/ Pháp luật - Đời sống
/ Một số vấn đề pháp lý cần làm rõ trong vụ tranh chấp đất đai tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (Kỳ 1)

Một số vấn đề pháp lý cần làm rõ trong vụ tranh chấp đất đai tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre (Kỳ 1)

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đang sinh sống, canh tác trên thửa đất 114 theo đúng với bản di chúc của bố mẹ đẻ (ông Xiêng, bà Bướm) để lại năm 1999 cho 6 người con trước khi qua đời, bỗng dưng gia đình ông Diêm, bà Thiểu bị chị dâu cả là bà Trần Thị Ngọc Bình kiện ra tòa đòi lại đất. Bị đơn trong vụ kiện còn có người hàng xóm Huỳnh Thị Sen, được ông Xiêng bán 300m2 đất từ năm 2000...

Nhà gia đình bà Thiểu được xây dựng trên phần đất do bố đẻ phân chia đúng như bản di chúc để lại.

Vụ án tranh chấp đất đai hy hữu này xảy ra tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre bắt đầu từ cuối năm 2011, đến nay đã hơn 10 năm với 2 lần đưa ra xét xử sơ thẩm, 1 lần xét xử phúc thẩm.

Tại bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm lần 1 đều quyết định bác tất cả các yêu cầu khởi kiện, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất đã cấp cho bà Bình ngày 14/11/2008; đồng thời chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Diêm, bà Thiểu. Tuy nhiên, quyết định giám đốc thẩm lại hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm lần một. 

Bố mẹ của ông Diêm, bà Thiểu là cụ Xiêng (đã mất năm 2001) và cụ Bướm (đã mất  năm 1967) có tất cả 6 người con, trong đó có ông Mển (chồng bà Bình) đã chết năm 2001. Năm 1963, vợ chồng cụ Xiêng mua 5 thửa đất, trong đó có thửa số 114, tờ bản đồ số 5 (nay là thửa số 52 và thửa số 300 tờ bản đồ số 7) diện tích 2400m2. Khoảng năm 1976 -1977, cụ Xiêng cho con trai là ông Mển cùng vợ bà Trần Thị Ngọc Bình canh tác trên thửa đất 114, vì đất sát lộ, lại xa nguồn nước nên gia đình ông Mển đã xin cụ Xiêng chuyển sang canh tác tại thửa 110, sau đó lại đổi sang canh tác thửa 104, tờ bản đồ 5 và sử dụng ổn định đến nay. 

Nhà gia đình ông Diêm được xây dựng trên phần đất đúng như bản di chúc bố để lại bị tòa sơ thẩm lần 2 quyết định trả lại đất cho chị dâu cả.

Năm 1990, cụ Xiêng cho con gái là bà Thiểu quyền sử dụng ½ thửa đất để làm nhà ở, ½ đất còn lại cụ Xiêng để canh tác. Đến năm 1999, cụ Xiêng cho vợ chồng ông Mển bà Bình làm nhà tình thương trên thửa đất 114, với diện tích sử dụng là 185,2m2. Cũng trong năm 1999, cụ Xiêng lập di chúc (do cháu nội là Nguyễn Thị Hiền Muội viết) phân chia đất đúng như thực tế sử dụng lúc bấy giờ. Đối với thửa đất 114, cụ Xiêng xác định rõ ½ cho con gái là bà Thiểu, ½ còn lại cho con trai là ông Sển canh tác, có hoa lợi thì chia cho 6 anh em, ai cần thì cho cất nhà để ở và buôn bán. 

Năm 2000, cụ Xiêng đã tách 300m2 đất tại thửa số 114 bán cho bà Huỳnh Thị Sen, việc mua bán có sự chứng kiến và ký tên đồng ý của các con, trong đó có ông Mển (chồng bà Bình). Quá trình sử dụng đất nêu trên có sự chứng kiến, làm chứng của các con cụ Xiêng và hàng xóm xung quanh. Trong năm 2001, cụ Xiêng và ông Mển (chồng bà Bình) lần lượt qua đời, 5 người con còn lại tiếp tục canh tác, sử dụng đất đúng ý nguyện của bố mình tại bản di chúc năm 1999. Năm 2003 bà Thiểu cất nhà kiên cố trên ½ thửa đất số 114 và năm 2005 ông Diêm xây dựng nhà để ở và thờ cúng, bà Bình không có ý kiến gì, hơn nữa còn để cho các con của mình qua giúp đỡ bà Thiểu, ông Diêm xây dựng. 

Như vậy, từ năm 1992 đến nay những người con của cụ Xiêng đã sử dụng, canh tác ổn định thửa đất số 114, tờ bản đồ 5, đúng với ý nguyện của cụ Xiêng thể hiện trong bản di chúc. UBND xã Tiên Thủy cũng đã xác nhận thực tế sử dụng đất như hiện nay. Cụ thể: Vợ chồng ông Mển bà Bình làm nhà sinh sống tại phần đất có diện tích 185,2m2 thuộc một phần thửa đất số 114, tờ bản đồ 5 (nay là thửa 52 tờ bản đồ số 7); ông Diêm canh tác trên mảnh đất có diện tích 552,6m2, thuộc thửa số 114 tờ bản đồ số 5 (nay là một phần của của thửa 52 tờ bản đồ số 7); bà Thiểu thì sinh sống và canh tác trên mảnh đất có diện tích 1.163,4m2, thửa số 114, tờ bản đồ số 5 (nay là một phần của thửa 52, tờ bản đồ số 7); bà Huỳnh Thị Sen canh tác 300m2 thuộc một phần thửa đất số 114, tờ bản đồ số 5 (nay là thửa 300, tờ bản đồ số 7) do nhận chuyển nhượng năm 2000. 

Nhà bà Sen xây dựng trên đất ông Xiêng bán từ năm 2000, diện tích 300m2 cũng bị tòa sơ thẩm lần 2 quyết định trả lại đất cho bà Bình.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Mạnh Khôi, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh cho rằng, về quá trình sử dụng thực tế đối với thửa đất đang tranh chấp, thì từ năm 1980 đến năm 1999 ông Mển không sử dụng thửa đất 114, tờ bản đồ số 5, mãi đến năm 1999 ông Mển xin cụ Xiêng một phần đất trên thửa đất 114 để xây nhà tình thương với diện tích 185,2m2.

“Điều này chứng tỏ rằng UBND huyện Châu Thành cấp Giấy CNQSD đất cho ông Mển thửa đất số 114, tờ bản đồ số 5 ngày 17/12/1991 là không có căn cứ pháp luật, sai đối tượng”, Luật sư Vũ Mạnh Khôi nhận định. 

Như vậy, xét thực tế sử dụng đất đã tồn tại mấy chục năm nay thì ngoại trừ việc sinh sống trên phần đất xây nhà tình thương có diện tích 185,2m2 thì bà Bình hoàn toàn không canh tác, không tranh chấp trên phần diện tích đất còn lại là khoảng 2.000m2.

HỮU LIÊM

Pháp luật về tuyển dụng, sử dụng người lao động chưa thành niên theo BLLĐ 2019

Lê Minh Hoàng