/ Trợ giúp pháp lý
/ Mức xử phạt vi phạm liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động

Mức xử phạt vi phạm liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Các mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Nghị định này quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ảnh minh họa.

Theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Các mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến tạm đình chỉ công việc người lao động được quy định tại Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP nêu rõ phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Đồng thời, Nghị định 12/2022/NĐ-CP cũng quy định cụ thể phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Tạm đình chỉ công việc quá thời hạn theo quy định của pháp luật;

- Trước khi đình chỉ công việc của người lao động, người sử dụng lao động không tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc làm thành viên.

Biện pháp khắc phục là buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương những ngày tạm đình chỉ công việc đối với người lao động.

Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm nêu trên áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

HỒNG HẠNH

Cần xử lý nghiêm hành vi ly hôn giả để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ dân sự

Loan B T Thanh