn vị này ghi nhận sự gia tăng số lượng nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản, sập bẫy của các đối tượng lừa đảo, mạo danh Đài truyền hình Việt Nam – VTV để lập fanpage tổ chức các cuộc thi, chương trình dưới danh nghĩa của cơ quan truyền thông này.

Trên thực tế, VTV đã nhiều lần cảnh báo tình trạng các đối tượng lừa đảo, giả mạo từ các trang Facebook, Zalo, Telegram giới thiệu về cuộc thi như ‘Táo Quân nhí’, ‘Duyên dáng áo dài’, ‘Chiến sĩ nhí’, ‘Học kỳ quân đội’, ‘Destination Runway fashion week 2024’ có sử dụng logo VTV.

Theo tổng hợp của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đã có người chuyển 100 triệu đồng cho chương trình ‘Táo quân phiên bản nhí’, thậm chí có người tài trợ 1 tỷ đồng cho cuộc thi ‘Duyên dáng áo dài’ bởi họ tin đây là những cuộc thi do VTV tổ chức. Để củng cố niềm tin với các nạn nhân, không chỉ mạo danh MC, biên tập viên của VTV, các đối tượng lừa đảo còn làm giả bản cam kết của VTV có dấu đỏ mạo danh Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam.

Trước tình trạng ‘nở rộ’ hình thức lừa đảo mạo danh VTV, chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác. Khi nhận được thông tin giới thiệu về các cuộc thi, chương trình, trại hè từ các trang mạng xã hội, người dân cần điện thoại liên hệ, gặp trực tiếp để yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện.

Người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai và bất cứ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền. Trường hợp đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Trong báo cáo về tình hình an toàn thông tin tháng 05/2024 vừa được Cục An toàn thông tin phát hành ngày 11/6, cơ quan này cho biết, trong tháng vừa qua, hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phát hiện 71 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng.

Lũy kế đến nay, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã ghi nhận 124.775 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức. Các đối tượng sử dụng những website giả mạo này để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo. Mục tiêu hướng đến của các đối tượng là lừa đảo người dân thông qua giả mạo các website của cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính - ngân hàng, sàn thương mại điện tử, công ty lớn...

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần chủ động rà quét, phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo đơn vị mình, cảnh báo sớm đến người dùng của tổ chức. Mục đích để ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng cũng như bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.

HOÀNG NGUYÊN

Công an cảnh báo về hoạt động của 'Skyway'

Nguyễn Hoàng Lâm