/ Trao đổi - Ý kiến
/ Mức hình phạt đối với Phan Văn Anh Vũ sau khi bị khởi tố thêm tội ‘Đưa hối lộ’?

Mức hình phạt đối với Phan Văn Anh Vũ sau khi bị khởi tố thêm tội ‘Đưa hối lộ’?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Nếu bị kết thêm tội “Đưa hối lộ” thì mức hình phạt đối với Phan Văn Anh Vũ vẫn không thay đổi, vẫn là 30 năm sau khi tổng hợp các bản án. Tuy nhiên, người đưa hối lộ trong trường hợp này có thể bị xử lý với khung hình phạt cao nhất là án tử hình.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại phiên phúc thẩm.

Liên quan đến vụ Phan Văn Anh Vũ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án "Đưa hối lộ" và "Môi giới hối lộ" xảy ra tại Thành phố Hà Nội. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 25/02/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Phan Văn Anh Vũ, sinh năm 1975, về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015; quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Hữu Hòa, sinh năm 1984, trú tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, về tội "Môi giới hối lộ" quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định tố tụng nêu trên.

Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79, có quân hàm Thượng tá ngành Công an) hiện đang chấp hành án tổng cộng 30 năm tù trong các vụ án đã xét xử: Làm lộ bí mật nhà nước, Vụ án liên quan đến Ngân hàng Đông Á (DAB); Vụ án về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng, TP. HCM...

Trước đó, TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với Phan Văn Anh Vũ cùng 20 bị cáo trong vụ thâu tóm nhà, đất công sản và dự án bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Theo đó, tòa tuyên phạt Vũ 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; và 08 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”; tổng hợp mức án là 25 năm tù. Cùng với ba bản án trước đó, Vũ phải chịu tổng hình phạt chung là 30 năm tù (mức án cao nhất cho tù có thời hạn).

Có người đưa hối lộ thì sẽ có người nhận hối lộ bị xử lý hình sự?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trường văn phòng Luật sư Chính pháp bày tỏ quan điểm: “Có người đưa hối lộ thì sẽ có người nhận hối lộ bị xử lý hình sự? Theo quy định của pháp luật, thì người đưa hối lộ là bất cứ người nào (có đủ năng lực hành vi dân sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là có thể trở thành chủ thể của tội danh này), còn đối với người nhận hối lộ phải là người có chức vụ, quyền hạn. Bởi vậy, nếu Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì có thể sẽ có người có chức vụ quyền hạn bị xử lý hình sự về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bộ luật Hình sự quy định hành vi đưa hối lộ là “trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ...”. Nếu hành vi đưa hối lộ với số tiền từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì người đưa hối lộ sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội danh này. 

Theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự nêu trên, thì hành vi đưa hối lộ có thể trực tiếp cho người có chức vụ quyền hạn hoặc qua người trung gian, môi giới. Nếu hành vi đưa hối lộ được thực hiện qua người trung gian thì người trung gian sẽ bị xử lý hình sự về tội "Môi giới hối lộ" theo Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất của tội danh này là đến 15 năm tù.

Luật sư Cường phân tích thêm, của hối lộ có thể là lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất. Cụ thể có thể là tiền, vàng, ngoại tệ, nhà đất... hoặc có thể là những lợi ích phi vật chất như, khen thưởng, thăng chức, đề bạt, hối lộ tình dục... Tội “Đưa hối lộ” hoàn thành khi người đưa hối lộ thực hiện hành vi đưa lợi ích vật chất, phi vật chất và kèm theo yêu cầu đối với người có chức vụ quyền hạn, nếu thực hiện đúng yêu cầu đó thì sẽ được hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ. Nếu người nhận hối lộ chưa đồng ý, chưa thực hiện thì tội phạm cũng đã hoàn thành, có thể xử lý.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trường văn phòng Luật sư Chính pháp.

Thời điểm đưa hối lộ có thể đưa trước khi đưa ra yêu cầu, đồng thời đưa ra yêu cầu hoặc sau khi người có chức vụ quyền hạn đã thực hiện yêu cầu của người đưa hối lộ. “Bởi vậy, nếu công việc chưa thực hiện, tài sản chưa nhận thì có thể chỉ xử lý hình sự về tội "Đưa hối lộ". Còn đối với người có chức vụ quyền hạn được (bị) đưa hối lộ nhưng chưa đồng ý nhận hối lộ (chưa đồng ý thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ để được hưởng lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất), đồng thời trình báo kịp thời với cơ quan chức năng thì không bị xử lý. Người bị đưa hối lộ trong tình huống này hành vi chưa cấu thành tội phạm, chưa có hành vi nhận hối lộ.

"Tuy nhiên, nếu trường hợp người đưa hối lộ đã đưa (hoặc hứa hẹn sẽ đưa) tiền, tài sản hoặc lợi ích phi vật chất khác cho người có chức vụ quyền hạn kèm theo yêu cầu. Đồng thời, người có chức vụ quyền hạn đã nhận (hoặc đồng ý sẽ nhận lợi ích vật chất, phi vật chất) và đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa thì tội phạm đưa hối lộ và tội nhận hối lộ đều đã hoàn thành. Người đưa hối lộ sẽ bị xử lý về tội “Đưa hối lộ” theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn người nhận hối lộ sẽ bị xử lý hình sự về tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn người trung gian, kết nối thông tin, chuyển giao tài sản hoặc công việc giữa hai bên sẽ bị xử lý hình sự về tội “Môi giới hối lộ” theo Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015", Luật sư Cường đánh giá.

Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội "Nhận hối lộ" như sau:

“Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng358 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”.

Như vậy, nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi nhận hối lộ đã gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Bởi vậy, trong quá trình điều tra vụ án này cơ quan điều tra sẽ làm rõ người đưa hối lộ là ai, của, tiền, tài sản hoặc lợi ích phi vật chất đưa hối lộ là gì, có thể trị giá bằng tiền là bao nhiêu? Người trung gian trong vụ việc này đã thực hiện các công việc gì, nhận thức ra sao, có ý nghĩa gì đối với việc móc nối giữa hai bên? Người có chức vụ quyền hạn khiến người đưa hối lộ đã đưa ra yêu cầu thực hiện công việc kèm theo những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất là người nào, người đó có đồng ý thực hiện công việc hay không, công việc đã thực hiện chưa, đã nhận tiền hoặc lợi ích vật chất chưa,... để làm căn cứ xử lý về hành vi đưa hối lộ, hành vi môi giới hối lộ và hành vi nhận hối lộ. 

Trường hợp xác định được của, tài sản hoặc lợi ích phi vật chất đưa hối lộ, xác định được người nhận hối lộ và công việc đã yêu cầu thực hiện, mọi thứ đã thực hiện xong thì trong vụ án này sẽ khởi tố cả 3 tội danh là tội đưa hối lộ, tội môi giới hối lộ và tội nhận hối lộ theo Điều 364, Điều 365 và Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó người nhận hối lộ có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình. Còn người đưa hối lộ và môi giới hối lộ chỉ bị xử phạt mức cao nhất là tù có thời hạn không quá 20 năm tù. 

"Như vậy, trong vụ án này nếu như Phan Văn Anh Vũ bị kết tội thêm tội "Đưa hối lộ" thì hình phạt cao nhất của người này vẫn không quá 30 năm sau khi tổng hợp hình phạt. Còn nếu có hành vi nhận hối lộ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì với số tiền trên 1.000.000.000 đồng, người nhận hối lộ có thể bị tử hình. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để làm căn cứ để xuất hướng xử lý đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật", Luật sư Cường nói.

MINH HIỀN

Thu tiền từ nền tảng mạng xã hội: Những 'khổng lồ công nghệ' vẫn đang thu lợi dựa trên truyền thông báo chí

Lê Minh Hoàng