/ Tích hợp văn bản mới
/ Người có thẩm quyền sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước trong Công an nhân dân

Người có thẩm quyền sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước trong Công an nhân dân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 17/04/2020, Bộ Công an đã ra Thông tư số 38/2020/TT-BCA quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong công an nhân dân. Nội dung nổi bật trong đó là quy định về người có thẩm quyền sao, chụp tài liệu bí mật nhà nước trong Công an nhân dân.

Ảnh minh họa.

Thông tư này quy định về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; sao, chụp, thống kê, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, mang ra khỏi nơi lưu giữ, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước; tổ chức hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; điều chỉnh độ mật, giải mật; phân công cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước; chế độ thông tin, báo cáo; trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Đối tượng áp dụng của Thông tư 38/2020/TT-BCA của Bộ Công an được áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên Công an nhân dân (gọi chung là cán bộ, chiến sĩ); đơn vị Công an cấp đội, đồn, trạm, tiểu đoàn, xã, phường, thị trấn trở lên (gọi tắt là đơn vị Công an nhân dân) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại Điều 4 Thông tư 38/2020/TT-BCA có quy định người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước gồm:

Điều 4. Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước
1. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tuyệt mật gồm:
a) Bộ trưởng Bộ Công an;
b) Cục trưởng, Viện trưởng, Tư lệnh của đơn vị trực thuộc Bộ; Chánh Văn phòng Bộ Công an, Chánh Thanh tra Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra;
c) Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, Giám đốc Học viện Quốc tế; Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân;
d) Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
2. Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ Tối mật, Mật gồm:
a) Những người quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân (trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này);
c) Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Công an;
d) Trưởng phòng và tương đương; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trung đoàn trưởng

Bên cạnh đó, ở Điều này cũng quy định người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước quy định tại khoản 1 và điểm a, b, c khoản 2 Điều này có thể ủy quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Việc ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước được thực hiện thường xuyên hoặc theo từng trường hợp cụ thể và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

Cấp phó được ủy quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm về quyết định cho phép sao, chụp của mình trước cấp trưởng, trước pháp luật và không được ủy quyền tiếp cho người khác.

Thông tư cũng quy định việc vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do cán bộ, chiến sĩ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước; giao liên, văn thư Bộ Công an; giao liên, văn thư Công an các đơn vị, địa phương thực hiện. Cán bộ, chiến sĩ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước chỉ vận chuyển, giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước khi được lãnh đạo đơn vị Công an nhân dân chỉ đạo.

Đối với việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ cũng được quy định rất chặt chẽ. Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở trong nước phải được người đứng đầu hoặc cấp phó được ủy quyền của người đứng đầu đơn vị Công an nhân dân trực tiếp quản lý bí mật nhà nước cho phép. Việc mang tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ để phục vụ công tác ở nước ngoài phải được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Thứ trưởng được ủy quyền cho phép và phải báo cáo Trưởng đoàn công tác.

Thông tư 38/2020/TT-BCA cũng quy định, cán bộ, chiến sĩ khi mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phải có văn bản xin phép người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này. Văn bản xin phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ phục vụ công tác trong nước, nước ngoài phải nêu rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác; tên loại, trích yếu nội dung, độ mật của tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; mục đích sử dụng; thời gian, địa điểm công tác; biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước.

Trong thời gian mang tài liệu, vật chứa bí mật Nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ, nếu phát hiện bí mật nhà nước bị lộ, bị mất, người mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải báo cáo ngay với người đứng đầu đơn vị Công an nhân dân trực tiếp quản lý, Trưởng đoàn công tác để có biện pháp xử lý và khắc phục hậu quả.

Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước mang ra khỏi nơi lưu giữ phải chứa, đựng, vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị bảo đảm an toàn do người đứng đầu đơn vị Công an nhân dân quản lý bí mật nhà nước quy định và phải bảo vệ trong thời gian mang ra khỏi nơi lưu giữ. Khi kết thúc nhiệm vụ phải báo cáo người có thẩm quyền cho phép mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ về việc quản lý, sử dụng bí mật nhà nước và nộp lại đơn vị.

NGỌC NHI

/tu-thang-12-2020-bao-chi-dua-tin-sai-su-that-phat-den-100-trieu-dong.html