/ Góc nhìn
/ Ngày xuân với các nhà báo

Ngày xuân với các nhà báo

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thêm một người nữa bị bắt trong vụ nhà báo lừa đảo chiếm đoạt 1 tỉ đồng ở Bắc Ninh. Điều đáng phải lưu tâm, suy nghĩ là thủ phạm lừa đảo giữ chức vụ Tổng thư ký của một Tạp chí mang tên Văn Hiến, thế mà Cơ quan điều tra nhận xét rằng “lợi dụng danh nghĩa nhà báo” để lừa đảo người “lâm vào tình cảnh cùng cực, thiếu hiểu biết pháp luật” và ông này “thiếu hợp tác” với Cơ quan điều tra. Không chỉ làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của người làm báo mà những đồng nghiệp cũng cảm thấy ngượng thay!

Ảnh minh họa.

Năm 2020, Tòa án tỉnh Phú Yên đã xử một cựu nhà báo 6 năm tù về hành vi “lừa đảo không có điểm dừng”. Năm ngoái 2 nhà báo bị khởi tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản” trong vụ tống tiền một Phó Chủ tịch huyện 25 tỉ đồng. Cũng vào thời điểm đó, một phóng viên nhận 20 triệu đồng bị bắt quả tang và tất nhiên có thoát khỏi vòng lao lý thì cũng “thân bại, danh liệt” cái giá quá đắt cho một khoản tiền không lớn!

Các vụ án về “nhà báo lừa đảo” hoặc “cưỡng đoạt tài sản” không phải hy hữu nhưng đó là các hành vi vi phạm pháp luật hình sự phải bị xử lý còn trong cách ứng xử thường ngày thiếu chuẩn mực, không giữ gìn tác phong, hình ảnh báo chí của một số phóng viên, nhà báo cũng khiến nhiều người không còn thiện cảm với báo chí nữa. Hành vi này diễn ra phổ biến đến nỗi hồi tháng 11 năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông phải ra một công văn chấn chỉnh và gọi đó là hành vi “sách nhiễu”. Thật là một từ chính xác diễn đạt một hiện tượng đáng xấu hổ, làm tiền một cách công khai dưới danh nghĩa cơ quan báo chí. Mới đây, chính quyền TP. Hồ Chí Minh cũng có động thái nhắc nhở, chấn chỉnh sự “sách nhiễu” này của các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn.

Nhà báo vốn được nhân dân tin tưởng bởi không ít lần báo chí lên tiếng bênh vực lẽ phải, dũng cảm đương đầu với cái xấu, cái ác và cả những sai trái của chính quyền. Báo chí cũng luôn luôn đứng về phía những người yếu thế, “thấp cổ, bé họng” trong xã hội, đi đến tận cùng sự việc để tìm ra sự thật. Minh chứng rõ ràng nhất là bài báo điều tra trở thành nguồn cung cấp và tố giác tội phạm hoặc việc các nhà báo đồng hành cùng Luật sư tìm ra sự thật, phanh phui khuất tất ở các vụ án lớn nhỏ khiến cho việc tiếp cận chân lý thuận lợi hơn. Chính vì thế mà những người làm báo được tin cậy và ai đó lợi dụng sự tin cậy này để làm tiền là một hành vi phi đạo đức và làm hỏng chính nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Người làm báo chân chính thì trước hết họ phải giữ gìn hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp đối với nghề báo của mình. Ở những người này, sự “sách nhiễu” là cái gì đó xa lạ với họ chứ chưa nói đến chuyện “lừa đảo” hay “tống tiền”.

Ở một môi trường có nhiều cái ác, cái xấu lộng hành, đồng tiền chi phối mạnh đến nhiều mối quan hệ xã hội thì cũng là cơ hội để nhà báo thể hiện bản lĩnh của mình với đặc trưng của báo chí và phẩm chất của người làm báo là “bút sắc, lòng trong” thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong cách ứng xử của mình mà không phải đợi ai phải “chấn chỉnh” cả!

NHỊ NGỌC

Đơn khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự được tiếp nhận từ nguồn nào?

Lê Minh Hoàng