/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi đăng tải, sử dụng hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội

Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý khi đăng tải, sử dụng hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Việc đăng tải hình ảnh các cháu bé, nếu là hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, do các phóng viên báo chí tác nghiệp có sự đồng ý của nhà trường, vì mục đích công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì sẽ phù hợp với quy định pháp luật. Nếu hành vi sử dụng hình ảnh đó mà xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì hành vi đó là vi phạm quy định pháp luật về quyền hình ảnh.

Ảnh minh họa.

Liên quan đến việc ngày 05/9 vừa qua, gần 23 triệu học sinh khai giảng năm học 2020-2021. Cùng với đó, rất nhiều hình ảnh của các bạn học sinh tại buổi lễ khai giảng được sử dụng, đăng tải trên mạng xã hội. Nhiều hình ảnh với các biểu cảm của các bạn học sinh đã được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi. Vậy, theo quy định của pháp luật việc đăng tải, sử dụng hình ảnh của trẻ em trên mạng xã hội cần lưu ý những gì?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, dưới góc độ pháp luật thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý trừ trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Pháp luật cũng quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng hình ảnh của người khác không phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không được người đó đồng ý, cho phép là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Pháp luật cũng quy định trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc và bảo vệ; nghiêm cấm việc công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em. Trẻ em được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân. Khi bố mẹ đăng tải hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội cũng cần có sự đồng ý của trẻ.

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm được nêu tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016 là “Công bố, Tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”. Quy định “trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên” là quy định tương tự trong Luật Hôn nhân và Gia đình, theo đó, trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên được xem là đã có thể tự đưa ra quyết định, nguyện vọng của cá nhân trong các vụ việc có liên quan. Vì vậy, đối với hình ảnh của trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên, khi bố mẹ muốn đăng tải hình ảnh con mình lên mạng xã hội thì cần có sự đồng ý của trẻ.

Bên cạnh đó, theo điều 35 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em thì cá nhân, tổ chức khi đưa hình ảnh, thông tin của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên đồng thời có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ.

Việc đăng tải hình ảnh các cháu bé vào buỗi lễ khai giảng 05/9, nếu là hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, do các phóng viên báo chí tác nghiệp có sự đồng ý của nhà trường, vì mục đích công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì sẽ phù hợp với quy định pháp luật. Nếu hành vi sử dụng hình ảnh đó mà xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì hành vi đó là vi phạm quy định pháp luật về quyền hình ảnh. Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp hình ảnh của cá nhân mặc dù chưa được sự đồng ý của người có hình ảnh những hình ảnh đó được sử dụng để phản ánh những vấn đề tồn tại, những hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội thì việc phản ánh đó là điều cần thiết. Tuy nhiên việc phản ánh này cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, không được vi phạm quy định về quyền hình ảnh của cá nhân, nhất là trẻ em.

Theo quy định pháp luật thì trường hợp việc thu thập, sử dụng hình ảnh của cá nhân không xin phép mà xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi vi phạm cũng như hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 15/4/2020, theo đó hành vi vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó (khoản 1 điều 84).

Điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định quy định hành vi vi phạm về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu nhập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, theo đó hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng.

Ngoài ra điểm a khoản 1 điều 101 Nghị định này cũng quy định vi phạm về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội, theo đó hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đây là các mức phạt đối với tổ chức, trường hợp cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt bằng ½ mức phạt đối với tổ chức.

THANH THANH

/hanh-vi-dang-chia-se-anh-cua-cac-chau-be-du-khai-giang-tren-mang-xa-hoi-co-vi-pham-phap-luat-khong.html