/ Pháp luật - Đầu tư
/ Một số vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19

Một số vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng ngày 31/8, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ và Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) tổ chức chương trình đối thoại doanh nghiệp “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19”.

Ảnh minh họa. 

Tại chương trình đối thoại này, các diễn giả đã cung cấp một số thông tin liên quan đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 cùng với đó là phân tích, hướng dẫn một số giải pháp về kinh tế và pháp lý hợp đồng.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ đã nêu lên những ảnh hưởng của của dịch bệnh Covid-19 trong quá trình thực hiện các chính sách ban hành đi kèm phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, theo một khảo sát mới đây về các ngành chủ lực xuất nhập khẩu và hàng hoá thiết yếu, đầu ra của hàng hoá tại cảng, do tương tác với các ngành sử dụng nhiều lao động đến từ khu vực nông thôn, đào tạo hạn chế (thuỷ hải sản, gạo, dệt may…); chính sách vận tải liên tỉnh- nội tỉnh, mỗi nơi một nhịp/năng lực thực thi chính sách của các bộ cơ sở/ chính sách địa phương hoá góp phần làm cho hàng hóa đình trệ.

Ngành chế biến thuỷ sản, hải sản nông sản đổ vỡ trong chuỗi giá trị khi thực hiện "3 tại chỗ" bên cạnh đó là năng lực tài chính và sức ép tâm lý người lao động. Chưa thể thống kê thiệt hại vì chính sách địa phương ban hành quá nhiều và trong thời gian ngắn gây biến động quá lớn. Dù doanh nghiệp hoạt động trong phân phối hàng hoá thiết yếu cam kết đồng hành chống dịch với địa phương nhưng lại tạo ra gánh nặng chi phí thực thi chính sách.

Trước những khó khăn trên, bà Võ Thị Thu Hương đề ra năm nhóm giải pháp. Thứ nhất, cần sự thống nhất của các địa phương theo quy định của Chính phủ để tránh gây tổn thất về thời gian và chi phí xét nghiệm nhanh Covid-19. Thứ hai, ưu tiên tiêm ngừa vaccine cho người lao động tham gia sản xuất "3 tại chỗ" để đảm bảo sản xuất liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, tạo tâm lý cho người lao động an tâm. Thứ ba, mô hình “3 tại chỗ” nên xem xét lại, đưa ra mô hình hoặc Chính sách phù hợp hơn. Phân loại người lao động trong ngành khác nhau có khung giờ khác nhau.

Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước cần có những hành động cụ thể trong thời gian dịch bệnh để hỗ trợ doanh nghiệp. Tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khoản vay; miễm giảm lãi vốn vay; tạm thời khoanh nợ. Cuối cùng là đẩy nhanh tốc độ triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do Covid-19 trên từng địa phương.

Tại chương trình đối thoại, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đưa ra một số đặc điểm dịch tễ Covid-19 quyết định đến ứng phó của doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo ông An, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đang nghiêm trọng, tốc độ lây nhiễm rất nhanh (chủng Delta). Tỷ lệ tử vong trên ca nhiễm ở Việt Nam là 2.45%, chỉ sau Trung Quốc và Indonesia. Số người tử vong tại TP. HCM chiếm 80% ca tử vong trên cả nước, do quá tải hệ thống y tế (tỷ lệ tử vong lên đến 4,0%).

Bên cạnh đó, tỷ lệ nhiễm Covid-19 ở các tỉnh rất khác nhau, khả năng cao Covid-19 sẽ không biến mất. Vậy, quyết định chiến lược ứng phó theo chiến lược “zero Covid-19” hay chung sống với Covid-19?. Covid-19 rất nguy hiểm, nhưng 80% có triệu chứng nhẹ/vừa, không cần đến Bệnh viện, đây cũng là một điểm quan trọng để quyết định cách thức ứng phó với Covid-19 của Nhà nước lẫn doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Phạm Bình An đưa ra một số khuyến nghị. Thứ nhất, chính quyền cần có chiến lược ứng phó dịch bệnh rõ ràng, nhất quán với sự chuẩn bị tốt cho kịch bản xấu, các giải pháp phải hướng tới kết quả; Chuẩn bị khả năng chung sống với Covid-19, với những điều kiện cụ thể (phủ vaccine, ý thức, hệ thống y tế, tổ chức sản xuất…). Thứ hai, trao quyền, trách nhiệm chủ động phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân, tổ chức. Thứ ba, trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp trong tình trạng chung sống Covid-19 với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Trước những quan tâm của doanh nghiệp liên quan đến những quy định pháp luật về Covid-19, PGS. TS. Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật Dân sự - Trường Đại học Luật TP. HCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam thuộc VIAC, Trọng tài viên VIAC đã lý giải những khía cạnh pháp lý liên quan đến Covid-19.

Cụ thể, theo quy định khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Như vậy, có 03 thành phần cấu thành sự kiện bất khả kháng là: khách quan; không thể lường trước được; và không thể khắc phục được.

Đề cập đến tác động của Covid-19 khi là sự kiện bất khả kháng, PGS. TS. Đỗ Văn Đại cho biết, về trách nhiệm dân sự, các bên không phải chịu trách nhiệm dân sự khi không thực hiện do bất khả kháng (khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự, Điều 294 Luật Thương mại) như không giao công trình đúng hạn thì không chịu phạt, không chịu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Về chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng, Bộ luật Dân sự không có quy định cho chấm dứt/huỷ bỏ do bất khả kháng. Luật Thương mại (khoản 1 và 4 Điều 296) cũng như Bộ luật Dân sự và giữ hợp đồng bằng cách kéo dài thời gian bằng thời gian có bất khả kháng, ngoại trừ “mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ” (trường hợp sau này, có thể chấm dứt, huỷ bỏ). Chỉ có thể chấm dứt/huỷ bỏ hợp đồng khi “không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng” do sự kiện bất khả kháng.

Ngoài ra, về khả năng thoả thuận về hệ quả, Bộ luật Dân sự cho phép thoả thuận khác so với quy định như bên có nghĩa vụ vẫn có trách nhiệm, chia sẻ thiệt hại phát sinh, gia hạn hợp đồng.

YÊN NHI

Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19

Lê Minh Hoàng