/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề về xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự

Một số vấn đề về xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong các vụ án hình sự, vật chứng là một trong những chứng cứ quan trọng để chứng minh, buộc tội những người có hoặc không liên quan đến vụ án và làm sáng tỏ thêm các tình tiết của vụ án. Vì vậy, việc xử lý vật chứng là khâu cần phải được chú trọng trong toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

 

Ảnh minh họa. 

Khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện Kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giải đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã được đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”.

Theo quy định trên có thể thấy về nguyên tắc xử lý vật chứng thì vụ án kết thúc ở giai đoạn nào, thì cơ quan có thẩm quyền tố tụng tại giai đoạn đó có thẩm quyền xử lý vật chứng. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; Viện Kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; Chánh án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử và Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án được đưa ra xét xử.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các quan hệ xã hội ngày càng mở rộng và phức tạp hơn, dẫn đến việc xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự ngày càng trở lên phức tạp hơn. Quá trình nghiên cứu, thực tiễn xét xử việc xử lý vật chứng còn gặp một số khó khăn vướng mắc như sau:

Trường hợp chủ sở hữu, hoặc người quản lý hợp pháp từ chối nhận lại vật chứng

Thực tiễn có trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp do đã nhận được bồi thường hoặc vì lý do khác mà họ từ chối nhận lại vật chứng thuộc quyền sở hữu của mình; có trường hợp họ còn đề nghị chuyển quyền sở hữu vật chứng cho bị cáo hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Trong trường hợp này, chúng ta không giải quyết quan hệ dân sự cho và nhận theo yêu cầu của chủ sở hữu vật chứng vì không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án hình sự, nhưng cũng có quan điểm cho rằng, việc xử lý vật chứng trong trường hợp này như là quan hệ dân sự. Hội đồng xét xử có quyền ghi nhận quan hệ dân sự này trên cơ sở tự do, tự nguyện của hai bên nhưng không có căn cứ pháp luật để tịch thu, nộp ngân sách hay tịch thu tiêu hủy vật chứng, dẫn đến vật chứng không xử lý được.

Ví dụ: Bị cáo trộm cắp chiếc điện thoại của bị hại bán được 3.000.000 đồng và tiêu sài cá nhân hết, quá trình điều tra bố bị cáo đã bồi thường giá trị điện thoại bằng tiền cho bị cáo; đồng thời cơ quan điều tra đã thu giữ được chiếc điện thoại đó. Tại phiên tòa, bị hại từ chối nhận lại chiếc điện thoại và đề nghị Hội đồng xét xử giao điện thoại đo cho bố của bị cáo, bố bị cáo đồng ý nhận điện thoại. Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), BLTTHS thì phải trả lại điện thoại này cho chủ sở hữu, trong ví dụ này, chủ sở hữu không nhận mà đề nghị giao vật chứng cho bố bị cáo, vì ông đã đứng ra bồi thường.

Trong trường hợp này Hội đồng xét xử không có căn cứ pháp luật để xử lý vật chứng, đồng thời việc giao hay không giao vật chứng cho bố bị cáo hiện đang có quan điểm khác nhau.

Trường hợp vật chứng trong vụ án này đang là vật chứng trong vụ án khác

Thực tiễn có trường hợp quá trình điều tra xác minh vật chứng trong vụ án thì phát hiện vật chứng này đang là vật chứng phải truy tìm trong vụ án khác. Hiện nay, BLHS và BLTTHS chưa có quy định để xử lý vấn đề này. Tác giả cho rằng, cơ quan tố tụng quy định tại khoản 1 Điều 106 BLTTHS đang quản lý vật chứng, xét việc chuyển vật chứng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án ra quyết định chuyển vật chứng cho cơ tố tụng trong vụ án khác hoặc nếu xử lý vật chứng thì được thực hiện khi tất cả các vụ án liên quan được giải quyết.

Ví dụ: Bị cáo dùng xe mô tô có được đi cướp giật tài sản; quá trình điều tra bị cáo khai chiếc xe mô tô mua của người không biết tên tuổi địa chỉ; tiến hành tra cứu vật chứng cơ quan tố tụng xác định được chiếc xe mô tô là vật chứng của vụ án trộm cắp tài sản đang xảy ra tại địa bàn tỉnh TN. Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng cần chuyển vật chứng cho cơ quan tố tụng đang giải quyết vụ án trộm cắp tài sản trên địa bản tỉnh TN mà không tiến hành tịch thu, sung ngân sách nhà nước; hoặc trường hợp xác định được chủ sở hữu hợp pháp thì trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Trường hợp không xác định được chủ sở hữu

Trên thực tiễn, có nhiều trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của vật chứng, pháp luật hiện hành chưa quy định về vấn đề này. Để giải quyết trường hợp này, tác giả cho rằng cơ quan tố tụng (cơ quan điều tra tại giai đoạn điều tra) đăng công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tìm chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 228 Bộ luật Dân sự (BLDS). Trường hợp tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trả lại cho họ nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án và không thuộc trường hợp bị tịch thu sung ngân sách Nhà nước.

Trường hợp không tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì trong bản án cần nêu rõ hết thời hạn, kể từ ngày đăng tin tìm chủ sở hữu, nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp có yêu cầu thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự; hết thời hạn trên, tài sản sẽ được sung ngân sách Nhà nước. Đối với những tài liệu, đồ vật không có giá trị hoặc không sử dụng được thì tịch thu và tiêu hủy.

Trường hợp tạm giữ vật chứng để đảm bảo thi hành án

Trên thực tế có rất nhiều vụ án, bị cáo chưa thực hiện bồi thường, nhưng quá trình điều tra đã thu giữ tài sản của bị cáo là vật chứng của vụ án hoặc không phải là vật chứng của vụ án.  Trong trường hợp này, cần thiết phải tạm giữ các vật và vật chứng của bị cáo để đảm bảo thi hành án, tuy nhiên, BLHS và BLTTHS chưa có quy định về tạm giữ vật hoặc vật chứng để đảm bảo thi hành án. Thực tiễn, Hội đồng xét xử thường lập luận trong bản án và tuyên phần quyết định là “Tiếp tục tạm giữ .... để đảm bảo thi hành án”. Tuyên như vậy là chưa chặt chẽ và có thể dẫn đến việc tùy nghi trong áp dụng pháp luật.

Trường hợp giao vật chứng đặc biệt khác cho cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý theo quy định pháp luật

Trên thực tế có rất nhiều vụ án có các vật chứng đặc biệt mà không thể xử lý theo cách thông thường cần giao cơ quan chuyên môn để bảo quản xử lý nhưng hiện nay BLTTHS chỉ quy định vật chứng là động vật hoang dã hoặc thực vật ngoại lai thì giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý.

Ví dụ: mô cơ thể người đối với các tội phạm buôn bán mô cơ thể người; vũ khí quân dụng không xác định được chủ sở hữu; các chất thải, chất độc nguy hại cần xử lý chuyên ngành... Các vật chứng này cần được quy định giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để quản lý, cơ quan tố tụng không đủ năng lực để bảo quản, tịch thu hay tiêu hủy được.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của việc xử lý vật chứng, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo giải quyết vật chứng hầu hết trong các vụ án đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác nghiên cứu, xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự, tác giả thấy còn một số vướng mắc, sai sót nhất định về công tác xử lý vật chứng. Từ những khó khăn vướng mắc trong vấn đề xử lý vật chứng nêu trên, với mục đích nâng cao chất lượng xử lý vật chứng trong các vụ án hình sự nhằm thống nhất áp dụng pháp luật. Liên ngành cơ quan tư pháp trung ương cần tăng cường tổ chức tập huấn hướng dẫn áp dụng về xử lý vật chứng, đồng thời ban hành văn bản thống nhất hướng dẫn áp dụng pháp luật trong thực tiễn.

VŨ THÀNH HUY

Tòa án Quân sự khu vực - Quân khu 1

Hoàn thiện quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự

Admin