/ Hoạt động Luật sư
/ Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng: Gỡ vướng từ hệ thống pháp luật

Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng: Gỡ vướng từ hệ thống pháp luật

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hôm nay (ngày 26/4) Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng: Gỡ vướng từ hệ thống pháp luật" với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện ngân hàng, Luật sư và các doanh nghiệp bất động sản.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.

Luật Phòng cháy và chữa cháy cùng nhiều luật khác, như: Bộ luật Hình sự, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… và các văn bản dưới luật quy định khá chặt chễ về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong quá trình thiết kế, thi công, vận hành các công trình xây dựng, nhất là các công trình cao tầng, giúp hình thành khung khổ pháp luật tương đối đầy đủ điều chỉnh hoạt động PCCC&CNCH, góp phần bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động khiến tình hình cháy, nổ, vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Nêu thực trạng và chỉ rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp và khuyến nghị sẽ là nội dung chính được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến trong cuộc Tọa đàm với chủ đề: “Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng: Gỡ vướng từ hệ thống pháp luật” do Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức.

Về phía khách mời, Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, Luật sư và đại diện các chủ đầu tư công trình, các tổ chức liên quan: Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH; Thượng tá Nguyễn Đức Việt, Trưởng khoa Phòng cháy, Trường Đại học PCCC; ông Phạm Văn Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ PCCC Phương Nam (Phòng cháy chữa cháy An Tâm); Luật sư Hoàng Ngọc, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự.

Thực trạng và nguyên nhân

Công tác PCCC&CNCH đã được các cơ quan chức năng, các cấp, ngành và người dân quan tâm, thực hiện, song, hàng năm, số lượng các vụ cháy, nổ vẫn luôn ở mức cao với thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Là đơn vị có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH, Đại tá Nguyễn Minh Khương đã đưa ra những con số thống kê và những bình luận, phân tích để quý độc giả thấy được hiện trạng công tác PCCC&CNCH hiện nay trong cả nước.

Theo đó, về số lượng vụ cháy, năm 2019 có 3970 vụ, thiệt hại vật chất là trên 1500 tỉ đồng, 85 người chết, bị thương là 100 người. Năm 2020, có 2764 vụ, thiệt hại vật chất là trên 900 tỉ đồng, 75 người chết, bị thương là 100 người. Năm 2021, có 2245 vụ, thiệt hại vật chất là trên 374 tỉ đồng, 85 người chết. Có thể thấy, số lượng vụ cháy và thiệt hại có xu hướng giảm, tuy nhiên số người chết và bị thương vẫn còn khá phức tạp.

Về nguyên nhân cháy, theo số liệu thống kê vào năm 2021, có đến hơn 40% do điện như chập điện, sự cố hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện… Bên cạnh đó, số vụ cháy trên địa bàn thành phố chiếm khoảng 52%, nông thôn khoảng 48%. Thời điểm xảy ra các vụ cháy nổ chủ yếu vào ban đêm.

Đại tá Nguyễn Minh Khương đã đưa ra những con số thống kê và những bình luận, phân tích để quý độc giả thấy được hiện trạng công tác PCCC&CNCH hiện nay trong cả nước.

Tiếp nối chương trình, Thượng tá Nguyễn Đức Việt đã nêu những con số thống kê các vụ cháy, nổ tại các công trình xây dựng, nhất là các công trình cao tầng trong thời gian qua và đưa ra những nguyên nhân chính khiến số lượng các vụ cháy, nổ tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, theo thống kê từ Bộ Xây dựng, năm 2021 có 3618 nhà cao tầng và siêu nhà cao tầng. Sự phát triển nhanh chóng của loại hình nhà ở này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ lớn, phức tạp. Trên thực tế cũng đã xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ lớn tại các tòa nhà cao tầng mà đặc biệt là ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Về nguyên nhân dẫn đến cháy nổ, có thể kể đến ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, người dân còn có thái độ thờ ơ, coi thường trong công tác PCCC. Ngoài ra, còn phải kể đến sự phát triển của kinh tế, xã hội như sự phát triển nhanh về số lượng nhà cao tầng, nhà máy xí nghiệp…

Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng chỉ ra những nguyên nhân chính, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thiết bị PCCC và cả người dân sống, làm việc trong các công trình xây dựng, các tòa nhà cao tầng. Theo đó, nhiều chủ đầu tư chưa tuân thủ an toàn PCCC; kiến thức, năng lực, kĩ năng xử lý của người dân còn kém. Việc này có thể gây ra những hậu quả nghiệm trọng khi vụ cháy không được xử lý kịp thời.

Sau khi nghe các vị đại biểu nêu rõ thực trạng, chỉ ra nguyên nhân các vụ cháy, nổ vẫn luôn tiềm ẩn, Luật sư Hoàng Ngọc bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến của các vị đại biểu vừa chia sẻ. Hệ thống lại các quy định của pháp luật liên quan đến PCCC&CNCH, đặc biệt là công tác PCCC tại các công trình xây dựng, các tòa nhà cao tầng đang còn hiệu lực, Luật sư Ngọc cho biết, trong lĩnh vực PCCC đã có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện, có 1 đạo luật riêng từ năm 2001 điều hành và áp dụng trên thực tế và đạt được một số hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, phải kể đến Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật PCCC, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Luật Nhà ở cũng có những điều khoản quy định về PCCC trong nhà chung cư, điều kiện PCCC. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự quy định chế tài xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm về PCCC. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các văn bản của các bộ, ngành. Vì vậy, cần có Thông tư liên tịch để tạo sự liên kết hơn giữa các quy định pháp luật.

Khuyến nghị, hoàn thiện pháp luật

Qua những phân tích, đánh giá của các khách mời, có thể thấy, hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực PCCC đã cơ bản hoàn thiện; các cơ quan hữu quan, các tổ chức, doanh nghiệp đã nỗ lực, chủ động thực hiện có hiệu quả công tác PCCC… Tuy nhiên, nguy cơ cháy nổ vẫn tiềm ẩn vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những hạn chế của hệ thống pháp luật và sự thiếu ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể liên quan.

Tại Tọa đàm, các khách mời cũng đã làm rõ hơn nguyên nhân, đưa ra các giải pháp, khuyến nghị để khắc phục tình trạng trên nhằm hoàn thiện và đưa các quy định của pháp luật về PCCC &CNCH vào thực tiễn, góp phần giảm thiểu các thiệt hại không đáng có về người và tài sản do sự cố cháy, nổ gây ra. Hàng nghìn vụ cháy, nổ xảy ra mỗi năm; nhiều nạn nhân cùng hàng chục nghìn tỷ đồng thiệt hại. Riêng quý I năm nay, cả nước đã xảy ra 443 vụ cháy; làm chết 21 người, thiệt hại về tài sản khoảng 57,9 tỉ đồng… Khi xảy ra cháy, nổ, cùng với lực lượng tại chỗ thì đội ngũ Cảnh sát PCCC&CNCH luôn là lực lượng chủ công với hiệu quả hoạt động đã được ghi nhận.

Thượng tá Nguyễn Đức Việt đã nêu những con số thống kê các vụ cháy, nổ tại các công trình xây dựng, nhất là các công trình cao tầng trong thời gian qua và đưa ra những nguyên nhân chính khiến số lượng các vụ cháy, nổ tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của lực lượng PCCC&CNCH, Đại tá Nguyễn Minh Khương cho biết công tác PCCC ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm và chỉ đạo. Về yếu tố khách quan như cơ sở hạ tầng, những khu dân cư nằm sau trong ngõ hẹp, khu tập thể cũ... khiến xe chữa cháy di chuyển rất khó khăn. Bên cạnh đó, mạng lưới PCCC còn mỏng, lực lượng PCCC chuyên trách còn chưa thực sự đáp ứng được những nhu cầu đặt ra trong thực tiễn. Việc quản lý PCCC tại nhiều cấp ủy chính quyền cấp cơ sở còn hạn chế. Ngoài ra, một số cán bộ PCCC năng lực chưa thực sự tốt, trách nhiệm chưa thực sự cao. Tuy nhiên, với sự tăng cường rà soát, những vấn đề trên đã cơ bản được khắc phục, lực lượng PCCC cũng đã ngày càng được cải thiện hơn.

Để giải quyết những vấn đề, Đại tá Nguyễn Minh Khương đã đưa ra một số giải pháp:

- Tăng cường công tác PCCC để người dân nâng cao ý thức như tuyên truyền qua trang web, hệ thống truyền hình, tin nhắn... Với chủ đầu tư, cần tích cực hướng dẫn về điều kiện công trình để đảm bảo an toàn PCCC;

- Xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị có liên quan;

- Không ngừng nâng cao kiến thức cho cán bộ chiến sĩ như lớp tập huấn các kiến thức, kĩ năng thẩm duyệt công trình, nghiệm thu công trình…;

- Tăng cường nghiên cứu, rà soát kiểm tra đối với những công trình; xử lý nghiêm, triệt để những trường hợp vi phạm;

- Phối hợp với các trường, đơn vị trong quan hệ hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng phù hợp với tình hình tại Việt Nam từ đó nâng cao công tác PCCC.

Bên cạnh đó, liên quan đến những vướng mắc trong quy định của pháp luật, Đại tá Khương cho rằng, Cục PCCC sẽ tiếp thu các ý kiến, chủ động hơn với các bộ ngành để rà soát từ đó tìm ra những điểm bất cập nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Trường Đại học PCCC là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực từ lý thuyết đến thực hành và nghiên cứu khoa học chuyên sâu trong lĩnh vực PCCC&CNCH, Thượng tá Nguyễn Đức Việt cho biết bên cạnh công tác đào tạo trong nhà trường, nhà trường đã và đang có những hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kinh nghiệm nào cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có các chủ đầu tư các công trình xây dựng. Cụ thể như Giáo dục và tuyên truyền cho học viên liên quan đến pháp luật về PCCC; Tổ chức giảng dạy, cấp chứng chỉ về PCCC; Tuyên truyền phổ biến an toàn PCCC cho các cơ quan, đơn vị…

Với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, Luật sư Hoàng Ngọc cũng cho biết những giải pháp ngắn, trung và dài hạn để khắc phục những hạn chế nói trên.

Chia sẻ thêm, Thượng tá Nguyễn Đức Việt cho biết những vướng mắc trong công tác phổ biến pháp luật, nhưng bất cập trong các quy định của pháp luật như: Các văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều, dẫn đến việc chồng chèo; Một số văn bản ban hành từ lâu nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn; Ý thức của người dân còn chưa cao, chưa quan tâm đến an toàn PCCC.

Pháp luật về PCCC quy định, cơ quan Cảnh sát PCCC có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế về PCCC đối với chủ đầu tư các công trình xây dựng và cũng là cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh vật tư, phương tiện, thiết bị và dịch vụ PCCC, đồng thời có trách nhiệm thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, đặc biệt, cơ quan Cảnh sát PCCC cũng là lực lượng chủ công xử lý các tình huống cháy, nổ. Rõ ràng, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát PCCC bao trùm hầu hết các hoạt động PCCC.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Khương, trong thời gian tới, cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ có những giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, trong đó, việc phát hiện những vướng mắc, bất cập trong quy định của pháp luật để tham mưu cho cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện khung khổ pháp luật về PCCC.  Đồng thời, để nâng cao công tác PCCC, cần siết chặt việc cấp phép cho các đơn vị kinh doanh, thi công, cung cấp thiết bị PCCC. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công tác PCCC tại cơ sở sản xuất, cơ quan đơn vị, xử lý nghiêm, triệt để hành vi vi phạm.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ để có thể ứng dụng, sử dụng các phương pháp, công cụ hiện đại nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCCC.

Pháp luật về PCCC đã quy định khá đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư công trình xây dựng, từ khi lập quy hoạch, thiết kế, thi công và sau khi hoàn thiện, đưa công trình xây dựng vào vận hành, xử dụng... Tuy nhiên, vẫn có không ít chủ đầu tư vô tình hoặc cố tình vi phạm. Với tư cách là người hoạt động trong lĩnh vực luật pháp, Luật sư Hoàng Ngọc cũng cho biết những giải pháp ngắn, trung và dài hạn để khắc phục những hạn chế nói trên.

Trên quan điểm xây dựng pháp luật, Luật sư đã đưa khuyến nghị với các cơ quan chức năng trong việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các quy định nhằm hoàn thiện khung khổ pháp luật điều chỉnh lĩnh vực PCCC&CNCH nói chung, với các công trình xây dưng, công trình cao tầng nói riêng. Cụ thể, cần quy định chặt chẽ hơn về bảo hiểm PCCC bắt buộc; Đơn vị PCCC cần được quy hoạch phù hợp hơn. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu dân sự hóa lực lượng PCCC, phương tiện PCCC. Đặc biệt, cần xây dựng Thông tư liên tịch giữa các bộ ban ngành với nhau để nâng cao sự liên kết quy định về PCCC.

Đại diện cho Trường Đại học PCCC, đơn vị có chức năng giảng dạy, tập huấn nâng cao kiến thức, nghiên cứu khoa học, chuyên ngành PCCC&CNCH, để gút lại những kiến nghị, giải pháp, khuyến nghị chính sách nhằm thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật về PCCC, đặc biệt là việc phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Thượng tá Nguyễn Đức Việt nhận định cần ra soát, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về PCCC đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn. Nâng cao nhận thức an toàn PCCC bằng cách xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi…

Với những thông tin mà các vị khách nêu ra trong chương trình, không chỉ hữu ích đối với các bên liên quan mà còn có giá trị đối với các cơ quan lập pháp trong việc xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trong công tác PCCC, giảm thiểu rủi ro, tai nạn và thiệt hại về người và tài sản do các sự cố cháy, nổ gây ra.

MINH HOÀNG

Tọa đàm 'Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy tại các công trình xây dựng: Gỡ vướng từ hệ thống pháp luật'

Lê Minh Hoàng