/ Tư vấn
/ Nghi ngờ hành vi mua bán người nhưng không khai báo có phải là che giấu tội phạm?

Nghi ngờ hành vi mua bán người nhưng không khai báo có phải là che giấu tội phạm?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiện, tôi đang nghi ngờ một nhóm đối tượng ở địa phương dụ dỗ phụ nữ đi lao động nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán người. Tuy nhiên, vì chưa chắc chắn nên tôi không đến cơ quan công an để khai báo. Vậy, tôi muốn hỏi, nghi ngờ có hành vi mua bán người nhưng không khai báo có phải là che giấu tội phạm không? Bạn đọc Q.A (Đắk Nông) có hỏi.

Ảnh minh họa. 

Theo quy định tại Điều 18 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về che giấu tội phạm, người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Che giấu tội phạm" trong những trường hợp mà Bộ luật này quy định.

Bên cạnh đó, Điều 19 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về không tố giác tội phạm quy định, người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Không tố giác tội phạm" quy định tại Điều 390 của Bộ luật này. 

Như vậy, trong trường hợp mới chỉ là nghi ngờ về việc một nhóm đối tượng dụ dỗ phụ nữ đi lao động nước ngoài để thực hiện hành vi mua bán người, bản thân người nghi ngờ cũng không thể biết chính xác hành vi của nhóm đối tượng trên có đúng là để lừa mua bán người hay không, nên việc không đi trình báo công an để ngăn chặn không bị coi là hành vi che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm.

Tuy nhiên, khi phát hiện hành vi dụ dỗ, tuyển mộ người đi lao động nước ngoài nghi ngờ là để thực hiện hành vi mua bán người, người dân nên đến cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác để trình báo, cung cấp thông tin về những nghi vấn của mình như đã nêu ở phần trên để các cơ quan này tiến hành điều tra xác minh xử lý.

Pháp luật Việt Nam luôn khuyến khích động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân được tham gia tích cực vào công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Việc nghi ngờ về hành vi mua bán người của người khác, người dân hoàn toàn có quyền được đến cơ quan công an hoặc các cơ quan công quyền khác của Nhà nước để trình báo, cung cấp thông tin về những nghi ngờ của mình để các cơ quan này tiến hành các hoạt động điều tra xác minh và làm rõ có hay không có hành vi phạm tội mua bán người hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác để kịp thời xử lý.

PV

Kết thúc một năm nhiều biến động

Admin