/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một vài kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

Một vài kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia là “bản vẽ kiến trúc” vạch ra các giải pháp và lộ trình cho hoạt động phòng chống tham nhũng. Chiến lược phòng chống tham nhũng luôn luôn vận động để theo kịp với tình hình thực tiễn của hoạt động tham nhũng. Kinh nghiệm của các quốc gia phát triển về xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia là nguồn tham khảo có trị cho Việt Nam. Bài viết phân tích và chọn lọc những kinh nghiệm phù hợp để áp dụng cho thực tiễn xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia Việt Nam.

Ảnh minh họa. 

Khái quát chung về chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

Khái niệm chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

 Theo Alfred Chandler: “Chiến lược là tập hợp những mục tiêu dài hạn đi kèm với kế hoạch hành động và sự phân bổ nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu [1]. Quan điểm Nhóm nghiên cứu Phòng Nghiên cứu Phát triển các định chế tài chính – Viện chiến lược ngân hàng cho rằng: “Chiến lược là khái niệm thuộc khoa học quản lý, chỉ toàn bộ quá trình hình thành tư tưởng, quan điểm, định hướng; xây dựng kế hoạch, biện pháp; kết hợp các nguồn lực cần thiết và thực hiện chúng một cách thích hợp, nhất quán trong một thời hạn tương đối dài để thay đổi cục diện công việc hoặc chủ thể từ trạng thái hiện tại đến trạng thái mong muốn” [2]. 

Theo từ điển Cambride, chiến lược được hiểu là: một kế hoạch chi tiết để đạt được thành công trong các tình huống như chiến tranh, chính trị, kinh doanh, công nghiệp hoặc thể thao [3]. Tham nhũng là việc lạm dụng quyền lực được giao phó để thu lợi riêng [4]. Như vậy, theo quan điểm của tác giả chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia có thể được hiểu là: “Tập hợp nhưng quan điểm, định hướng, kế hoạch và giải pháp được phân bổ đầy đủ nguồn lực trong một khoảng thời gian dài, trên phạm vi toàn quốc để thực hiện mục tiêu đấu tranh, phòng, chống việc lạm dụng quyền lực công được giao phó để thu lợi riêng, xây dựng một xã hội liêm chính, nơi tham nhũng không thể tồn tại và phát triển”.

Vai trò của chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

Chiến lược phòng chống quốc gia thực hiện các vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh và phòng chống tham nhũng. Thứ nhất, chiến lược tạo là cơ sở để ghi nhận quyết tâm chính trị của hệ thống chính trị Việt Nam trong hoạt động phòng chống tham nhũng. Thứ hai, chiến lược hoạch định ra khuôn khổ hành động, kế hoạch, lộ trình hành động để đạt được mục tiêu [5]. Thứ ba, chiến lược là cơ sở để điều phối sự hợp tác giữa các cơ quan, ban ngành trong quá trình thực hiện các công việc đề ra trong chiến lược [6]. Thứ tư, chiến lược là tuyên bố chính trị rõ ràng của cơ quan nhà nước là cơ sở để huy động sự tham gia, đóng góp của người dân trong quá trình triển khai các hoạt động cụ thể [7].

Lịch sử của chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia Việt Nam

 Pháp luật quốc tế về phòng chống tham nhũng bắt đầu được quan tâm từ những năm 1990 khi các quốc gia nhận thức được đi kèm với quá trình toàn cầu hóa cũng là sự phát triển mạnh mẽ của tội phạm xuyên quốc gia trong đó có tham nhũng [8]. Trong hệ thống pháp luật quốc tế, UNCAC có thể được xem là một trong những văn kiện pháp lý quốc tế đầy đủ, toàn diện và hiệu quả nhất trong hoạt động phòng chống tham nhũng [9]. Các vấn đề pháp lý chính được quy định tại UNCAC bao gồm bốn vấn đề: i) xây dựng biện pháp phòng ngừa, ii) hình sự hóa và cơ chế thực thi pháp luật, iii) hợp tác quốc tế, iv) cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng [10]. Việt Nam tham gia và trở thành thành viên của UNCAC từ năm 2009, kể từ đây, Việt Nam có nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của công ước [11]. Việc ban hành chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia là một trong những hành động cần thiết, hiệu quả để thực thi các nghĩa vụ quy định tại Điều 5 của UNCAC [12].

Tại Nghi quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” đặt ra yêu cầu xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết một cách cụ thể, thiết thực và phù hợp; tạo bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong nhận thức và hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 04-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết 21/NQ-CP ban hành chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. [13]

Những thành tựu và hạn chế của chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

Thành tựu của chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

Về tổng thể chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia đã đặt nền móng cho việc thực hiện các hoạt động phòng chống tham nhũng, chiến lược đã có lộ trình thực hiện cụ thể và trong quá trình thực hiện đã đạt được những thành tựu nhất định. Sự công khai, minh bạch đã được mở rộng trong quá trình soản thảo, ban hành, thực thi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2014 [14]. Việc ban hành Luật bảo vệ bí mật nhà nước 2018 và Luật Tiếp cận thông tin 2016 đã chính thức đặt ra quy tắc ngoại trừ các thông tin thuộc phạm vi bí mật theo luật định, các thông tin khác đều là công khai và công dân được quyền tiếp cận [15]. Trong hoạt động, kiểm tra thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực trong giai đoạn kể từ 2016 đến nay [16]. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có xu hướng cải thiện và gia tăng. Cụ thể là:

“Từ giai đoạn (2005 - 2013), tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam trung bình chỉ khoảng 8%. Tỷ lệ này đã tăng lên bình quân 32,04% giai đoạn 2013 - 2020. Đặc biệt, 80 nghìn tỷ, tương ứng 53% là kết quả thu hồi được ở giai đoạn 2016 – 2021” [17].

Nhìn chung thành tựu lớn nhất trong quá trình thực hiện chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia của Việt Nam là xây dựng được hệ thống pháp luật tương đối toàn diện, đủ cơ sở để thực hiện hoạt động phát hiện, xử lý tham nhũng.

Hạn chế của chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

Thứ nhất, chiến lược ban hành chưa được nghiên cữu kĩ lưỡng về mặt lý luận, ít tham chiếu kinh nghiệm quốc tế nên các giải pháp phòng chống tham nhũng chưa thực sư tương thích với các giải pháp trọng tâm quy định tại UNCAC bao gồm: i) phòng ngừa tham nhũng; ii) thu hồi tài sản tham nhũng; iii) hợp tác quốc tế đề phòng chống tham nhũng.

Thứ hai, trong kế hoạch thực hiện, chiến lược đặt mục tiêu quá tham vọng với khối lượng công việc lớn trong một khoảng thời gian ngắn dẫn đến việc không thể thực thi được toàn bộ các nội dung trong kế hoạch. Rất nhiều nội dung được đề ra trong kế hoạch không được thực thi hoặc được thực thi muộn hơn so với thời hạn được quy định [18]. Việc thiết lập kế hoạch hành động không đi kèm với việc xác định thời hạn rõ ràng để hành động, trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ dẫn đến trạng quá hạn nhưng không thực hiện theo đúng kế hoạch.

Thứ ba, việc tổ chức cơ quan đầu mối thực hiện việc lãnh đạo, giám sát kế hoạch hàng động trong chiến lược phòng chống tham nhũng dễ xung đột về lợi ích. Cơ quan hành pháp là nơi tập trung quyền lực quản lý nhà nước và có rủi ro tham nhũng cao nhất so với lập pháp và tư pháp, việc đặt Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ sẽ khó đảm bảo được việc độc lập, khách quan trong việc giám sát và yêu cầu trách nhiệm giải trình từ phía chính phủ và các thành viên trong chính phủ.

Thứ tư, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chưa kịp thời dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm, nhiều vụ việc sai phạm có tính chất liên tục, dài hạn và nghiêm trọng nhưng không được phát hiện kịp thời dẫn đến thiệt hại to lớn cho quốc gia [19] [20]. Mặc dù gần đây có sự chuyển biến tích cực trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị nhưng tệ nạn tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành. Ngay cả trong tình trạng dịch bệnh khẩn cấp, các vụ án tham nhũng vẫn tiếp tục được đưa ra xét xử, tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi và xảo quyệt trong thủ đoạn, tài sản tham nhũng thu hồi dù đã có cải thiện nhưng mới chỉ dừng lại ở mức 50% trong giai đoạn 2016-2021. Những hạn chế này thể hiện sự thiếu hiệu quả trong các cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát tham nhũng. Tội phạm tham nhũng có dấu hiệu chuyên nghiệp hóa, hình thành các nhóm lợi ích lũng đoạn chính sách và pháp luật quốc gia [21]. 

Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng quốc gia

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Chiến lược phòng chống tham nhũng tại Trung Quốc mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Quan điểm chính trong chiến lược của quốc gia này là:

“Điều then chốt là phải tăng cường kiềm soát và giám sát sự vận hành của quyền lực, kiện toàn hệ thống kiểm soát và giám sát quyền lực, để nhân dân giám sát quyền lực, đề quyền lực được vận hành dưới ánh sáng, nhốt quyền lực vào chiếc lồng thể chế, không ngừng hình thành cơ chế xử phạt cảnh cáo để không dám tham nhũng, cơ chế phòng chống không thể tham nhũng, không dễ tham nhũng, cơ chế khuyến khích để không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng"[22].

Chiến lược để không dám tham nhũng tập trung vào hoạt động: i) xây dựng ý chí chính trị kiên định từ lãnh đạo cấp cao nhất; ii) xây dựng văn hóa liêm chính, không khoan nhượng tham nhũng bằng xử phạt nghiêm minh; iii) tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tham nhũng, chống hành vi lẩn trốn pháp luật, chuyển tài sản tham nhũng ra nước ngoài; iv) phát huy vai trò giám sát của người dân và xã hội nhất là vai trò giám sát của phương tiện truyền thông [23].

Chiến lược để không thể tham nhũng, không dễ tham nhũng tập trung vào hoạt động: i) Phân chia quyền lực một cách hợp lý, phân bổ quyền lực một cách khoa học, để các cơ quan tự giám sát, chế ước lẫn nhau; ii) nhốt quyền lực vào chiếc lồng pháp luật; iii) công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước là nguyên tắc, không công khai là ngoại lệ; iv) kiểm soát tài sản và thu nhập của công chức, cán bộ; v) kiểm soát xung đột lợi ích và giải pháp phòng trách xung đột lợi ích [24].

Chiến lược để không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng tập trung vào hoạt động: i) tăng cường giáo dục pháp luật từ nhà trường cho đến công sở; ii) hoàn thiện chế độ đạo đức công vụ; iii) đề cao sự liêm sỉ, khuyến khích tu dưỡng đạo đức cá nhân của công chức; iv) cải cách chế độ tiền lương cho công chức theo hướng đảm bảo mức sống trung bình trong xã hội [25].

Kinh nghiệm của Phần Lan

Phần Lan là một trong những quốc gia được đánh giá là trong sạch nhất trên thế giới, quốc gia này xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng quốc tế (CPI) [26]. Trong chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng của mình, Phần Lan tập trung vào sáu mục tiêu chiến lược là: i) tăng cường năng lực của các thiết chế phòng, chống tham nhũng và cải thiện hợp tác giữa các bên liên quan; ii) nâng cao nhận thức về tham nhũng; iii) tăng tính minh bạch, iv) thúc đẩy tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, iv) đánh giá sự đáp ứng các yêu cầu của pháp luật và quy trình lập pháp trong hoạt động phòng chống tham nhũng vi) thúc đẩy các nghiên cứu liên quan đến tham nhũng và phòng ngừa tham nhũng [27]. Đặc trưng trong chiến lược của Phần Lan là thúc đẩy sự công khai, minh bạch ở cấp độ cao. Nâng cao nhận thức của mọi người dân về tham nhũng và trao quyền tham gia phòng chống tham nhũng cho mọi người dân để tiến đến xây dựng một xã hội liêm chính, không có nhu cầu tham nhũng từ gốc rễ [28].

Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là một cường quốc chính trị, kinh tế, tài chính của thế giới. Các hoạt động động phòng chống tham nhũng của Hòa Kỳ có khả năng ảnh hưởng tới nỗ lực phòng chống tham nhũng toàn cầu. Nhận thức được khả năng ảnh hưởng của tham nhũng tới hoạt động của chính quyền, Tổng thống Biden ngay sau khi lãnh đạo nhà trắng đã xây dựng chiến lược riêng về phòng chống tham nhũng [29]. Chiến lược phòng chống tham nhũng mới của Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên 5 trụ cột và 19 mục tiêu chiến lược. Các trụ cột chính trong chiến lược phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ bao gồm: i) Hiện đại hóa, điều phối và cung cấp nguồn lực cho các nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ, ii) Kiểm soát các hoạt động tài chính bất hợp pháp, iii) Buộc các chủ thể thực hiện hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm, iv) Duy trì và củng cố các thiết chế phòng chống tham nhũng đa phương, v) Hợp tác với cộng đồng quốc tế và tận dụng sự hỗ trợ quốc tế để thực hiện các mục tiêu chính sách [30]. Điểm đáng chú ý trong chiến lược phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ là tập trung vào kiểm soát các hoạt động tài chính bất hợp pháp, nâng cao năng lực giám sát của các cơ quan và cung cấp đầy đủ nguồn lực cho việc thi hành để phòng tránh việc các quốc gia khác sử dụng tham nhũng như một vũ khí để làm suy yếu thể chế chính trị quốc gia [31].

Kinh nghiệm từ Hồng Công

Mô hình phòng chống tham nhũng của Hồng Công là một ví dụ điển hình cho cả thế giới về sự thành công trong việc chuyển hóa xã hội từ tham nhũng tới trong sạch. Chiến lược phòng chống tham nhũng của Hồng Công bắt đầu từ việc xây dựng một cơ quan phòng chống tham nhũng tập trung, được trao quyền lực, nguồn lực để thực thi chính sách và độc lập khỏi các can thiệp chính trị [32]. Cơ quan được thiết kế và hoạt động trong ba lĩnh vực: i) Ngăn chặn tham nhũng; ii) Phòng ngừa tham nhũng; iii) Giáo dục về tham nhũng [33]. Trong quá trình hoạt động cơ quan này tập trung nguồn lực cho việc ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng. Các hoạt khiếu nại tố cáo về hành vi tham nhũng dù là nhỏ nhất cũng được xử lý nghiêm túc. Các lĩnh vực có rủi ro cao phát sinh hành vi tham nhũng như đấu thầu, cấp phép, giải quyết thủ tục hành chính, thuế khóa đều được rà soát, kiểm soát chặt chẽ [34]. Trong hoạt động giáo dục, phòng chống tham nhũng được lồng ghép vào chương trình dạy học từ cấp mẫu giáo đến đại học [35]. Các hoạt động giáo dục nhận thức về tham nhũng được truyền tải qua các nền tảng phương tiện truyền thông đại chúng [36]. Hoạt động phòng chống tham nhũng được chú trọng cả trong khối công lẫn khối tư, cơ quan phóng chống tham nhũng quốc gia huy động nguồn lực và sự hỗ trợ của toàn xã hội bao gồm các tổ chức quốc tế, tổ chức dân sự xã hội trong quá trình hoạt động của mình [37]. 

Kinh nghiệm từ Thái Lan

Mặc dù không phải là một hình mẫu nổi bật cho hoạt động phòng chống tham nhũng nhưng các kinh nghiệm trong việc xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng của Thái Lan có một số điểm rất đáng học hỏi cho Việt Nam. Chiến lược phòng chống tham nhũng giai đoạn 2017 -2021 của Thái Lan được hoạch định rõ tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp hành động cụ thể [38]. Với khẩu hiểu “Không dung thứ tham nhũng – Vì một Thái Lan trong sạch” [39], Thái Lan đặt mục tiêu cải thiện điểm trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng toàn cầu cao hơn 50% bằng các giải pháp chiến lược sau: i) Xây dựng một xã hội không dung thứ tham nhũng từ nhận thức đến hành động; ii) cải thiện quyết tâm chính trị trong phòng chống tham nhũng; iii) ngăn ngừa tham nhũng chính sách; iv) xây dựng hệ thống phòng ngừa tham nhũng chủ động; v) cải cách các thiết chế, quy trình chống tham nhũng [40].

Những giá trị tham khảo cho Việt Nam trong xây dựng chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng

Thứ nhất, một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các quốc gia trên thế giới đều ủng hộ đó là quyết tâm chính trị của các cấp lãnh đạo và sự hậu thuẫn của toàn thể xã hội. Việc duy trì một quyết tâm chính trị cao độ là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để Hồng Công có thể cải cách từ một xã hội tham nhũng thành một xã hội trong sạch [41]. Thái Lan đề cao việc khuyến khích toàn thể xã hội tham gia vào phòng chống tham nhũng, xây dựng các cơ chế để các lãnh đạo có thể thể hiện quyết tâm và duy trì nỗ lực phòng chống tham nhũng của cả quốc gia mà không phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực cá nhân. Khuyến khích tư nhân có các sáng kiến, giải pháp, nguồn lực cho việc phòng chống tham nhũng. Đánh giá nguồn lực và duy trì nguồn lực đầy đủ để hoạt động phòng chống tham nhũng không bị “dập tắt” vì thiếu nguồn lực và sự cản trở từ các tác nhân tham nhũng [42].

Thứ hai, Hồng Công và Phần Lan xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng có trọng tâm. Các lĩnh vực có nguy cơ cao bị tham nhũng như: đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa dịch vụ công, cấp phép cần được phân loại riêng để đánh giá, kiểm soát.  Nhưng hoạt động rủi ro cao cần sự quan tâm đặc biệt trong hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm. Việc dàn trải nguồn lực và thiếu trọng tâm dễ dẫn đến tình trạng bỏ lọt vi phạm, thiếu kịp thời trong việc phát hiện và xử lí vi phạm dẫn đến việc tội phạm tham nhũng có nguồn lực để cản trở quá trình phát hiện vi phạm hoặc có thời gian tẩy rửa, chuyển tài sản phạm tội ra nước ngoài.

Thứ ba, các quốc gia trên thế giới đều có nhận thức chung và tương đồng với UNCAC về các vấn đề lý luận để phòng chống tham nhũng hiệu quả. Ngoài hình sự hóa và xử lý phạt thật nặng hành vi tham nhũng cần tập trung vào các công việc phòng ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế. Bởi lẽ tham nhũng là tội phạm mang tính chất kinh tế, việc triệt tiêu khả năng phạm tội và lợi ích thu được sau khi phạm tội sẽ hiệu quả hơn xử phạt nặng người vi phạm nhưng cả xã hội bị tổn thất tài sản, niềm tin. Tội phạm tham nhũng thường có xu hướng chuyển tài sản ra nước ngoài để tẩy rửa nhằm duy trì quyền lực, danh tiếng ở trong nước và dự phòng cho tương lai ở nước ngoài vì để tài sản trong nước phải đối mặt rủi ro bị phát hiện. Các giải pháp tham nhũng nếu chỉ giải quyết trong phạm vi một quốc gia sẽ dễ rơi vào bế tắc. Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới việc các tác nhân tham nhũng bên ngoài sử dụng thể chế của họ làm nơi trú ẩn cho tài sản tham nhũng, bằng việc ban hành đạo luật Doanh nghiệp minh bạch, Hoa Kỳ buộc các công ty đến từ các quốc gia thuộc diện nguy cơ cao phải tiết lộ danh tính của chủ sở hữu đích thực để kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài [43]. Ngoài ra, Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới hoạt động phòng chống tẩy rửa tài sản phạm tội từ tham nhũng, siết chặt sự kiểm soát đối với các “người gác cổng của hệ thống tài chính” có khả năng hỗ trợ cho tội phạm thực hiện việc tẩy rửa tài sản như luật sư, công ty kiểm toán, công tư vấn tài chính [44].

Thứ tư, cách thức tổ chức cơ quan phòng chống tham nhũng ở các quốc gia không đồng nhất giữa tập trung và phân tán. Nhưng đa số đều thừa nhận rằng cơ quan phòng chống tham nhũng cần được trao quyền và nguồn lực về tài chính và sự hậu thuẫn về chính trị để có thể nhất quán, công minh trong hoạt động điều tra, xử lý tham nhũng. Cơ quan phòng chống tham nhũng ở Hồng Công độc lập với các cơ cơ quan hành pháp trong nội các, làm việc dưới chế độ tập thể và chịu trách nhiệm báo cáo với thống đốc đặc khu hành chính. Trong cách thức tổ chức hoạt động của cơ quan phòng chống tham nhũng tập trung cần thiết kế để có sự kiểm soát nội bộ, tránh tình trạng tham nhũng xảy ra trong cơ quan chống tham nhũng.

Thứ năm, trong quá trình xây dựng chiến lược phòng chống tham nhũng, UNDOC khuyến nghị các quốc gia nghiên cứu, thu thập dữ liệu kỹ lưỡng để đưa ra các giải pháp vừa tham vọng, vừa khả thi. Quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược nên ưu tiên dựa trên số liệu định lượng thay vì các tiêu chí định tính. Thái Lan đặt mục tiêu nâng cao điểm chỉ số cảm nhận tham nhũng lên 50% có thể được coi là một mục tiêu vừa tham vọng vừa thực tế. Chiến lược hành động của Thái Lan hướng tới việc sử dụng thang đo quốc tế để tăng sự khách quan, tranh trường hợp “con hát mẹ khen hay” hoặc thao túng chỉ số trong các báo cáo tự đánh giá.

Thứ sáu, đề cao giáo dục nhận thức về tham nhũng cho toàn thể xã hội từ bậc thấp nhất, việc xây dựng một xã hội liêm chính, trong sạch là đích đến cuối cùng của mọi chiến lược tham nhũng. Công khai, minh bạch trong tiến trình, thu hút sự tham gia của học giả, tổ chức nghiên cứu, người dân là một trong những cơ sở để chiến lược giáo dục về tham nhũng có thể đi vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, các nỗ lực phòng chống tham nhũng không chỉ và không nên nằm trong khối công. Khuyến khích các chủ thể trong khối ngoài nhà nước tham gia vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược sẽ tạo ra nhiều hơn hiệu ứng lan tỏa tích cực trong phòng chống tham nhũng. Người dân – những người trực tiếp tiếp xúc với tham nhũng và chịu thiệt hại bởi tham nhũng có khả năng đóng góp hiệu quả hơn cho việc xây dựng và thực thi chiến lược. Mục tiêu cuối cùng của các chiến lược phóng chống tham nhũng không phải là phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng hay thu hồi tài sản mà là xây dựng được một xã hội liêm chính, người dân không dung dưỡng tham nhũng và không có nhu cầu sử dụng các hành vi tham nhũng như một lợi thế trong cạnh tranh. Chừng nào người dân vẫn mong muốn sử dụng tham nhũng để thu lợi riêng cho mình thì chừng đó vẫn sẽ còn các công chức, chính trị gia bị tha hóa bởi cám dỗ của vật chất mà lạm dụng quyền lực được giao.

Kết luận

Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế cũng chính là một trong biện pháp hợp tác quốc tế hiệu quả thể hiện sự cởi mở, hội nhập của Việt Nam với quốc tế. Chủ chương tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế là một trong những quan điểm của Đảng và Nhà nước trong chiến lược phòng chống tham nhũng đến năm 2020. Bài viết tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các kinh nghiệm phù hợp cho chiến lược phòng chống tham nhũng tiếp theo của Việt Nam. Nỗ lực phòng chống tham nhũng đòi hỏi một quá trình kiên trì và dài hạn. Một tầm nhìn, chiến lược hành động đúng đắn là bước đi đầu tiên trong hành trình vạn dặm phòng chống tham nhũng của Việt Nam.

=================

[1] Tham khảo tại: https://sergiocaredda.eu/inspiration/books/book-review-strategy-and-structure-by-alfred-chandler/#:~:text=Chandler%20describes%20strategy%20as%20the,through%20which%20strategy%20is%20administered, truy cập ngày 28/04/2022.

[2] Tham khảo tại: https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/hdkhcn/clptnnh/clptnnh_chitiet?centerWidth=80%25&dDocName=CNTHWEBAP0116211766381&leftWidth=20%25&rightWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&_adf.ctrl-state=18gjgk6e7y_9&_afrLoop=27029615621457311, truy cập ngày 28/4/2022.

[3] Tham khảo tại: https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/strategy, truy cập ngày 28/4/2022.

[4] Tham khảo tại: https://www.transparency.org/en/what-is-corruption, truy cập ngày 28/4/2022.

[5] Phạm Thị Thu Hiền, Một số vấn đề về xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam

Trang thông tin điện tử Thanh tra tỉnh Bình Dương, Truy cập tại http://thanhtra.binhduong.gov.vn/Chi-tiet-tin-tuc/2/5129#:~:text=Chi%E1%BA%BFn%20l%C6%B0%E1%BB%A3c%20qu%E1%BB%91c%20gia%20ph%C3%B2ng%2C%20ch%E1%BB%91ng%20tham%20nh%C5%A9ng%20l%C3%A0%20quy%E1%BA%BFt,nh%E1%BB%AFng%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%20nh%E1%BA%A5t%20%C4%91%E1%BB%8Bnh, truy cập ngày 28/04/2022.

[6] Như trên

[7] Như trên

[8] Lucinda A. Low (2006), The Awakening Giant of Anticorruption Enforcement, Conference of the International Bar Association International Chamber of Commerce Organization for Economic Cooperation and Development, truy cập tại: https://www.steptoe.com/images/content/1/6/v1/1600/2599.pdf, truy cập ngày 28/04/2022.

[9] Tranparency International (2014), Using the UN Convention against Corruption to advance anti-corruption efforts: A guide, Truy cập tại: https://uncaccoalition.org/resources/uncac-guide/uncac-advance-anti-corruption-efforts-guide-en.pdf, truy cập ngày 28/04/2022

[10] U4 Anti-Corruption Resource Centre (2017), UNCAC in a nutshell A quick guide to the United Nations Convention against Corruption for embassy and donor agency staff , Truy cập tại: https://www.cmi.no/publications/file/3769-uncac-in-a-nutshell.pdf, Truy cập ngày 28/04/2022.

[11] Tham khảo tại: Vietnam: how UNCAC review helps build bridges with government , Truy cập tại: https://uncaccoalition.org/vietnam-how-uncac-review-helps-build-bridges-with-government/, truy cập ngày 28/04/2022.

[12] UNODC (2015), The United Nations Convention against Corruption National Anti-Corruption Strategies A Practical Guide for Development and Implementation, truy cập tại: https://www.unodc.org/documents/corruption/Publications/2015/National_Anti-Corruption_Strategies_-_A_Practical_Guide_for_Development_and_Implementation_E.pdf, truy cập ngày 28/04/2022.

[13] Hội thảo khoa học: kết quả thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Cổng thông tin Thanh tra chính phủ, truy cập tại: https://thanhtra.gov.vn/xem-chi-tiet/-/asset_publisher/Content/hoi-thao-khoa-hoc-ket-qua-thuc-hien-chien-luoc-quoc-gia-ve-phong-chong-tham-nhung-en-nam-2020?6359130, truy cập ngày 28/04/2022.

[14] Các điều 6, 76, 150 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2014.

[15] Điều 5 Luật Tiếp cận thông tin 2016

[16] Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020

Truy cập tại: https://noichinh.vn/tin-tuc-su-kien/tin-trung-uong/202102/ket-qua-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-giai-doan-2013-2020-309186/, truy cập ngày 28/04/2022.

[17] TS. Nguyễn Thị Thu Nga, Điểm nghẽn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam

Truy cập tại: http://www.issi.gov.vn/diem-nghen-trong-cong-tac-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-o-viet-nam_t104c2716n3264tn.aspx#:~:text=Th%E1%BA%BF%20nh%C6%B0ng%2C%20trong%20m%E1%BB%99t%20th%E1%BB%9Di,%E1%BB%9F%20giai%20%C4%91o%E1%BA%A1n%202016%20%2D%202021, truy cập ngày 28/04/2022.

[18] Dự án luật bảo vệ nhân chứng, Quy chế về việc công khai danh sách doanh nghiệp có liên quan đến tham nhũng, Quy chế bảo vệ người tố cáo không được triên khai không được triển khai.

[19] Thiệt hại trong đại án Vinashin cho nhà nước là gần 950 tỷ đồng. Truy cập tại: https://vov.vn/phap-luat/xu-vu-an-tai-vinashin-thiet-hai-kinh-te-gan-950-ty-dong-204387.vov

[20] Thiệt hại của ông Đinh La Thăng gây ra cho toàn bộ công ty, dự án mà ông đã tham gia quản lý là gần 10000 tỷ đồng. Truy cập tại: https://phaply.net.vn/10-nam-cong-tac-thiet-hai-gan-10-000-ty-dau-an-rieng-cua-ong-dinh-la-thang-a247796.html

[21] Nguyễn Đức Thành, Nhân vụ kít xét nghiệm nghĩ về hình thức tham nhũng ‘cao cấp’, Truy cập tại: https://thesaigontimes.vn/nhan-vu-kit-xet-nghiem-nghi-ve-hinh-thuc-tham-nhung-cao-cap/, truy cập ngày 28/04/2022.

[22] Vương Lập Phong, Zhao Peng (2021), Đi sâu thúc đẩy đấu tranh chống tham nhũng, Kỷ Yếu hội thảo quốc tế Phòng chống tham nhũng ở Trung Quốc và Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn luật học mùa thu lần thứ nhất tổ chức tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, trang 11.

[23] Như trên

[24] Như trên

[25] Như trên

[26] Xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng tại Phần Lan, truy cập tại: https://www.transparency.org/en/cpi/2021/index/fin, truy cập ngày 28/04/2022.

[27] Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng của Phần Lan, Truy cập tại, https://korruptiontorjunta.fi/en/anti-corruption-strategy, truy cập ngày 28/04/2022.

[28] Như trên

[29] Thông cáo báo chí “Establishing the Fight Against Corruption as a Core U.S. National Security Interest”, Truy cập tại: https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2021/06/03/fact-sheet-establishing-the-fight-against-corruption-as-a-core-u-s-national-security-interest/, truy cập ngày 28/04/2022.

[30] Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng của Hoa Kỳ (United States strategy on countering corruption) (2021), truy cập tại: https://www.whitehouse.gov/uploads/2021/12/United-States-Strategy-on-Countering-Corruption.pdf, truy cập ngày 28/04/2022.

[31] Tony Kwok Man-wai, National anti-corruption strategy: the role of government ministries, Truy cập tại: https://www.unafei.or.jp/publications/pdf/RS_No79/No79_18VE_Man-wai1.pdf, truy cập ngày 28/04/2022.

[32] Như trên

[33] Như trên

[34] Như trên

[35] Như trên

[36] Như trên

[37] Như trên          

[38] National anti-corruption strategy of Thailand phase 3 (2017-2021), truy cập tại: http://anticorruption.mot.go.th/mot-api/09-anti-web/upload/download/988622_NationalAntiCorruptionStrategyPhase3.pdf, truy cập ngày 28/04/2022.

[39] Như trên

[40] Như trên

[41] Như mục 38

[42] Như mục 45

[43] Sandra Feldman, The Corporate Transparency Act imposes new beneficial ownership reporting obligations on business entities, Truy cập tại: https://www.wolterskluwer.com/en/expert-insights/the-corporate-transparency-act-imposes-new-beneficial-ownership-reporting-obligations, Truy cập ngày: 28/04/2022.

[44] Như mục 37.

VŨ MINH CHÂU

Trường Đại học Công nghệ Đông Á

KIỀU DIỆU NGÂN

Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa

Lê Minh Hoàng