/ Tin nổi bật
/ Những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III

Những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong nhiệm kỳ III

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sau hơn 12 năm kể từ khi thành lập và sau hai nhiệm kỳ hoạt động, Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò “ngôi nhà chung” của giới Luật sư cả nước. Dẫu vậy, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và trước sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0 cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với Liên đoàn Luật sư Việt Nam và hoạt động nghề nghiệp của giới Luật sư cả nước.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm kỳ III.

Quán triệt về điều này, Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III đã dành nhiều thời gian thảo luận về phương hướng, giải pháp hoạt động cho cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, Đại hội đã xác định cụ thể về 12 nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ.

Thứ nhất, củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự làm việc chuyên trách và bán chuyên trách của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và hỗ trợ cho các Luật sư hành nghề. Bộ máy tổ chức nhân sự của tổ chức xã hội - nghề nghiệp không giống với bộ máy hành chính của nhà nước, bởi cùng với các quy định nó còn thể hiện vai trò tự quản, đặc thù nghề nghiệp. Họ phải đáp ứng những yếu tố về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời phải dành thời gian, tâm huyết và thể hiện được tinh thần xả thân vì công việc, chấp nhận thiệt thòi về quyền lợi. Có như vậy, những người đại diện mới có thể là tấm gương của đội ngũ Luật sư và từ đó có thể tạo lập được niềm tin của chính đội ngũ Luật sư vào “ngôi nhà chung” của mình và để xứng đáng là những người đại diện của Luật sư.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đồng đều cho đội ngũ Luật sư là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư. Trong đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức cho Luật sư là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt để xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư, đồng thời sẽ đổi mới mạnh mẽ công tác bồi dưỡng Luật sư, coi trọng việc tự bồi dưỡng, tự học tập của mỗi Luật sư và phát động phong trào học tập rèn luyện trong đội ngũ Luật sư. Đối với mỗi Luật sư, cần ý thức được việc tự học tập, rèn luyện là con đường đi suốt cuộc đời của nghề Luật sư nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu cho cá nhân Luật sư và cho cả đội ngũ Luật sư, nghề Luật sư. Bên cạnh đó sẽ thường xuyên tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm để đổi mới công tác bồi dưỡng Luật sư hiệu quả, thiết thực, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nghề nghiệp Luật sư, nhằm mang lại những giá trị đích thực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư.

Thứ ba, triển khai đồng bộ công tác bảo vệ quyền lợi Luật sư, trong đó có sự phối hợp giữa Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác. Thực tiễn cho thấy, nhận thức về những quy định của pháp luật do còn có những sự khác biệt về quyền lợi hợp pháp của Luật sư khi hành nghề, nên vẫn còn những hiện tượng cản trở quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư cần đề ra giải pháp, tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư. Sự phối hợp của tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư với các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp cho Luật sư còn giúp cho các cơ quan nhà nước thực hiện và làm đúng các quy định của pháp luật. Từ đó, sẽ cùng có trách nhiệm trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Thứ tư, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan đến Luật sư là một trong những công việc khó khăn và phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại tố cáo có liên quan đến Luật sư và xử lý kỷ luật luật sư thường mất rất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan, đơn vị. Do đó, Liên đoàn và các Đoàn Luật sư cần tổ chức phân công công tác này một cách khoa học và hiệu quả; cần có chế độ chính sách phù hợp với những Luật sư được phân công tham gia công tác này; quá trình xác minh, giải quyết cần thận trọng, khách quan, chính xác theo quy định. Các kết luận và giải quyết xử lý vi phạm cần công khai minh bạch theo đúng quy định và nguyên tắc hoạt động của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư. Các cơ quan, đơn vị của Liên đoàn và của Đoàn Luật sư cần tuân thủ thực hiện đúng quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến Luật sư và có sự phối hợp chặt chẽ để công tác này đạt hiệu quả.

Thứ năm, cùng với công tác xử lý kỷ luật, công tác khen thưởng Luật sư cần được tiến hành đồng bộ, kịp thời, phù hợp. Những Luật sư gương mẫu chấp hành pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư, có những thành tích đóng góp cho cộng đồng, cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng thì tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư khen thưởng kịp thời. Kinh nghiệm của một số hiệp hội Luật sư ở các nước phát triển cho thấy, họ khen thưởng rất ít, chủ yếu coi việc Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng là việc đương nhiên để phát triển nghề nghiệp; nếu làm không tốt bị chê trách hay khiếu nại thì sẽ bị xem xét đưa vào hình thức kỷ luật. Tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về việc khen thưởng, trong nhiệm kỳ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phải có sự đổi mới phù hợp với yêu cầu xây dựng phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam và rất cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này cho phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay của nước ta.

Thứ sáu, công tác hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần duy trì, kế thừa những mặt tích cực, hiệu quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời linh hoạt, chủ động mở rộng quan hệ với tổ chức, hoạt động nghề nghiệp Luật sư nước ngoài trên cơ sở chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhằm nâng cao vai trò, năng lực của Luật sư Việt Nam. Mặt khác, cần thể hiện thái độ xây dựng để củng cố niềm tin giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các đối tác quốc tế. Trong đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tập trung vào một số mũi nhọn trong hợp tác quốc tế để góp phần phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam trên một số lĩnh vực còn chưa mạnh như Luật sư tư vấn thương mại quốc tế, Luật sư về sở hữu trí tuệ, Luật sư tư vấn về tài chính, đấu thầu quốc tế…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Thứ bảy, công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ sở vật chất của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, Điều lệ và Quy chế tài chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Việc điều hành quản lý tài chính của Liên đoàn Luật sư Việt Nam phải đảm bảo công khai, minh bạch, vì lợi ích chung của giới Luật sư, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng, vụ lợi. Tập trung vào việc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền bố trí trụ sở làm việc cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và thành lập trường đào tạo nghề Luật sư. Tích cực, chủ động tham gia các hoạt động chung, thông qua các chương trình, dự án, từ đó đề xuất các khoản hỗ trợ kinh phí hợp lý từ các tổ chức, cơ quan cho hoạt động của Luật sư.

Thứ tám, tăng cường quan hệ, phối hợp với Bộ Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan ban, ngành Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong quản lý, tạo điều kiện hành nghề và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Luật sư. Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư và mỗi Luật sư cần thể hiện rõ trách nhiệm trong việc tham gia đóng góp vào công tác xây dựng, tuyên truyền giáo dục pháp luật, tham gia vào giám sát và phản biện xã hội; tham gia vào công tác trợ giúp pháp lý và các hoạt động xã hội khác. Qua đó, cần khẳng định và thể hiện sự đóng góp có chất lượng của đội ngũ Luật sư trong các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thứ chín, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, pháp lý và trách nhiệm xã hội. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư cần chủ động đề xuất với Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương để tham gia thực hiện một số nhiệm vụ chính trị, pháp lý theo đặc trưng nghề nghiệp Luật sư, đặc biệt là tham gia vào quá trình cải cách tư pháp, rà soát thủ tục hành chính, xây dựng pháp luật, cũng như tham gia giải quyết các phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội. Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư cần xây dựng chương trình hành động chung của tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm và đề xuất những hành động và công việc mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư có thể tham gia đóng góp vào công việc chung của Nhà nước và xã hội.

Thứ mười, củng cố hoạt động truyền thông của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để một mặt truyền thông kịp thời, chính xác tin cậy những đóng góp của đội ngũ Luật sư với Nhà nước và xã hội. Cùng với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Liên đoàn Luật sư Việt Nam hiện nay, cần sớm hình thành Trung tâm truyền thông của Liên đoàn để thực hiện ngày càng hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về Luật sư và nghề Luật sư ở Việt Nam; bên cạnh đó chủ động phối hợp tốt với các cơ quan thông tấn báo chí khác nhằm quảng bá, truyền thông về nghề Luật sư. Cùng với đó, các Đoàn Luật sư cần hình thành hoặc hoàn thiện bộ phận chuyên trách về truyền thông, trang thông tin điện tử và có sự kết nối với công tác truyền thông của Liên đoàn, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí địa phương để triển khai ngày càng tốt hơn vai trò của mình. Thông qua hoạt động truyền thông sẽ khích lệ người tốt, việc tốt trong đội ngũ Luật sư, sàng lọc và loại bỏ những tiêu cực, hạn chế trong đội ngũ Luật sư; xây dựng hình ảnh về Luật sư công hiến phục vụ cộng đồng và phụng sự công lý.

Mười một, trước mắt sẽ xây dựng ba đầu tàu phát triển đội ngũ Luật sư nhằm nâng cao chất lượng hành nghề Luật sư, đó là: (1) đội ngũ Luật sư tham gia tranh tụng các vụ án hình sự; (2) đội ngũ Luật sư tư vấn, dịch vụ và tranh tụng lĩnh vực sở hữu trí tuệ; (3) đội ngũ Luật sư tư vấn đầu tư và thương mại quốc tế. Thông qua đó tạo lực đẩy để đưa đoàn tàu Luật sư Việt Nam tăng tốc phát triển trong thời gian tới, đồng thời dựa vào kết quả hoạt động Luật sư hàng năm, Liên đoàn sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để có thể đưa ra các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ Luật sư có khả năng cung cấp dịch vụ pháp lý ở hầu hết các lĩnh vực pháp lý của đời sống xã hội. Từ đó, tạo lập niềm tin với khách hàng và xã hội.

Mười hai, phát triển nghề Luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp Luật sư gắn với chuyển đổi số. Đây chẳng những là xu hướng phát triển, mà còn là yêu cầu thực tế. Chuyển đổi số tạo điều kiện thuận lợi để Liên đoàn và các Đoàn Luật sư thực hiện nhiệm vụ tự quản, nâng cao chất lượng dịch vụ của Luật sư, hỗ trợ Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhanh chóng, khoa học, hiệu quả, giảm thiểu chi phí. Chuyển đổi số đồng thời giúp hoạt động của Luật sư tương thích với hoạt động của các ngành, nghề, cơ quan, ban ngành chức năng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số, đồng thời tiến tới tòa án xét xử trực tuyến. Liên đoàn Luật sư Việt Nam xác định đây là một trong những khâu đột phá, là nhiệm vụ và là công việc tất yếu trong định hướng phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam trong thời gian tới.

BẢO ANH

Nghề Luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai

Loan B T Thanh