/ Góc nhìn
/ Những nạn nhân của quyền lực

Những nạn nhân của quyền lực

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Vụ án dùng thủ đoạn và quyền lực vòi tiền và chiếm đoạt của một số cán bộ thuộc đoàn cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) không phải là một vụ hối lộ nữa. Mà giờ đây, theo kết luận điều tra của Công an, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 bị can với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Như vậy, những người đưa tiền cho một số cán bộ đoàn thanh tra này (hơn 2 tỉ đồng) thoát khỏi hành vi đưa hối lộ và họ trở thành nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản.

Ảnh minh họa.

Thủ đoạn của các cán bộ thanh tra vòi tiền này chẳng có gì tinh vi và mới mẻ cả: Họ không lập biên bản hoặc sửa chữa biên bản, gửi những sai phạm của chính quyền, doanh nghiệp đến đương sự và nếu muốn bỏ qua hoặc giảm nhẹ thì đưa tiền cho họ. Thủ đoạn tham nhũng này không những chẳng tinh vi mà ngược lại, trắng trợn và thô bạo. Cái mới của hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" ở vụ này là bà trưởng đoàn thanh tra vượt thẩm quyền, dám thanh tra cả những lĩnh vực không được phép thanh tra (các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư), thế mà địa phương vẫn phải nghe răm rắp và "cung tiến" đủ mọi thứ theo yêu cầu. Cái mất lớn nhất trong vụ án này là niềm tin của nhân dân, làm ô danh đội ngũ thanh tra, thanh tra chuyên về lĩnh vực chống tham nhũng thì lại tham nhũng thì tình trạng tham nhũng không những ổn định mà còn phát triển là lẽ đương nhiên!

Ở một diễn biến khác, cũng có bóng dáng nạn nhân của quyền lực. Mới đây, bà cựu Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai bị kỷ luật cảnh cáo vì ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu. Những người được bổ nhiệm trong "chuyến tàu vét" của bà ta cũng rất có thể trở thành nạn nhân khi cấp có thẩm quyền xem xét lại các vụ bổ nhiệm này và vô hiệu hóa một số chữ ký của bà ta. Trường hợp này đã có tiền lệ từ trước đây, không công nhận các trường hợp được bổ nhiệm khi người ký bổ nhiệm sắp sửa về hưu.

Hai trường hợp nạn nhân kể trên dù sao thì cũng có phần lỗi của họ, họ chạy chọt, nộp tiền để thanh tra bỏ qua hoặc để được bổ nhiệm (không ai làm phúc ký không cho anh được bổ nhiệm cả, và việc bổ nhiệm đầy khuất tất), chính họ đã góp phần làm hư hỏng đội ngũ cán bộ vốn nêu cao tinh thần "liêm chính, chí công, vô tư" của chúng ta. Họ cũng sẽ bị trừng phạt nhưng theo một cách khác, đó là "tiền mất, tật mang".

Mấy năm trước, một ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng ký cho gần 400 giáo viên được chuyển vùng trước khi chuyển về hưu. Bị phát hiện, các giáo viên này lại phải về nơi cũ, sau lại phải chạy tiếp để được chuyển vùng. Đó là một minh chứng rất rõ cho tình trạng nạn nhân của quyền lực!

NHỊ NGỌC

/bao-chot-141-tre%cc%82n-facebook-bi-xu-phat-trong-truong-hop-nao.html