/ Góc nhìn
/ Những tấm gương dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng!

Những tấm gương dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng!

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Việc khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng là việc làm hết sức ý nghĩa và kịp thời của Thanh tra Chính phủ. Việc khen thưởng không chỉ là cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, mà còn là niềm động viên, an ủi, khuyến khích và nhân rộng người tố cáo tham nhũng.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Quyết định 331/QĐ-TTCP khen thưởng cho 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng với số tiền là 149 triệu đồng.

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ quyết định khen thưởng ông Phạm Ngọc Chuyển và ông Phạm Văn Phú là những công chức thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang mỗi người 20 tháng lương cơ sở, tương đương với 29,8 triệu đồng. Khen thưởng ông Khuất Duy Mỹ và ông Nguyễn Ngọc Đức, hai cán bộ thuộc Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Hà Giang mỗi người 30 tháng lương cơ sở, tương đương 44,7 triệu đồng.

4 cá nhân nêu trên đã có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng tại tỉnh Hà Giang.

Việc khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng là việc làm hết sức ý nghĩa và kịp thời của Thanh tra Chính phủ. Việc khen thưởng không chỉ là cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, mà còn là niềm động viên, an ủi, khuyến khích và nhân rộng người tố cáo tham nhũng. Điều này chứng tỏ rằng, người tố cáo tham nhũng không hề "đơn độc" trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

Tác giả tin rằng, người tố cáo hành vi tham nhũng không phải vì mục đích để được tuyên dương, khen thưởng mà là vì động cơ, mục đích hoàn toàn trong sáng, đó là kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân với chế độ.

Việc khen thưởng người tố cáo không chỉ dừng lại ở cấp trung ương mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần phải có chính sách khen thưởng cho phù hợp, kịp thời; tuyệt đối không được lạnh nhạt và phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo đến cùng theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra hành vi đe dọa, trả thù hay trù dập người tố cáo. Đồng thời, phải xác định đây là những tấm gương sáng ở cơ sở cần phải được tuyên dương và nhân rộng, để động viên, khuyến khích nhiều hơn nữa những cá nhân dũng cảm đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thực tế hiện nay, có rất nhiều cá nhân biết về hành vi tham nhũng nhưng ngại tố cáo mà nguyên nhân chính là do lo sợ bị trả thù, trù dập. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải thường xuyên quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, nhất là pháp luật về tố cáo và Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi trả thù người tố cáo, cũng như người có trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, nhất là thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tố cáo để kịp thời uốn nắn, phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ được giao, để xảy ra tình trạng người tố cáo bị trả thù.

Đồng thời cũng cần phải xem xét tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu cực gây ra cho xã hội để xem xét khen thưởng một cách xứng đáng, không chỉ khen thưởng về giá trị vật chất mà còn phải chú trọng về mặt tinh thần. Mọi hành vi kỳ thị, xa lánh, đe dọa, trù dập phải có chế tài xử lý thật nghiêm theo đúng quy định./.

ĐỖ VĂN NHÂN

Thanh tra Chính phủ khen thưởng 4 cán bộ, công chức tố cáo tham nhũng

Lê Minh Hoàng