/ Tin tức
/ Những chuyện ‘dở khóc dở cười’ trong ngày đầu học trực tuyến

Những chuyện ‘dở khóc dở cười’ trong ngày đầu học trực tuyến

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Cả học sinh và giáo viên đều bị ngắt kết nối Internet liên tục trong buổi học trực tuyến, “khuất mắt” bố mẹ là con chuyển ngay sang xem kênh giải trí hay làm việc khác… là những chuyện "dở khóc dở cười" trong ngày đầu tiên của năm học mới.

Sở giáo dục & Đào tạo Hà Nội khai giảng năm học mới qua mạng trực tuyến.

Học sinh, giáo viên đều lúng túng

Sáng ngày 06/9, gần 2 triệu học sinh Thủ đô đã bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học mới theo hình thức trực tuyến. Đây không chỉ là hoạt động tình thế để khắc phục khó khăn trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mà còn là hoạt động trọng tâm trong công tác đổi mới giảng dạy của nhiều nhà trường.

Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều phụ huynh có con học qua ứng dụng Zoom, cả học sinh và giáo viên đều bị ngắt kết nối Internet liên tục trong buổi học trực tuyến đầu tiên của năm học mới khiến cho việc học không đạt hiệu quả, tạo sự ức chế cho học sinh cũng như giáo viên.

Anh Ngọc Phương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, sáng đầu tiên con nhà anh đã rất hào hứng với buổi học đầu tiên của năm học mới sau hơn ba tháng nghỉ hè nhưng cuối cùng kết quả không được như mong đợi.

“Sáng sớm tôi cho con dậy sớm hơn mọi ngày, cho cháu mặc quần áo đồng phục học sinh và ngồi vào góc học tập như trên lớp. Nhưng tiết học chỉ vừa bắt đầu phần mềm đã bị đơ, cô nói gì không nghe và bị thoát ra khỏi phần mềm. Mỗi lần thoát ra như vậy, cô giáo lại gửi link phòng Zoom trên Zalo để cả lớp vào lại. Một buổi sáng mà bị như vậy  từ 5, 6 lần và rất khó khăn mới vào lại được, điều này tạo ra sự ức chế cho các con và mất đi cảm hứng truyền thụ của giáo viên”, anh Phương chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thủy (Long Biên, Hà Nội) cho biết, năm nay con chị vào lớp 1 nên chị rất lo lắng khi cháu bắt đầu học online.

“Cháu từ mới mầm non lên chưa biết mặt cô, chưa biết mặt bạn, cứ mở phòng học Zoom lên cháu cứ tưởng là xem chương trình giải trí nên đòi chuyển kênh. Ở độ tuổi của con, cần có sự chỉ bảo, uốn nắn từng li từng tí từ cách đứng cách ngồi đến chữ viết, nhưng nếu học online, chỉ dừng lại qua lời giảng của cô giáo trên màn hình, lúc này trẻ nhỏ sẽ không hiểu và tiếp thu được. Thêm vào đó là để cháu nhìn màn hình nhiều quá không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là mắt. Xét về hiệu quả thì chắc chắn là không hiệu quả bằng học trực tiếp và gây khó khăn cho trẻ nhỏ và cả phụ huynh học sinh”, chị Thủy cho biết.

Đối với các lớp trước đó đã học online thì năm học mới bắt đầu cũng không hề dễ dàng, thuận lợi. Chị Trần Ánh Ngọc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có con đang học lớp 7 cho biết: “Nhà tôi rất ít khi cho các con sử dụng điện thoại, máy tính. Bây giờ cháu học online, giao cho cháu máy tính cả ngày lại không phải lúc nào cũng giám sát được nên tôi cũng không yên tâm, có hôm tôi lén vào bàn học của cháu thấy máy tính đang mở 3 tab, một cái học Zoom, cái còn lại là làm việc riêng".

Đối với giáo viên, việc học online cũng gây nên những bất cập không chỉ ở phần mềm mà cả ý thức học của học sinh.

Cô L.B.T. giáo viên THCS tại quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Chúng tôi cũng đã được đào tạo để dạy online và dùng hết khả năng để truyền tải thông tin đến các em nhưng dạy online thế này cũng rất khó, các em thường làm việc riêng lúc học, đôi khi phần mềm có vấn đề như mất hình, mất tiếng ảnh hưởng rất lớn đến việc học".

 Một lớp học trực tuyến quan phần mềm Zoom.

Một số trường đã dần làm quen

Bên cạnh những khó khăn bất cập, nhiều trường qua thời gian dài thường xuyên dạy học trực tuyến, đến nay đã thành thạo hoạt động này vì thế đã không mất nhiều thời gian cho việc học trực tuyến trong năm học này.

Tại Trường Mầm non Hồ Tùng Mậu, vào các ngày chủ nhật dù không phải trực tiếp dạy học cho trẻ nhưng các cô giáo của trường vẫn tích cực xây dựng các video clip để gửi phụ huynh, hướng dẫn về việc chăm sóc con tại nhà.

Cô Thu Hiền, Trường Mầm non Hồ Tùng Mậu cho biết: “Sáng nay, tôi thực hiện quay nội dung hướng dẫn bố mẹ dạy trẻ gấp quần áo, tập thể dục cho các con. Các bài học khá đơn giản và dễ thực hiện theo. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh qua nhóm lớp ở zalo, facebook hỗ trợ, giải đáp kịp thời thắc mắc của phụ huynh khi chăm sóc con tại nhà. Dù việc quay hình mất khá nhiều thời gian tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện”.

Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh, phụ huynh học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, (Mỹ Đình 1, Nam Từ Liêm) cho biết: “Tôi thấy cháu học khá ổn, vì các cô cũng dạy giáo án điện tử quen rồi, nên cũng tạo được hứng thú cho các bạn, xem kẽ vào là các trò chơi giúp tiếp thu bài tốt hơn. Như thế này tôi thấy ổn, vì nếu tính ra cùng thời gian đó, các bạn ở nhà và không có người dẫn dắt học tập hay định hướng thì thời gian đó các bạn sẽ làm gì? Về phần học của cháu tôi thấy khá hài lòng, vì các cô có thể dạy được cho các con, hầu hết các môn, trừ có phần luyện viết thì chắc chắn sẽ khó khăn hơn, nhưng nó chỉ là 1 phần nhỏ trong các môn học thôi, sau này đến lớp thì sẽ học bổ sung nhiều hơn”, chị Hạnh chia sẻ.

Em Bùi Gia Tuệ Anh, một học sinh lớp 5 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Em thấy cô dạy khá dễ hiểu, nội dung nào không hiểu, chúng em có thể hỏi cô và được giải đáp ngay”.

Nhóm PV

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 NXB Giáo dục: Kết nối sai lệch với cuộc sống?

Lê Minh Hoàng