/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số ý kiến hoàn thiện quy định về tội 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ'

Một số ý kiến hoàn thiện quy định về tội 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là một trong những tội phạm phổ biến nhất ở nước ta. Mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, giáo dục phòng ngừa nhưng các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ vẫn xảy ra thường xuyên ở tất cả các địa phương. Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của các cơ quan chức năng cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Bài viết phân tích những hạn chế trong quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ảnh minh họa.

1. Vướng mắc, bất cập trong quy định về tội Vi phạm quy định về giao thông đường bộ.

Thứ nhất, các tình tiết định khung được quy định không hợp lý. Tại Điều 2, Điều 3, Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự (BLHS) về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông đã quy định rất chi tiết các mức hậu quả để xác định trường hợp nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Trong văn bản này, mức độ nghiêm trọng được xác định trên cơ sở tổng hợp các loại thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Tuy nhiên, Điều 260, BLHS 2015 lại không quy định tương tự mà quy định theo hướng mới và đã có nhiều bất cập.

- Quy định các tình tiết định khung tại khoản 1, 2, 3 không hợp lý:

Ví dụ 1: A. lái xe vượt đèn đỏ gây tai nạn làm 01 người chết, 02 người bị thương với tổng tỉ lệ thương tật là 110%. Như vậy, A. bị xét xử theo các điểm a, b khoản 1, Điều 260 BLHS. Đây là loại tội nghiêm trọng nên nếu có đủ các điều kiện quy định tại khoản 3, Điều 29 BLHS, A. có thể được miễn TNHS. Trong tình huống khác, B. cũng lái xe vượt đèn đỏ gây tai nạn làm 02 người bị thương với tổng tỉ lệ thương tật là 125%. Trường hợp này, B. bị xét xử theo điểm e, khoản 2 và đây là loại tội rất nghiêm trọng nên không thể được miễn TNHS.

So sánh hai trường hợp phạm tội của A. và B., rõ ràng hậu quả do A. gây ra nghiêm trọng hơn so với hậu quả do B. gây ra, nhưng B. lại chịu TNHS cao hơn. Do đó, bộc lộ sự không công bằng, thiếu sức thuyết phục trên thực tiễn.

Ví dụ 2: C. điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ gây tai nạn làm 01 người chết nhưng C. không có giấy phép lái xe theo quy định. Trường hợp này, C. chịu TNHS theo khoản 2, Điều 260 BLHS. D. điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ gây tai nạn làm 02 người chết và D. cũng không có giấy phép lái xe. Trường hợp này, D. cũng chịu TNHS theo khoản 2, Điều 260 BLHS.

So sánh hai trường hợp trên, mặc dù hậu quả là rất khác nhau, nhưng cả C. và D. đều phải chịu TNHS ở cùng một khung hình phạt (mặc dù D. có nhiều tình tiết định khung hơn sẽ phải chịu hình phạt cao hơn, nhưng thực tiễn ở các Tòa án khác nhau thì khả năng sẽ không có sự chênh lệch đáng kể khi quyết định hình phạt đối với Bị cáo).

- Quy định trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả tại khoản 4 chưa hợp lý:

Theo đó, nếu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả được quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Vậy, nếu một người có hành vi thuộc trường hợp này nhưng không có giấy phép lái xe hoặc có sử dụng rượu, bia… thì xử phạt như thế nào? Trường hợp này sẽ xử phạt theo điểm a, b khoản 2 hay theo khoản 4, Điều 260 BLHS trong khi mức hình phạt giữa hai trường hợp này có sự chênh lệnh rất lớn.

Như vậy, việc quy định các tình tiết định khung tăng nặng như Điều 260, BLHS 2015 là không hợp lý, ảnh hưởng đến yếu tố công bằng khi xét xử.

Thứ hai, một số vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó áp dụng, áp dụng không thống nhất trên thực tế. Cụ thể:

- Về tình tiết “Không có giấy phép lái xe theo quy định”: Thực tế có nhiều trường hợp dẫn đến tình trạng không có giấy phép lái xe và có những trường hợp mặc dù không có giấy phép lái xe nhưng vẫn không áp dụng tình tiết này. Chính vì thế, hiện nay chưa có văn bản nào quy định, hướng dẫn về vấn đề này gây ra tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất.

Ví dụ: Trường hợp một người đã được đào tạo tại trung tâm đào tạo lái xe, đã thi sát hạch xong (đã đỗ và đang đợi cấp giấy phép lái xe) nhưng đã điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp này, có Tòa án áp dụng điểm a, khoản 2, Điều 260 BLHS nhưng có Tòa án lại cho rằng, người này đã đủ điều kiện lái xe nên không áp dụng điểm a khoản 2 đối với họ. Do đó, dẫn đến tình trạng thiếu tính công bằng, không đồng bộ trong xét xử.

- Về tình tiết “Sử dụng chất ma túy”: Hiện nay BLHS 2015 quy định đây là một tình tiết định khung tăng nặng trong tội "Vi phạm quy định về giao thông đường bộ". Quy định này là hợp lý, tuy nhiên hiện nay rất ít trường hợp Tòa án xét xử tội "Vi phạm quy định về giao thông đường bộ" thuộc trường hợp này. Lý do bởi vì hiện nay, khi tai nạn giao thông xảy ra, người bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu thì chưa có cơ sở y tế nào được giao nhiệm vụ tổ chức xét nghiệm chất ma túy (hiện chỉ đo được nồng độ cồn). Nếu người phạm tội đến trình diện tại cơ quan Công an thì cũng không có quy định Công an có thẩm quyền kiểm tra nhanh về việc sử dụng ma túy hay không. Điều này gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, nhất là trong tình trạng thanh niên sử dụng ma túy, ngáo đá và đua xe phổ biến như hiện nay.

- Chưa có sự thống nhất trong việc xử lý đối với hành vi “xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông”. Thực tế hiện nay, việc gây tai nạn rồi xóa dấu vết, bỏ trốn xảy ra rất nhiều như: Vụ Nguyễn Văn Vinh sau khi lùi xe không chú ý gây tai nạn khiến một bé trai tử vong ở Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, Vinh đã có hành vi bế thi thể nạn nhân tới một cái hố bên lề đường, cào đất phủ lên vệt máu nhằm xóa dấu vết; Vụ Nguyễn Văn Lưu gây tai nạn chết người tại huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên sau đó mang xe đi sửa chữa, rửa nhằm xóa dấu vết… Đây là những hành vi rất nguy hiểm, có tính chất xảo quyệt, che dấu dấu vết của tội phạm, vừa làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, vừa gây khó khăn cho quá trình phát hiện, xử lý và giải quyết vụ án, do đó, cần phải xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, hiện nay Điều 260 BLHS chưa quy định về hành vi này, đồng thời, pháp luật hiện hành cũng chưa có hướng dẫn về tình tiết tăng nặng “Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 52 BLHS. Do đó, về  hành vi này, còn có nhiều quan điểm xử lý khác nhau, chưa có sự thống nhất và thậm chí chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Ví dụ: Vụ án Nguyễn Văn Vinh (nêu trên). Đối với vụ án này, có đủ cơ sở để khẳng định Vinh phạm tội "Vi phạm quy định về giao thông đường bộ" nhưng đối với hành vi bế thi thể bỏ vào một hố gần lề đường, phủ đất lên vệt máu thì còn nhiều quan điểm khác nhau.

Có quan điểm cho rằng, hành vi trên là “có hành động xảo quyệt nhằm che dấu tội phạm” nên Vinh bị áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 52 BLHS. Quan điểm khác cho rằng hành vi này cấu thành tội “Xâm phạm thi thể người khác” theo Điều 319 BLHS. Thậm chí có quan điểm cho rằng, do Điều 260 chưa có quy định về hành vi này, đồng thời điểm p, khoản 1, Điều 52 chưa có hướng dẫn nên hành vi của Vinh được đánh giá là “chưa đủ mức xảo quyệt” nên không xử lý đối với hành vi này mà chỉ xử lý Vinh về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Dựa theo quy định hiện hành, chúng tôi cho rằng trường hợp này cần xem xét xử lý hành vi này theo hướng áp dụng tình tiết tăng nặng “Dùng thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” đối với người phạm tội bởi vì:

+ Thứ nhất, mặc dù chưa có hướng dẫn nhưng có thể hiểu xảo quyệt là “dối trá, lừa lọc một cách quỷ quyệt, khó lường”; Trốn tránh là “trốn để khỏi phải gặp, phải làm, phải chịu điều không hay, không thích nào đó”; trốn là “giấu vào chỗ kín để khỏi bị thấy, khỏi bị bắt gặp, tránh đi nơi khác một cách bí ẩn, khỏi bị giữ lại, khỏi bị bắt”; Che giấu là “giữ không để lộ ra cho người khác biết”. Như vậy, có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm được hiểu là người phạm tội có hành động dối trá, lừa lọc để không phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình hoặc không cho ai biết về hành vi phạm tội của mình. Do đó, việc xóa dấu vết sau khi gây tai nạn cũng là hành vi dối trá, qua hành vi đó nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng, làm cho người đó không phải chịu trách nhiệm về hành vi đó hoặc xóa dấu vết để không ai biết đã có hành vi phạm tội của mình xảy ra… nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng này.

+ Thứ hai, xem xét hành vi này cấu thành tội “Xâm phạm thi thể” là chưa hợp lý bởi vì khoản 1, Điều 319 BLHS quy định tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt như sau: “Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Theo đó, các hành vi xâm phạm phải dẫn đến việc mất mát, ảnh hưởng một phần nào đó của mồ mả, thi thể hay hài cốt bao gồm hành vi đào, đập, phá, hành vi khác như đâm, chém thi thể, yểm bùa vào thi thể, đập phá bình tro hài cốt…. Việc bế thi thể bỏ vào hố bên đường không dẫn đến việc mất mát đó, đồng thời lại có quan hệ và tính liên tục về mặt thời gian với hành vi gây tai nạn, nhằm che giấu tội phạm. Do đó, việc xem xét về tội phạm độc lập là không khách quan, không phù hợp.

+ Thứ ba: Nếu không xử lý hành vi này thì sẽ là chưa đánh giá hết tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, dẫn đến hình phạt áp dụng không nghiêm, không đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

2. Một số kiến nghị.

Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung các tình tiết định khung quy định tại Điều 260 BLHS để bảo đảm trách nhiệm hình sự phải tương xứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi. Theo đó, cần bổ sung vào khoản 2 các điểm g, h, i; Bổ sung vào khoản 3 các điểm b, c, d và bổ sung câu: “Trường hợp thuộc các điểm a, b, c, khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm” vào cuối khoản 4, Điều 260; cụ thể như sau:

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Làm chết 01 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Chết 01 người và gây hậu quả thuộc các trường hợp tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này;

h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên và gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

i) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% và gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

k) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Phạm tội gây hậu quả thuộc các trường hợp tại điểm đ, e, g, h, i khoản 2 và thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này;

c) Làm chết 02 người và gây thiệt hại thuộc các trường hợp tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này;

d) Làm chết 01 người và gây thiệt hại thuộc các trường hợp tại điểm e, h, i, k khoản 2 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Trường hợp thuộc các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Thứ hai, ban hành các văn bản hướng dẫn các vấn đề sau:

- Hướng dẫn trường hợp nào thì được coi là “không có giấy phép lái xe theo quy định” theo hướng:

+ Trường hợp bị mất giấy phép lái xe, đã trình báo và có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì không được coi là không có giấy phép lái xe.

+ Trường hợp đã thi sát hạch xong (đã đậu và đang chờ cấp giấy phép lái xe): Theo Điều 61, Luật Giao thông đường bộ 2008: “Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1 phải được đào tạo. Người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng B2, C, D, E và các giấy phép lái xe hạng F phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo. Người đã qua đào tạo và đạt kết quả kỳ sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã trúng tuyển…”. Như vậy, việc cấp giấy phép chỉ là hình thức xác nhận điều kiện điều khiển phương tiện của một người. Trường hợp người đó đã đậu kỳ thi sát hạch thì đã được coi là có đủ điều kiện điều khiển phương tiện nên về bản chất không khác gì người đã được cấp giấy phép lái xe. Do đó, khi có căn cứ cho thấy người này đã thi đậu kỳ thi sát hạch và đang chờ cấp giấy phép lái xe phù hợp với phương tiện mà người đó điều khiển thì không coi là không có giấy phép lái xe.

- Ban hành hướng dẫn, quy định về điều kiện, thủ tục áp dụng tình tiết “có sử dụng ma túy” theo hướng trao quyền kiểm tra nhanh việc sử dụng ma túy cho các cơ sở y tế và cơ quan Công an.

- Quy định “xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông” là tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2, Điều 260 BLHS. Về vấn đề này, trước đề nghị của Bộ Tư pháp về việc xử lý hành vi lái xe gây tai nạn rồi xóa dấu vết, bỏ trốn, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có nội dung đề nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng quy định của BLHS về các tội xâm phạm an toàn giao thông. Theo đó, có thể vận dụng thống nhất tình tiết “có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” để áp dụng đối với hành vi “xóa dấu vết” của lái xe sau khi gây tai nạn.

Mặc dù việc áp dụng tình tiết quy định tại điểm p, khoản 1, Điều 52 để xử lý hành vi này ở thời điểm hiện tại là phù hợp (vì Điều 260 BLHS chưa quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng), nhưng chúng tôi cho rằng trong thời gian tới, cần nghiên cứu quy định hành vi “xóa dấu vết sau khi gây tai nạn” là một tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2, Điều 260 BLHS, bởi vì hành vi này thể hiện tính chất nguy hiểm cao, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đạo đức và cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng. So với tình tiết định khung tăng nặng “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 260 BLHS thì hành vi này cũng mang tính chất nguy hiểm cao không kém, thậm chí còn thể hiện tính chất nguy hiểm cao hơn. Cụ thể:

Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm là người phạm tội đã không dừng ngay phương tiện mà bỏ chạy khỏi hiện trường nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình. Trường hợp bỏ chạy vì có lý do bị đe dọa tính mạng nhưng sau đó phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất, cung cấp thông tin. Cố ý không cứu giúp người bị nạn là sau khi gây tai nạn, người phạm tội có điều kiện cứu giúp người bị nạn, có thể đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc đã có yêu cầu của người khác nhưng vẫn không cứu giúp. Nếu người có hành vi không cứu giúp không phải người gây tai nạn dẫn đến người này bị chết thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 132 BLHS.

Như vậy, nếu sau khi gây tai nạn (đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ") mà bỏ chạy khỏi hiện trường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c, khoản 2, Điều 260 BLHS. Nhưng trường hợp xóa dấu vết, ngoài việc bỏ chạy khỏi hiện trường, người gây tai nạn còn có thời gian dừng lại, suy nghĩ và quyết định hành vi xóa dấu vết của mình, thể hiện ý chí mong muốn che giấu tội phạm đến cùng của người gây tai nạn chứ không đơn thuần là do hoảng loạn mà bỏ chạy khỏi hiện trường. Đồng thời, sau khi xóa dấu vết, người gây tai nạn cũng sẽ bỏ đi khỏi hiện trường. Do đó, có thể thấy hành vi xóa dấu vết thể hiện tính nguy hiểm rất cao, nên cần nghiên cứu quy định đây là tình tiết định khung tăng nặng quy định trong khoản 2, Điều 260 BLHS mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

VĂN LINH

Tòa án Quân sự Hải quân

Bàn về tội ‘Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh’ trong BLHS 2015

Admin