/ Góc nhìn
/ Nên để người lao động được nghỉ chiều thứ Bảy

Nên để người lao động được nghỉ chiều thứ Bảy

16/05/2024 06:39 |

(LSVN) - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đây đã có đề xuất cho người lao động được làm việc dưới 48 giờ/tuần. Như vậy, có thể hiểu người lao động sẽ được nghỉ thêm trong giờ nghỉ trưa, nghỉ sớm hơn hoặc bắt đầu giờ làm muộn hơn so với bình thường hoặc nghỉ nửa ngày, 01 ngày thứ Bảy. Vấn đề cho người lao động khu vực tư nghỉ thêm giờ trong tuần đã được đề cập khi sửa đổi Bộ luật Lao động vào năm 2019 nhưng đến nay mới được nhắc lại, tiếp tục đề xuất.

Ảnh minh họa.

Mặc dù, cơ quan có thẩm quyền chưa đưa ra phương án cụ thể về cách thức để giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần nhưng theo tôi nên cho người lao động nghỉ ít nhất 01 nửa ngày làm việc - giảm 04 giờ so với hiện nay, tức 44 giờ/tuần là phù hợp. Người lao động được nghỉ như vậy là hợp lý, khi đó họ sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình việc riêng thay vì vài chục phút, vài giờ 'lắt nhắt' trong ngày làm việc.

Có thể khẳng định rằng, cho người lao động được nghỉ thêm thời gian là hợp lý, nhân văn. Bởi lẽ, hiện nay cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong khu vực nhà nước đã được nghỉ 02 ngày cuối tuần, tức chỉ làm việc 40 giờ/tuần. Trong khi làm trong khu vực tư nhân, ngoài nhà nước lại phải làm việc 48 giờ/tuần. Đây là điều chưa hợp lý, tạo bất bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư. Đó là chưa kể người lao động làm việc trong các nhà máy, công trường đa số là lao động chân tay, lao động phổ thông cần nhiều thời gian phục hồi hơn.

Một số ý kiến chủ yếu là từ phía các doanh nghiệp cho rằng nếu giảm giờ làm thì sẽ phải giảm tiền lương, thu nhập là không hợp lý, chưa thuyết phục. Bởi lẽ, nếu người lao động được nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe, tinh thần sảng khoái và có thêm thời gian rảnh rỗi để giải quyết việc nhà, việc riêng thì có thể nâng cao năng suất, chất lượng lao động tăng lên. Bên cạnh đó, vì thời gian nghỉ của người lao động quá ít nên nhiều người lao động không còn hứng thú với công việc, năng suất lao động thấp, thậm chí bỏ việc dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lực lao động, nhất là những người lao động có kinh nghiệm lâu năm, thợ lành nghề...

Về phía người lao động, một số người lo ngại giảm giờ làm có thể giảm lương, giảm thu nhập là cũng chưa đúng. Bởi vì lương vẫn phải thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng, phù hợp với năng suất lao động chung tăng lên do được nghỉ nhiều sức khỏe của họ tốt hơn. Mặt khác, khi quy định chỉ làm việc 44 giờ/tuần nhưng nếu người lao động vẫn đi làm vào chiều thứ Bảy sẽ được tính là làm việc vào ngày nghỉ nên được hưởng 200% lương theo quy định, nếu tăng ca thì vẫn có thêm thu nhập bình thường.

Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Namđể ban hành quy định cho phép người lao động ở khu vực tư được nghỉ thêm chiều thứ Bảy hàng tuần, tiến đến ngày là việc 40 giờ/tuần tương tự như cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong khu vực công.

Giảm giờ làm trong tuần cho người lao động là cần thiết, nhân văn, tiến bộ, nhất là khi đang có sự chệch giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định cho phép người lao động được nghỉ thêm vào ngày thứ Bảy, ít nhất là nghỉ vào chiều thứ Bảy, tức làm việc 44 giờ/tuần.

ThS, Luật gia PHẠM VĂN CHUNG

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum

Một số ý kiến góp ý đối với Đề cương chi tiết Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006

Nguyễn Hoàng Lâm