/ Trao đổi - Ý kiến
/ Một số vấn đề pháp lý xoay quanh kháng nghị giám đốc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng

Một số vấn đề pháp lý xoay quanh kháng nghị giám đốc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau khi có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội theo Điều 385 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

Liên quan vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng, vừa qua Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội (Viện Cấp cao 1) vừa ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với các quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đối với phạm nhân Phan Sào Nam, bị kết án về các tội “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” theo Bản án hình sự phúc thẩm số 110/2019/HSPT ngày 12/3/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.

Theo đó, Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm xét thấy: Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587/QĐ-TA ngày 29/4/2020 và Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80/QĐ-TA ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân Phan Sào Nam là không đủ điều kiện và không có căn cứ theo quy định pháp luật.

Quyết định giám đốc thẩm khẳng định, có đủ căn cứ xác định phạm nhân Phan Sào Nam không đủ điều kiện để được hưởng tình tiết “Lập công” và xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù đạt loại “Khá” vào các quý I, II, III, IV năm 2020. Việc Trại giam Quảng Ninh đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 30/4/2020 đối với phạm nhân Phan Sào Nam là vi phạm về điều kiện, dẫn đến Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587/QĐ- TA ngày 29/4/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị Trại giam Quảng Ninh, quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 19 tháng cho phạm nhân Phan Sào Nam là không có căn cứ.

Cũng theo Viện cấp cao 1, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80/QĐ-TA ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại cho phạm nhân Phan Sào Nam cũng là không có căn cứ.

Theo phân tích của Viện này, Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587 ngày 29/4/2019 trước đó, được xác định không có căn cứ, dẫn đến Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng không đủ điều kiện và không có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Viện cấp cao 1 đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy các Quyết định giảm thời hạn chấp hành  án phạt tù số 587 ngày 29/4/2020 và số 80 ngày 4/2/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với Phan Sào Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước cho biết, với chức năng giám sát hoạt động tư pháp, theo quy định tại Khoản 3 Điều 373 Luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là: Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

Ngoài ra, Luật Thi hành án hình sự năm 2015 cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát thi hành án hình sự với quyền kháng nghị, cụ thể được quy định tại khoản 5 Điều 167 Luật Thi hành án hình sự. 

Điều 167. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự

5. Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền và cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

Khi Viện kiểm sát xét thấy quyết định của Tòa án vi phạm một trong những yếu tố theo Điều 371 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì hoàn toàn có thể đưa ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Điều 371. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:

1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;

2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;

3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.”

Theo Luật sư Biên, trường hợp kháng nghị như vừa qua của Viện kiểm sát với Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 587/QĐ-TA ngày 29/4/2020 và Quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù số 80/QĐ-TA ngày 04/02/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với phạm nhân Phan Sào Nam là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội và có lý do chính đáng bởi để một phạm nhân như Phan Sào Nam được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì cần phải đủ điều kiện theo quy định tại  Khoản 1, 2 Điều 63, Điều 64 Bộ luật Hình sự; khoản 1, 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-Tòa án nhân dânTC-Viện kiểm sát nhân dânTC ngày 15/5/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân.

Cụ thể ở đây, phạm nhân Nam bị phạt tù thì cần phải thỏa mãn 2 điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành án là: đã chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại khá trở lên. Tuy nhiên, theo căn cứ của Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội đưa ra thì Phan Sào Nam mới được xếp loại khá quý 3/2019, quý 4/2019 xếp loại trung bình. "Nếu đúng như nhận định trên thì Nam chưa đủ điều kiện để xét giảm án", Luật sư Biên nói.

Ngoài việc xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, Nam đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt là "lập công". Nhưng Viện Kiểm sát lại nhận định lý do này để giảm án cho Nam là không thuyết phục. Vì theo Viện Kiểm sát qua tài liệu xác minh về tình tiết "lập công" cho thấy: Tại văn bản số 851 ngày 20/11/2019, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, có nội dung: "Cơ quan điều tra đã tiếp xúc, vận động Phan Sào Nam viết thư gửi gia đình Lê Văn Kiên để vận động đối tượng đầu thú".

Thế nhưng, kết quả xác minh của Vụ 8, Viện kiểm sát nhân dân tối cao lại xác định: "Trong quá trình giam giữ, không có việc Phan Sào Nam viết thư động viên đối tượng truy nã quốc tế Lê Văn Kiên về nước đầu thú". Điều tra viên cũng như cán bộ điều tra không biết Phan Sào Nam tác động đến gia đình Lê Văn Kiên và Phan Anh Tuấn như thế nào; không có tài liệu xác định quá trình giam giữ Phan Sào Nam gửi thư ra ngoài để vận động đầu thú. Từ đó Viện Kiểm sát nhận định Phan Sào Nam lập công là không có căn cứ. "Nếu đúng những gì Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội nhận định trong kháng nghị thì các quyết định của Toà án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh hoàn toàn có thể bị xem xét để hủy theo quy định của pháp luật", Luật sư Biên nêu rõ quan điểm.

Luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Phước.

Chia sẻ thêm về thủ tục tố tụng, Luật sư Biên cho biết sau khi có Quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội theo Điều 385 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa.

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội sẽ thực hiện thủ tục mở phiên tòa giám đốc thẩm. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với quyết định của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh theo Khoản 1 Điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trong trường hợp vụ việc này có tính phức tạp hoặc quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án thì Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm đối với quyết định bị kháng nghị theo quy định tại Khoản 2 Điều 382 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hệ quả của quá trình mở phiên tòa giám đốc thẩm có thể có 2 khả năng xảy ra:

Một là, Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên quyết định của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khi xét thấy quyết định đó có căn cứ và đúng pháp luật theo quy định tại Điều 389 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Hai là, Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định hủy quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án của Tòa án cấp phúc thẩm theo quy định tại điều 390 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về hiệu lực của các quyết định giám đốc thẩm này, theo Điều 395 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập.

THANH THANH

Kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy quyết định giảm án tha tù đối với 'trùm' cờ bạc Phan Sào Nam

 

Lê Minh Hoàng