/ Hoạt động Luật sư
/ Minh bạch thị trường thực phẩm chức năng - Những vấn đề pháp lý

Minh bạch thị trường thực phẩm chức năng - Những vấn đề pháp lý

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hôm nay (ngày 26/7), Tạp chí Luật sư Việt Nam đã tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề: “Minh bạch thị trường thực phẩm chức năng - Những vấn đề pháp lý” với sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia, các Luật sư.

Tọa đàm có sự tham gia của: TS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; Thạc sĩ, Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý.

Thực phẩm chức năng (TPCN) bùng nổ tại thị trường Việt Nam trong vài năm trở lại đây với hàng chục ngàn sản phẩm đã và đang được lưu hành, điều này đặt ra bài toán là làm sao vừa có thể quản lý tốt, lại vừa tạo điều kiện cho những TPCN chất lượng đến được tay người tiêu dùng. Với mục tiêu tạo diễn đàn để các nhà quản lý, chuyên gia, Luật sư cùng đóng góp ý kiến phân tích, đánh giá diễn biến thị trường thực phẩm chức năng, nhất là những giải pháp đưa ra hướng đến mục tiêu giúp người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội lựa chọn, tiếp cận các loại TPCN đảm bảo chất lượng, tác dụng tốt cho sức khỏe. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý có những chính sách, biện pháp quản lý hữu hiệu tạo tiền đề cho các doanh nghiệp phát triển bền vững; từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Thực trạng thị trường thực phẩm chức năng hiện nay

Theo Reports and Data, năm 2018, thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu dự kiến đạt 210,3 tỉ USD vào năm 2026. Tại Việt Nam, theo BritCham Việt Nam đến hết năm 2020, tổng giá trị thị trường đạt 12.933 tỉ đồng, tăng trưởng chung cả thị trường đạt 13%, đây là cơ hội để nhiều nhà sản xuất vươn lên chiếm lĩnh thị trường. 

PGS. TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Theo PGS. TS. Trần Đáng, thực phẩm chức năng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, thời gian qua rất nhiều mặt hàng bị nhái nhãn mác, thậm chí là làm giả được bán tràn lan trên mạng xã hội, cửa hàng thuốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó là: Công tác quản lý vẫn còn kém; Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế phải sửa đổi; thiếu một hệ thống quản lý hoàn chỉnh giữa các bộ; chế tài xử lý vẫn còn chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe; công tác giáo dục, truyền thông còn nhiều hạn chế,...

PGS. TS. Trần Đáng cho rằng, những nguyên nhân này có ảnh hưởng, tác động rất lớn đến kinh doanh, phát triển lợi nhuận của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng trong việc có thể tiếp cận, sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm tốt.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng, TS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Cục An toàn thực phẩm đã có những biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN.

TS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.

Liên quan đến hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, theo bà Nga, các cơ quan của bộ cũng đã bắt đầu tiến hành các bước nhằm tiến tới hoàn thiện dự án Luật An toàn thực phẩm trong thời gian tới theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong thời gian vừa qua, Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP cùng các văn bản cũng đã phần nào chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh TPCN. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đã tăng cường thực hiện hậu kiểm sau khi sản phẩm đã được ban hành và đạt được hiệu quả nhất định. Khi phát hiện các vi phạm, cơ quan quản lý cũng tích cực chuyển đến cơ quan Công an để xem xét xử lý hình sự. Đồng thời, công khai toàn bộ danh sách của các doanh nghiệp vi phạm để các cơ quan, người tiêu dùng biết và thận trọng.

Sau 2 năm thế giới cũng như Việt Nam chống chọi với đại dịch Covid-19, đến nay về cơ bản tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc điều trị các di chứng do hậu Covid-19 để lại được rất nhiều người quan tâm. Đi cùng với việc này, nhiều hãng dược đã cho ra mắt các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Đánh giá về vấn đề này, bà Nga cho biết, bên cạnh những danh nghiệp có những sản phẩm tốt đối với người tiêu dùng thì vẫn còn tồn tại một số các doanh nghiệp có những sản phẩm kém chất lượng, mang tính chất thời vụ nhằm thu lợi. Mặc dù, công tác hậu kiểm đã được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải nghiên cứu, đề xuất nhằm sửa đổi.

Luật sư Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý.

Thạc sĩ, Luật sư Đào Ngọc Lý cho biết, hiện nay rất nhiều người tiêu dùng đang nhầm lẫn giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. Về quy định của pháp luật với hai loại mặt hàng này, Luật sư Đào Ngọc Lý nêu rõ, tại khoản 23 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 quy định thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học. Còn theo quy định tại Luật Dược, thuốc chữa bệnh là chất hoặc hỗn hợp chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Thuốc chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế, trừ TPCN.

"Như vậy, có thể thấy, hai loại mặt hàng này nằm tại 2 Luật khác nhau", Luật sư Lý nói. Đồng quan điểm với Luật sư, PGS. TS. Trần Đáng nhận định: "Thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về chức năng".

Những bất cập và khuyến nghị giải pháp

Có thể thấy vai trò quan trọng của TPCN đối với sức khỏe con người cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thị trường mặt hàng này trong thời gian qua. Tuy nhiên, đi đôi với những lợi ích đem lại của TPCN đó là việc ngày càng nhiều mặt hàng TPCN bị làm nhái, làm giả gây ảnh đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý.

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2020, Cục đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 48 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 2,2 tỉ đồng; còn trong năm 2021, Cục cũng đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 28 cơ sở, với tổng số tiền phạt trên 1,5 tỉ đồng. Đồng thời, Cục cũng đã có hàng trăm bài viết cảnh báo được đăng tải về các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.

Đồng thời, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, đánh lừa người tiêu dùng về công dụng thực sự của sản phẩm.

Đánh giá về những quy định pháp luật xử phạt một số hành vi vi phạm trong sản xuất, phân phối TPCN, Luật sư Đào Ngọc Lý cho rằng, mức xử phạt vẫn còn rất thấp so với những lợi nhuận mà các doanh nghiệp có thể đạt được, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, các hành vi vi phạm vẫn còn xảy ra rất nhiều.

TS. Trần Việt Nga cho biết, việc một số đối tượng sử dụng mạng xã hội quảng cáo sai công dụng, thậm chí gây hiểu nhầm TPCN như thuốc chữa bệnh đang đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý. Việc xử lý hành vi vi phạm một cách triệt để cần có sự vào cuộc đồng bộ của rất nhiều cơ quan ban ngành. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, Cục đã luôn xác định rõ trách nhiệm, vai trò của từng nhóm đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Lý, cần xác định rõ trách nhiệm của từng nhóm đối tượng vi phạm để đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật để thống nhất hơn nữa trong công tác quản lý, cũng như xử lý những hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, phân phối TPCN, đồng thời bảo vệ quyền lợi cũng như uy tín các doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Qua buổi Tọa đàm cho thấy rõ tiềm năng rất lớn của thị trường mặt hàng TPCN, nhưng muốn phát huy các thế mạnh rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý nhà nước, sự quan tâm, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Mỗi chúng ta hãy trở thành người tiêu dùng thông thái, chọn mua đúng những sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc, xuất xứ. Đây cũng được xem là biện pháp gián tiếp giúp thị trường TPCN ngày cành lành mạnh hơn, giúp các doanh nghiệp uy tín được bảo vệ bằng chính người tiêu dùng của mình.

THANH THANH - LÂM HOÀNG

Tọa đàm 'Minh bạch thị trường thực phẩm chức năng - Những vấn đề pháp lý

Trailer 1: Tọa đàm 'Minh bạch thị trường thực phẩm chức năng - Những vấn đề pháp lý'

Trailer 2: Tọa đàm 'Minh bạch thị trường thực phẩm chức năng - Những vấn đề pháp lý'

Lê Minh Hoàng