/ Nghề Luật sư
/ Những người thầy trong nghề Luật sư của tôi

Những người thầy trong nghề Luật sư của tôi

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - "Từ ngày đó, tôi cùng anh lăn lộn trên mọi nẻo đường sông rạch của Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều vụ án khác nhau. Trong đó vụ án “Bĩnh Họt”, buôn lậu ở Kiên Giang để lại cho tôi bài học kinh nghiệm sâu sắc của nghề nghiệp. Có thể nói rằng anh là một trong số ít Luật sư có phương pháp nghiên cứu hồ sơ khoa học và kỹ lưỡng đến vậy. Đi “cãi” cùng anh, thích nhất là được xem hồ sơ anh chuẩn bị, dù là án dân hay án hình, to hay nhỏ đều vậy".

Đoàn bào chữa viên nhân dân tỉnh Hậu Giang năm 1989.

Không có anh ấy, không có ngày hôm nay

Luật sư Nguyễn Xuân Mai sinh là người đầu tiên dẫn dắt tôi vào nghề, người anh cả Chủ nhiệm lâm thời Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang, tiền thân của ba Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang.

Anh sinh năm 1947, nguyên là Trưởng đoàn bào chữa viên nhân dân tỉnh Hậu Giang cũ từ năm 1983, thuộc Sở Tư pháp tỉnh. Năm 1984, tôi vào nhận công tác tại sở này với trách nhiệm là cán bộ quản lý Tòa án địa phương.

Một ngày mùa hè năm 1985, anh Mai cùng chú Huỳnh Út - Phó Giám đốc Sở kêu tôi uống cà phê. “Đoàn bào chữa đang thiếu người, không đáp ứng được yêu cầu của Tòa án trong việc chỉ định bào chữa cho bị cáo có mức án cao nhất, em tham gia đoàn nhé” - Anh Mai nói. Ngày hôm sau, mọi thủ tục hoàn thiện, tôi có trong danh sách Đoàn bào chữa. Nghề Luật sư đến với tôi thực sự đơn giản và bất ngờ.

Từ ngày đó, tôi cùng anh lăn lộn trên mọi nẻo đường sông rạch của Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều vụ án khác nhau. Trong đó vụ án “Bĩnh Họt”, buôn lậu ở Kiên Giang để lại cho tôi bài học kinh nghiệm sâu sắc của nghề nghiệp. Có thể nói rằng anh là một trong số ít Luật sư có phương pháp nghiên cứu hồ sơ khoa học và kỹ lưỡng đến vậy. Đi “cãi” cùng anh, thích nhất là được xem hồ sơ anh chuẩn bị, dù là án dân hay án hình, to hay nhỏ đều vậy.

Chúc anh cháy mãi niềm đam mê nghề nghiệp.

Trong cái rủi có cái may

Năm 1990, Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang được thành lập gồm 03 Luật sư chính thức và 01 Luật sư tập sự: Luật sư Nguyễn Xuân Mai, Luật sư Phạm Xuân Định, Luật sư Nguyễn Trường Thành và Luật sư tập sự Nguyễn Văn Trinh. Luật sư Phạm Xuân Định là Trưởng ban Khen thưởng - Kỷ luật lâm thời và sau đó anh là Trưởng ban Khen thưởng - Kỷ luật khóa đầu tiên của Đoàn.

Trước năm 1975, Luật sư Phạm Xuân Định làm ở Tòa thượng thẩm Sài Gòn. Sau giải phóng miền Nam, anh làm Trưởng ban Pháp luật của Mặt trận Tổ quốc tỉnh rồi tham gia bào chữa viên nhân dân. Cho tới lúc này, anh vẫn là Luật sư duy nhất của Đồng bằng sông Cửu Long trúng cử đại biểu Quốc hội.

Năm 1993, tôi nhận bào chữa cho một bị can bị bắt theo lệnh truy nã của Công an Thanh Hóa và Lai Châu trong vụ án buôn lậu liên quan đến Hải quan Lai Châu và nhiều nơi khác. Thù lao bào chữa trị giá 15 triệu. Tôi đến Phòng Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa bằng đường tàu hỏa và chờ ở thành phố này hết tuần để đăng ký cấp giấy nhưng họ chưa cấp, đành quay lại Cần Thơ và trở lại lần thứ hai sau đó 10 ngày. Tôi nhận được trả lời bị can đã bỏ trốn trên đường áp giải lên Lai Châu.

Câu chuyện trên không có gì để nói nếu không có việc hai năm sau vợ bị can làm đơn gửi đến Đoàn Luật sư đòi lại tiền thù lao bào chữa.

Luật sư Phạm Xuân Định là Trưởng ban Khen thưởng - Kỷ luật nên anh trực tiếp giải quyết. Anh mời tôi đến nhà hỏi rõ vụ việc, đặc biệt là quá trình thực hiện công việc của Luật sư có lưu giữ lại hồ sơ, tài liệu gì không?

Thực tình mà nói thời điểm đó tôi chỉ giữ được hai cái vé tàu hỏa, tôi nói với anh.

Anh lẳng lặng vào phòng làm việc đưa ra cho tôi ba bộ hồ sơ vụ việc mà anh là Luật sư bào chữa trước 1975 ở Tòa thượng thẩm Sài Gòn. Bìa hồ sơ vụ án đã ố vàng qua năm tháng, in dấu thời gian nhưng những tài liệu còn lưu giữ trong đó thì thật quý giá. Tôi chợt hiểu hơn về nghề Luật sư từ ngày ấy. Có những vụ án, đặc biệt là án dân sự, 10 năm, 20 năm sau thân chủ sẽ tìm đến Luật sư để xin lại những tài liệu lưu trữ trong đó khi họ vô tình làm mất.

Thời gian trôi đi, tôi vẫn thầm cảm ơn anh không phải vì việc anh đã bảo vệ tôi trước Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố mà vì sau đó, cái bìa hồ sơ vụ án nó đã theo suốt nghề nghiệp của tôi và các đồng nghiệp trong Văn phòng Luật sư Vạn Lý cho đến bây giờ.

Nghệ thuật hùng biện - điều không thể thiếu đối với Luật sư tranh tụng

Bạn sẽ không bao giờ trở thành một Luật sư tranh tụng giỏi nếu như bạn không có năng khiếu hoặc không tạo ra cho mình một “nghệ thuật hùng biện” - Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, nguyên Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, cũng là một trong số ít Luật sư đã là đại biểu Quốc hội, đã nói với tôi như vậy.

Trong chặng đường hành nghề, tôi may mắn được “cãi” chung với anh nhiều vụ án.

Lần đầu là vụ án “Bĩnh Họt”, đây là vụ án buôn lậu lớn nhất cả nước ở những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Vụ án có mặt nhiều Luật sư danh tiếng của TP. Hồ Chí Minh tham gia bào chữa như Luật sư Phạm Quốc Hưng, Luật sư Đoàn Mộng Thu...

Hồi đó còn là bào chữa viên nhân dân, cùng với Luật sư Trịnh Đình Ban, tôi bào chữa cho Bĩnh Họt. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe Luật sư Nguyễn Đăng Trừng tranh tụng và cho đến nay, tôi nghĩ, anh ấy là một trong số ít Luật sư tranh tụng có nghệ thuật hùng biện tuyệt vời.

“Chúng ta không ai có quyền quên đi lịch sử mà đó lại là lịch sử anh hùng. Mà không chỉ một lần anh hùng mà đến hai lần anh hùng, không chỉ một người anh hùng mà có đến hai cha con anh hùng. Những người mà tuổi thanh xuân họ đã cống hiến hết cho Nông trường quốc doanh sông Hậu, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Tại sao chúng ta lại khởi tố, truy tố và tuyên người anh hùng ấy 08 năm tù?”. Đây là một đoạn trích trong bài bào chữa của Luật sư Nguyễn Đăng Trừng bào chữa cho chị Ba Sương trong phiên tòa phúc thẩm của TAND TP. Cần Thơ.

Học gì từ Luật sư đồng nghiệp trong những vụ án lớn?

Nói về tuổi nghề thì tôi nhiều hơn Luật sư Phan Trung Hoài, bởi lẽ khi tôi bắt đầu làm Luật sư từ năm 1985 thì anh còn làm ở Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh. Trong suy nghĩ của tôi, Luật sư Phan Trung Hoài là hình mẫu mà nhiều Luật sư mơ ước, ngưỡng mộ.

Lần đầu tiên tôi tham gia vụ án Tamexco (Công ty XNK Tân Bình) và gặp anh. Khi đọc hồ sơ vụ án, tôi được tiếp xúc với những bản kiến nghị gửi Cơ quan Tố tụng trong giai đoạn điều tra và kiểm sát điều tra, tôi hơi ngạc nhiên vì thông thường, các Luật sư đều giữ bí mật chứng cứ cho đến khi ra tòa, ngay chính tôi cũng vậy. “Luật sư nên kiến nghị những vấn đề chưa đúng, chưa đủ đối với thân chủ của mình, nếu Cơ quan tố tụng chấp nhận, thời gian vụ án sẽ không kéo dài”, anh nói.

Điều đặc biệt là ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi tiến hành bào chữa cho bị cáo, anh đều gửi trước luận cứ của mình để Hội đồng xét xử tiện theo dõi.

Kỷ niệm sâu sắc nhất có lẽ là vụ án Công ty XNK Kiên Giang, khi chúng tôi gồm các Luật sư ở nhiều tỉnh thành tham gia: Luật sư Đoàn Đông Trường (TP. Hồ Chí Minh), Luật sư Hồ Mạnh Hùng (Hà Nội), Luật sư Nguyễn Huy Được (Bà Rịa - Vũng Tàu) - sau này anh là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội.

Sáng hôm đó, tôi cùng Luật sư Được đến tòa sớm và là người bào chữa trước thì nhận được tin nhắn: “Hai chú cãi thế nào để kéo dài thời gian ít nhất 30 phút. Anh đến muộn vì còn in luận cứ”. Tôi và Luật sư Được trình bày cả giờ mới thấy Luật sư Hoài đến. Anh ấy say mê thuyết trình, đó thực sự là một bản luận cứ có lý, đủ tình.

Sau này tôi tham gia cùng anh trong nhiều vụ án lớn khác, trong đó có vụ Tân Trường Sanh mới thấy hết sự chuẩn bị công phu kỹ lưỡng của anh cho một vụ án.

Luật sư Phan Trung Hoài hình như sinh ra để làm nghề Luật sư và là Luật sư của những vụ án lớn. Anh cho rằng làm Luật sư không nặng về thắng thua, vấn đề là thông qua hành nghề để ngày càng nâng cao vị thế Luật sư trong cộng đồng và trong hệ thống tư pháp, vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Luật sư NGUYỄN TRƯỜNG THÀNH 

Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ

Nhà giáo – Luật sư trong sự nghiệp đào tạo phát triển đội ngũ Luật sư

Lê Minh Hoàng