/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Những điểm mới trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Những điểm mới trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trong những ngày này, cả nước đang hướng đến Ngày bầu cử 23/5/2021, với điều kiện đặc biệt chưa từng có trong lịch sử, đó là do đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và trong nước. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, chặt chẽ, theo đúng kế hoạch, trình tự quy định của Luật Bầu cử và Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử quốc gia, thể hiện quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong việc thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Ngày 25/6/2015 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (Luật Bầu cử 2015). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2015  cho đến nay. Luật gồm 10 chương, 98 điều, quy định về: nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử; tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu; Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; danh sách người ứng cử; tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc, trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu bổ sung, tổng kết bầu cử; xử lý vi phạm về bầu cử… 

Xuất phát từ những quy định trong Hiến pháp và tính chất đặc biệt của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Luật Bầu cử 2015 đã luật định 4 nguyên tắc bầu cử: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bốn nguyên tắc này được hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng và được coi là phương thức bầu cử tiến bộ nhất hiện nay.

Bầu cử lần này, về trình tự thủ tục trong quy trình bầu cử không có sự thay đổi nhiều vì áp dụng Luật Bầu cử 2015 và hướng dẫn đã có trước đây, song cũng có những điểm mới mà người thực hiện công tác bầu cử và cử tri cần phải biết. Trong những năm qua, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Bộ luật Lao động có sửa đổi, bổ sung nên cũng có tác động đến công tác bầu cử. Do đó, các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng có nhiều điểm mới để phù hợp với quy định của các luật mới sửa đổi, là cơ sở để các cơ quan, tổ chức triển khai áp dụng thực hiện.

 Thứ nhất, về điều kiện quốc tịch khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

Khi thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi, bổ sung 2020); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung 2019) thì người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải bảo đảm tiêu chuẩn chỉ có 01 quốc tịch Việt Nam.

Thứ hai, về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. 

- Về số lượng đại biểu HĐND giảm đều ở từng cấp tùy thuộc vào số dân và loại hình đơn vị hành chính là đồng bằng, miền núi, vùng cao, hải đảo. Số lượng đại biểu HĐND cấp xã giảm 4 đến 6 đại biểu; Số lượng đại biểu HĐND giảm 5 đại biểu; Số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh giảm 10 đại biểu. Số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh giảm 10 đại biểu (từ 105 xuống còn 95 đại biểu).

- Về cơ cấu của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu được ấn định là 500 đại biểu (bằng số đại biểu Quốc hội khóa XIV), nhưng cơ cấu đại biểu chuyên trách sẽ tăng 5% so với nhiệm kỳ trước. 

- Cơ cấu của Thường trực HĐND, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách có sự thay đổi ở tất cả các cấp theo hướng giảm số lượng đại biểu trong cơ cấu. 

Thứ ba, việc xác định độ tuổi theo Bộ luật Lao động năm 2019

Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Trong đó có quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Do đó, việc chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cũng có thay đổi để phù hợp với quy định của Bộ luật lao động.

- Việc tính tuổi được áp dụng đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là cán bộ, công chức, viên chức. Cán bộ, công chức, viên chức lần đầu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội, HĐND trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa (nam sinh từ tháng 02/1966, nữ sinh từ tháng 01/1971 trở lại đây). Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ trở lên tính đến tháng 5/2021 (nam sinh từ tháng 8/1963, nữ sinh từ tháng 7/1968 trở lại đây).

- Những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong lực lượng vũ trang thực hiện theo độ tuổi quy định tại Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân.

- Đối với trường hợp tuổi ứng cử cao hơn, như ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các hội theo Kết luận số 58-KL/TW ngày 12/9/2019 của Ban Bí thư do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Thứ tư, về hoạt động triển khai công tác bầu cử

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên ngay từ giữa năm 2019, chúng ta đã có Đề án phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đề án này đã được Hội nghị 12, BCHTW thông qua. Đây là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 và Thông báo 174-TB/TW ngày 08/6/2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia. Từ đây, các công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Đồng thời các tiểu ban chuyên môn, bộ máy tham mưu của đã được kiện toàn. Các hoạt động này đã tạo sự chủ động trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm các điều kiện cở vật chất cho cuộc bầu cử năm 2021.

Để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, ngoài Luật Bầu cử hiện hành, chúng ta còn có 25 văn bản hướng dẫn bầu cử của: BCH Trung ương; Quốc hội; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Ủy ban kiểm tra Trung ương; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Nội vụ; Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết liên tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Chính phủ - Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Hội đồng bầu cử Quốc hội; Hội đồng bầu cử Quốc gia; Ban Tổ chức Trung ương; Ủy ban Trung ương, Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Ban Tuyên giáo TW... hướng dẫn thực hiện. Như vậy, mọi quy định của pháp luật về bầu cử đã tạo ra những cơ chế rộng rãi nhất, thuận lợi nhất, dân chủ nhất để người dân phát huy tối đa quyền làm chủ của mình. 

Theo thông báo của Hội đồng Bầu cử quốc gia với giới truyền thông về danh sách chính thức 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV ở 184 đơn vị bầu cử để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội. Trong đó có 393 ứng viên nữ (chiếm 45,28%, tăng 6,31%) so với khóa XIV. Về trình độ chuyên môn, có 564 người trên đại học (gần 65%); trình độ đại học 294 người (gần 34%). Trong quá trình hiệp thương, các cơ cấu kết hợp đã được cân nhắc kỹ để bảo đảm tính đa dạng, đại diện cho mọi vùng miền, mọi tầng lớp, thành phần xã hội. 

Để giảm thiểu các ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh trong trường hợp có lây lan, bùng phát, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 như: Văn bản số 660/HĐBCQG-VP ngày 06/5/2021 về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử; Văn bản số 234/HĐBCQG -TBVBPLTTTT của Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn việc lập danh sách cử tri, phương án thực hiện bỏ phiếu đối với các trường hợp đang cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương có dịch bệnh phát sinh; Văn bản số 214/VPHĐBCQG-TT ngày 8/5/2021 về việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri, phát thẻ cử tri trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban Trung ương MTTQ quốc Việt Nam đã ban hành Văn bản số 61/HD-MTTW-BTT ngày 4/5/2021 để hướng dẫn về tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19... 

Hiện nay, để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, các tỉnh, thành phố đã thực hiện tạm dừng các hoạt động, loại hình dịch vụ không thiết yếu; các trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học tập theo hình thức trực tuyến, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể để các địa phương thực hiện quyền bầu cử của cử tri đối với người lao động sinh viên, học viên đã trở về địa phương do dịch bệnh. Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử.

Ở các địa phương đã công khai danh sách cử tri, tuyên truyền công tác bầu cử trên nền tảng mạng xã hội zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo dân chủ và điều chỉnh linh hoạt. Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...

Có thể khẳng định, đến nay cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất, chúng ta quyết tâm tổ chức bảo đảm tiến hành một cách thật sự dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công trong mọi hoàn cảnh.

Đối với cử tri, tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là quyền cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, người dân thực hiện quyền dân chủ bằng cách lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND. Vì vậy, việc lựa chọn những người bảo đảm tiêu chuẩn, xứng đáng đại diện cho mình tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu và trách nhiệm của mỗi người. Cử tri phải trực tiếp thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, không bầu hộ, bầu thay, cần có lựa chọn một cách sáng suốt những chính khách đại diện cho mình.

Sinh thời Bác Hồ đã nói “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng Nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”. Hiến pháp năm 2013 cũng đã nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân,… Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân”. Chính vì vậy, đi bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là dịp để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra sau thành công của Đại hội XIII của Đảng và cũng ngày hội lớn của toàn dân. Thêm một lần nữa khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, để hoàn thành công cuộc đổi mới đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam.   

T.V.C  

Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có thể bị xem xét lại trong trường hợp nào?

 

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2021): Tháng Năm nhớ Bác

(LSVN) - Cứ đến ngày 19/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ ai cũng muốn có một món quà kính tặng Người. Nhưng với Bác Hồ, Người từng nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc” và chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy.

Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo tại chiến khu Việt Bắc ngày 19/5/1953. Ảnh TTXVN.

Từ năm 1946 đến nay, nhân dân ta có thêm một ngày kỷ niệm trọng đại - Ngày 19 tháng Năm - sinh nhật Bác Hồ.

Đó không phải là lễ nghi “văn hóa sinh nhật”, cũng không có nghĩa sùng bái trong “văn hóa chúc thọ”; chỉ thuần là thói quen, nếp đạo lý của dân tộc mà thôi. Ngày ấy, nhân dân một nước tự do độc lập, sống những giờ phút đặc biệt trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi, tự hào, với tấm lòng tràn ngập tình yêu thương kính trọng Bác Hồ.

Trong 24 năm làm Chủ tịch nước (02/9/1945-02/9/1969), Bác Hồ có 2 lần sinh nhật đặc biệt - là lần đầu tiên của cuộc đời lãnh tụ (19/5/1946) và lần cuối cùng khi Người “Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” (19/5/1969).

Lần đầu tiên là ngày 19/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức sinh nhật nhưng lại để làm nguyên cớ cho đấu tranh ngoại giao.

Khi đó, Người tự tổ chức buổi sinh nhật trong tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp đón Cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu, nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Hồ Chủ tịch - vị Thượng khách của nước Pháp.

Sinh nhật tuổi 56 lúc ấy, như Bác nói với đồng bào: “Chưa có gì đáng chúc thọ” nhưng đối với kẻ thù đang đe dọa nền tự do độc lập vừa giành lại được, đây lại là cái cớ Người buộc D’Argenlieu phải đến để đối thoại với hy vọng: “Cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”.

Cũng nhân việc “các nhà báo ở đây đã làm to ngày sinh nhật của tôi”, Bác có dịp tốt tiếp xúc với nhân dân, tự vệ, hướng đạo, đại biểu Nam Bộ, với các giới, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng; Bác tặng các đại biểu thiếu nhi cây bách tán và mong: “Cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt''. Bác cũng kết hợp nói chuyện, giáo dục nếp sống mới và cần kiệm liêm chính.

Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, một quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến của đất nước được mở ra; cũng đồng thời có một “tiền lệ mới” được đặt ra như một nếp đạo lý của dân tộc: Mừng sinh nhật Bác Hồ.

Thực ra Bác chỉ muốn và đã có một ngày sinh nhật chung, như trong thư ngày 19/5/1948 gửi Quốc hội và Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, Người viết: “Tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày cách mạng giải phóng thành công tháng Tám năm 1945”.

Khi phải tạo ra sinh nhật riêng như một tiền lệ, Bác luôn thấy “trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên” (Chờ cho kháng chiến thành công đã/Bạn hãy ăn mừng sinh nhật ta). Vì vậy Người đã sử dụng ngày kỷ niệm cá nhân theo phong cách khác biệt.

Những năm Chính phủ và Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Bác rất xúc động và thường dành lúc này để nói về những việc phải làm, về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến.

Có lần (năm 1948) Bác rơm rớm nước mắt đề nghị dành bó hoa mừng sinh nhật để viếng mộ người phục vụ nấu ăn cho Bác vừa mới qua đời vì căn bệnh sốt rét ác tính.

Rồi cũng nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 (năm 1950), Bác đã truyền lửa cho cán bộ chiến sĩ, đồng bào niềm tin yêu lạc quan hăng say làm việc:

“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên/Ăn khoẻ, ngủ khoẻ, làm việc khoẻ/Trần gian như thế kém gì tiên”.

Những năm đất nước bị chia cắt, Bác căn dặn các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm tốn thời giờ, tiền của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Người lý giải: “Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào… Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn".

Để tránh những nghi lễ vào dịp sinh nhật của mình, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương nhưng Bác dặn trước các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức chiêu đãi linh đình…

Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí; sau ngày 19/5,  Người viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, cơ quan, đoàn thể ở trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác những tình cảm tốt đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành tích mới trong lao động sản xuất.

Quà sinh nhật đối với Bác rất quý vì đó là tấm lòng người dân. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Cứu Quốc dịp sinh nhật năm 1949, Người nói: “Món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Bác nhắc: “Mừng sinh nhật tôi, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi”. Bác dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, các loại quà mà các nơi gửi đến biếu Bác để tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ.

Lần sinh nhật năm 1969, giữa lúc chiến tranh lan ra cả nước còn đang ác liệt. Thư ký riêng của Bác, ông Vũ Kỳ kể lại: Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Bác không đồng ý về việc đưa ngày 19/5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970 và yêu cầu “tiền bạc dùng để tuyên truyền ngày sinh của Bác… nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, chớ lãng phí”. Trước lời xin phép của Trung ương, nghĩ đến miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác miễn cưỡng đồng ý tổ chức sinh nhật và giục: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.

Ngày 19/5/1969 như bao lần trước, Người tiếp khách và mời: “Các chú uống nước, ăn bánh kẹo và chúc thọ Bác đi. Nhớ lấy phần về cho các thím và các cháu”…

Vẫn nếp quen 9h sáng đúng ngày sinh của mình, Bác xem lại và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Vẫn bình thường trong ngày sinh của mình, Bác tiếp khách đến chúc thọ, gửi tặng tỉnh Nghệ An, Nhà máy Xi măng Hải Phòng tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới lời nhắc nhở: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; viết thư cho các cháu thiếu niên HTX Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Sau đó Bác gửi điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; điện cảm ơn Chủ tịch Trịnh Đình Thảo và Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; thư cảm ơn chung Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các lãnh đạo, chính phủ và nhân dân các nước anh em, bạn bè quốc tế.

Sinh thời, “Bác sống như trời đất của ta”, tháng Năm là tháng phát động phong trào thi đua lập thành tích mừng sinh nhật Bác. Nhân dân ở hậu phương ra sức sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu để Bác vui khỏe đến ngày hòa bình thống nhất Tổ quốc; nhân dân ở tiền tuyến ra sức đánh giỏi, thắng lớn để giải phóng miền Nam được “Rước Bác vào thăm thấy Bác cười”.

Khi Người “Vào cuộc trường sinh, nhẹ cánh bay”, đất nước mừng thọ Bác mà ngỡ “Chắc như thường lệ. Người đi vắng”; Chính phủ tổ chức ngày sinh của Bác luôn chú ý làm theo ý Bác về tiết kiệm, thiết thực. Trong lòng mỗi người dân Việt Nam bâng khuâng nhớ Bác Hồ kính yêu - Người sống trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, hy sinh tất cả vì nước vì dân, là tấm gương trong sạch, thanh cao về đạo đức.

Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy mãi mãi làm cho Bác Hồ trở nên cao đẹp, tấm gương mẫu mực về đạo đức làm người cao đẹp nhất. Mỗi người dân Việt Nam đều chung một tình cảm: Bác Hồ vẫn đang sống cùng non sông, đất nước, vẫn luôn thấy “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” trong tất cả các thời kỳ lịch sử, trong bất cứ thắng lợi nào của đất nước và dân tộc.

Khi ta soi chung tấm gương lớn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hãy nhớ lời Bác: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Vì lợi nước, quên lợi nhà”; thiết thực kỷ niệm sinh nhật Bác là học những bài học quý giá từ Bác, làm theo những việc làm giản dị, khiêm tốn, thể hiện đúng bản chất của người “công bộc”, người “đầy tớ” của nhân dân!

HÀ MINH HỒNG/VGP

Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có thể bị xem xét lại trong trường hợp nào?

Quy định về biện pháp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng

(LSVN) - Biện pháp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng được quy định cụ thể tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ. Nghị định quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. 

Tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Tại Điều 27 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, trường hợp dùng tài sản chung của vợ chồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là số dư tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chứng khoán hoặc động sản khác theo quy định của pháp luật không phải đăng ký thì vợ hoặc chồng đứng tên người gửi tiền, chứng khoán hoặc đang chiếm hữu động sản được tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp sau đây:

- Chế độ tài sản theo thỏa thuận có quy định khác hoặc vợ chồng có thỏa thuận khác và bên nhận bảo đảm đã được cung cấp thông tin về quy định này hoặc về thỏa thuận này;

- Vợ chồng và bên nhận bảo đảm có thỏa thuận khác.

Trường hợp vợ chồng thỏa thuận về việc một bên dùng tài sản chung để góp vốn vào pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội hoặc để thành lập doanh nghiệp tư nhân thì người góp vốn, người đứng tên chủ doanh nghiệp tư nhân được tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến phần vốn góp trong pháp nhân, tài sản thuộc doanh nghiệp tư nhân.

Trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận bằng văn bản về việc dùng tài sản chung để góp vốn theo quy định tại khoản này nhưng việc góp vốn đã được thực hiện theo đúng thủ tục được quy định trong pháp luật liên quan mà người không trực tiếp kinh doanh biết hoặc phải biết về việc góp vốn nhưng không phản đối thì coi như đã có thỏa thuận.

Trường hợp hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập theo quy định trên mà vợ chồng ly hôn thì người đã xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã được xác lập, trừ trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyết định khác.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

PHƯƠNG HOA

Xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành

Admin