/ Bút ký Luật sư
/ Nâng cao vai trò đội ngũ Luật sư trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế

Nâng cao vai trò đội ngũ Luật sư trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III diễn ra trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành quả quan trọng và toàn diện trên tất cả các mặt, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đồng thời cũng đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhau. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh Covid-19 mang tính toàn cầu đã ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.

Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II.

Kể từ sau Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II, tháng 4/2015, đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong tổ chức và hoạt động, tạo sự chuyển biến rõ rệt trên tất cả các mặt hoạt động của Liên đoàn và các Đoàn Luật sư. Những thành công đó của Liên đoàn Luật sư Việt Nam dựa trên những mặt thuận lợi cơ bản. Trước hết là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt Bộ Tư pháp là cơ quan được Đảng, Nhà nước giao thống nhất quản lý Luật sư. Về nội bộ, đó là sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực của đội ngũ Luật sư trong cả nước, Hội đồng Luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Thường trực Liên đoàn; Ban Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật của các Đoàn Luật sư đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết để thực hiện các nhiệm vụ được giao; đội ngũ Luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư đã cùng chung tay góp sức xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam, xây dựng Đoàn Luật sư vững mạnh, trở thành mái nhà chung của đội ngũ Luật sư Việt Nam.

Mặt khác, xuất phát từ chủ trương cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, có thể khẳng định ít có một nghề nào ở Việt Nam mà thể chế pháp lý lại được quan tâm hoàn thiện như nghề Luật sư. Tất cả các bản Hiến pháp từ 1946, 1959, 1980, 1992 đến 2013 đều có quy định về Luật sư và nghề Luật sư. Luật Luật sư 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012, các Bộ luật Tố tụng hình sự, Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính năm 2015 và nhiều đạo luật khác đã thể chế hóa Hiến pháp đều có quy định nâng cao vị thế, tạo nhiều điều kiện cho Luật sư phát huy trong hoạt động tố tụng. Trên cơ sở đó, đã hình thành một hệ thống văn bản pháp quy tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ cho việc xây dựng thể chế và điều kiện phát triển nghề Luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư.

Đồng thời, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2019 phát triển ổn định và Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức thương mại quốc tế, ký kết nhiều hiệp định hợp tác kinh tế song phương, đa phương với nhiều quốc gia trên thế giới khiến nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của các chủ thể xã hội ngày một tăng không chỉ trong lĩnh vực tranh tụng các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính mà trong cả hoạt động tư vấn pháp lý cho cá nhân, doanh nghiệp. Nhận thức của người dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực khi nhìn nhận, đánh giá và sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư. Nghề Luật sư đang dần được xem như là một trong các yếu tố và giá trị không thể thiếu được trong việc phát triển nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì thế, đội ngũ Luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng đã góp phần xây dựng thị trường dịch vụ pháp lý có uy tín với xã hội, góp phần bảo vệ công lý và phát triển kinh tế, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Hơn thế nữa, thể chế về Luật sư và nghề Luật sư được hoàn thiện không chỉ bằng các quy định của pháp luật mà hoạt động của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư và tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư còn có một hệ thống các quy định nội bộ do Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành, từ Điều lệ đến các quy chế làm việc nội bộ của các cơ quan, đơn vị thuộc Liên đoàn. Đặc biệt là Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Từ đó, thể hiện rõ nét năng lực tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư và hoạt động hành nghề của Luật sư đã trở nên chuyên nghiệp và chuyên môn hóa.

Tuy nhiên, thông qua hoạt động nghề nghiệp, phục vụ cho sứ mệnh cao cả và các mục tiêu nói trên, đội ngũ Luật sư và hoạt động hành nghề Luật sư cũng đã bộc lộ một số mặt yếu, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thực trạng nói trên đang đặt ra nhu cầu cần hoàn thiện thể chế, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư và chất lượng cung ứng các dịch vụ pháp lý của Luật sư và nghề Luật sư; xây dựng đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư phát triển đúng hướng và vững chắc.

Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã phát triển về số lượng và chất lượng. Từ con số 9.436 Luật sư năm 2015, đến nay đã tăng lên 16.134 Luật sư (sau hơn 06 năm số lượng Luật sư tăng gần 6.700 Luật sư, tương đương 40%). Thực hiện định hướng chiến lược của Đảng, với chính sách, pháp luật và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực phấn đấu của tổ chức Luật sư và các Luật sư, trong những năm qua chất lượng đội ngũ Luật sư đã từng bước được nâng cao. Đa số các Luật sư có phẩm chất chính trị tốt, trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc, có ý thức phấn đấu đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước; giữ vững và phát huy những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

Để đạt kết quả nêu trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp để phát triển số lượng Luật sư như tăng cường các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của Luật sư trong xã hội. Thường trực Liên đoàn đã trực tiếp làm việc với nhiều Thường trực tỉnh, thành ủy để có những kiến nghị, đề xuất các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ Luật sư và hoạt động hành nghề của Luật sư tại địa phương; đề nghị chính quyền hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Đoàn Luật sư, hỗ trợ thêm kinh phí cho Luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng…

Thực hiện nhiệm vụ quan trọng nêu trên, trong nhiệm kỳ vừa qua, Liên đoàn Luật sư đã tập trung thực hiện một số giải pháp lớn như: tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Luật sư; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư; chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy nhân sự và hoàn thiện thể chế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam; kiện toàn về tổ chức, hoạt động của các Đoàn Luật sư; gia tăng kết quả hoạt động các lĩnh vực hành nghề hành nghề của Luật sư; chú trọng đúng mức công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư; thực hiện hạt động về khen thưởng và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật; đầu tư thỏa đáng cho công tác đối ngoại - hợp tác quốc tế và công tác truyền thông để quảng bá về Luật sư, nghề Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam trước Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Trong nhiệm kỳ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị pháp lý do các cơ quan Đảng, Nhà nước giao phó, trong đó có công tác tham gia góp ý, xây dựng pháp luật; công tác tham gia rà soát thủ tục hành chính; công tác trợ giúp pháp lý miễn phí; tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tham gia vào một số công tác xã hội khác.

Trong quan hệ với các bộ ngành ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương như quan hệ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn thể hiện là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm khi được giao hoặc yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ chính trị pháp lý có liên quan tới hoạt động hành nghề Luật sư và quản lý Luật sư và những nhiệm vụ mang tính xã hội và cộng đồng khác.

Đặc biệt trong năm 2019, 2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để chỉ đạo và phối hợp tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ các Đoàn Luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp tốt với Bộ Tư pháp trên tất cả các mặt công tác, như tuyên truyền giáo dục pháp luật; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật sư; công tác cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư; công tác cấp, đổi, thu hồi thẻ Luật sư, quản lý dữ liệu Luật sư; công tác chỉ đạo các Đoàn Luật sư tổ chức Đại hội nhiệm kỳ…

Đúc kết những thành quả đạt được và kinh nghiệm qua 02 nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ mới này, cần tập trung vào các phương hướng phát triển với một số nội dung sau:

1. Xây dựng một bộ máy hoạt động chuyên môn hóa và chuyên nghiệp, trong đó chú ý tới vị trí các chức danh được bầu trong các cơ quan Liên đoàn Luật sư Việt Nam như Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn, Chủ nhiệm một số ủy ban, đơn vị trực thuộc Liên đoàn. Các chức danh chủ chốt cần dành đủ thời gian cho công việc được giao để thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ được Luật Luật sư và Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam quy định. Đồng thời cần xây dựng cho được bộ máy giúp việc gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả.

2. Xây dựng cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan đơn vị trực thuộc Liên đoàn với Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật của các Đoàn Luật sư để xử lý hiệu quả các công việc đặt ra... Trong đó, chú ý tới công tác đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Luật sư, bồi dưỡng Luật sư, động viên khuyến khích Luật sư tham gia đóng góp vào những hoạt động chung của Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

3. Tiếp tục củng cố niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương về đội ngũ Luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức liêm chính, trong sáng, có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và cộng đồng xã hội; xây dựng tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và đội ngũ Luật sư. Đặc biệt là tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư có khả năng tập hợp đội ngũ Luật sư thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị - pháp lý do Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền giao phó; xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư luôn ý thức tinh thần phục vụ cộng đồng và phụng sự công lý.

4. Quan tâm phát triển đội ngũ Luật sư về số lượng và chú trọng bảo đảm chất lượng để đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.

5. Triển khai chiến lược quảng bá truyền thông về Luật sư, nghề Luật sư để các cơ quan nhà nước và nhân dân hiểu biết đầy đủ về những đóng góp của đội ngũ Luật sư trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Khích lệ tinh thần phục vụ cộng đồng, phụng sự công lý của đội ngũ luật sự, tạo động lực và nguồn cảm hứng cho đội ngũ Luật sư đóng góp vào xây dựng đất nước. Xây dựng hình ảnh Luật sư vì cộng đồng và vì công lý, làm cho mỗi Luật sư luôn có niềm tự hào và hãnh diện khi được đứng trong đội ngũ Luật sư. Nghề Luật sư là một nghề cao quý trong xã hội, mỗi Luật sư sẽ tự hào về nghề nghiệp mà mình đã theo đuổi và cống hiến trong cuộc đời.

Nhiệm kỳ II kết thúc, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã nhìn nhận và đánh giá về việc góp phần vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư ở Việt Nam với nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trên các mặt công tác và hoạt động. Số lượng Luật sư tăng lên cùng với chất lượng từng bước được khẳng định đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của xã hội. Niềm tin của Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư Việt Nam từng bước được khẳng định. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đang trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội với đội ngũ Luật sư.

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhận thức đầy đủ thuận lợi, khó khăn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục phấn đấu để tạo lập niềm tin vững chắc với Đảng, Nhà nước, tiếp tục đóng góp và xây dựng Liên đoàn Luật sư Việt Nam và nghề Luật sư ở Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh trong những năm tiếp theo, góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và công dân.

BBT

Nghề Luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai

Lê Minh Hoàng