/ Dọc đường tố tụng
/ Những vấn đề pháp lý cần làm rõ trong một bản án dân sự đòi lại tài sản của người đã mất

Những vấn đề pháp lý cần làm rõ trong một bản án dân sự đòi lại tài sản của người đã mất

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Cho rằng bản án dân sự sơ thẩm của TAND TP. Hải Phòng về việc tranh chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chưa thấu tình đạt lý, bà Đinh Thị Định đã kháng cáo lại toàn bộ bản án đã được tòa tuyên.

Ảnh minh họa.

Tranh chấp tài sản của người đã mất

Ngày 09/5/2022, TAND TP. Hải Phòng đã đưa ra xét xử vụ án dân sự sơ thẩm về tranh chấp kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa nguyên đơn là bà Đinh Thị Định (Sinh năm 1958, trú tại thôn Đồng Mới, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Điểm (Sinh năm 1975, trú tại 48/9 Cao Thắng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng).

Nội dung vụ án theo trình bày của nguyên đơn tại tòa là bà Đinh Thị Định, năm 1977, bà kết hôn với ông Đào Trọng Bình (Sinh năm 1952) và được hai bên gia đình tổ chức đám cưới và được UBND xã Lập Lễ cấp Giấy chứng nhận kết hôn. Hai ông bà sinh được một người con chung là anh Đào Trọng Thành (Sinh năm 1985, hiện đang cư trú tại Australia).

Trong quá trình chung sống, vợ chồng bà Định có tạo lập được tài sản chung là thửa đất có diện tích 39,8m2 và tài sản gắn liền với đất là căn nhà 03 tầng tại 48/9, Cao Thắng, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng). Đến năm 2019, ông Bình tử vong do tai nạn giao thông, không để lại di chúc về tài sản thửa đất kể trên, cũng chưa chuyển nhượng hay cho tặng cá nhân nào. Bà Định cho rằng đây là tài sản chung của vợ chồng bà và là một phần di sản của ông Bình để lại cho bà Định và anh Thành. Bà Định khẳng định ngôi nhà 48/9 Cao Thắng là nguồn tiền từ việc bán nhà ở khu vực quán bà Mau, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.

Tuy nhiên, theo bà Định, nhà và đất kể trên hiện đang bị bà Nguyễn Thị Điểm chiếm giữ trái phép, gia đình bà Định nhiều lần yêu cầu bà Điểm trả lại nhà và đất nhưng bà Điểm vẫn không trả lại. Ngoài ra, vợ chồng bà Định còn có sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng nhưng sổ tiết kiệm này lại đang được ông Đào Xuân Huy (trú tại xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên) giữ với lý do ông Bình khi còn sống nợ nhiều nơi, nếu lấy lại sổ này thì phải đem đi trả nợ.

Tại tòa, theo bà Nguyễn Thị Điểm, bà Điểm và ông Bình chung sống với nhau từ năm 2003 nhưng không có đăng ký kết hôn, không tổ chức cưới hỏi. Năm 2011, bà Điểm sinh được một người con trai đặt tên là Đào Trung Sơn và ông Bình đưa bà về ra mắt gia đình. Về căn nhà số 48/9 Cao Thắng, bà Điểm nói năm 2012 do ông Bình bán căn nhà số 27/9 Cao Thắng và hai ông bà vay thêm tiền để mua.

Hiện nay, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đấy (CNQSDĐ) đối với căn nhà 48/9 Cao Thắng do ông Đinh Văn Phong là em rể ông Bình cất giữ với lý do: Khi còn sống ông Bình đã đưa Giấy CNQSDĐ cho ông Phong để vay tiền, nếu tòa giao nhà cho bà Điểm thì ông không ý kiến gì, nếu tòa giao lại nhà cho bà Định thì ông Phong đề nghị trả lại ông số tiền ông Bình vay của ông trước kia.

Kết quả xét nghiệm ADN có “vấn đề”?

Trên cơ sở đó, bà Định đề nghị TAND TP. Hải Phòng buộc bà Điểm phải trả lại cho gia đình bà căn nhà 48/9 Cao Thắng và không yêu cầu chia thừa kế tài sản của ông Bình với lý do bà không thừa nhận cháu Đào Trung Sơn là con trai của ông Đào Trọng Bình vì việc giám định ADN tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng và quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự do TAND huyện Thủy Nguyên ban hành không đúng quy định của pháp luật. Theo bà Định, việc giám định ADN là có “vấn đề”. Bởi lẽ, ngày 09/02/2017 Bệnh viện Đa khoa Quốc Tế Hải Phòng có tiếp nhận và lấy mẫu xét nghiệm xác định ADN cho ông Bình và cháu Sơn (lúc này họ tên là Nguyễn Trung Sơn) và gửi mẫu đến Viện Khoa học Việt Nam và cho kết quả là cùng huyết thống và kết luận ông Đào Trọng Bình là cha đẻ của cháu Nguyễn Trung Sơn. Bà Định cho rằng bệnh viện không có chức năng kết luận mối quan hệ cha con thay cơ quan chức năng.

Đến ngày 13/4/2022, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng có văn bản gửi TAND TP. Hải Phòng khẳng định trước khi lấy mẫu, bệnh viện đã giải thích cho ông Bình biết rõ kết quả xét nghiệm ADN do bệnh viện lấy mẫu chỉ để biết trong gia đình, không có giá trị sử dụng trong việc tố tụng, phần ghi chú trong kết quả xét nghiệm thể hiện rõ vì Viện Khoa học Việt Nam không đủ chức năng kết luận xét nghiệm xác định ADN liên quan đến pháp lý. Ngày 06/3/2020, bệnh viện đã liên lạc và mời ông Bình đến bệnh viện và hướng dẫn ông và cháu Sơn xét nghiệm xác định ADN tại Viện Khoa học Hình sự - nơi có đủ thẩm quyền kết luận xác định ADN, nhưng ông Bình đã tử vong vì tai nạn giao thông trước đó 03 tháng.

Nhưng không hiểu vì lý do gì, tại bản án sơ thẩm, TAND TP. Hải Phòng lại căn cứ vào xác nhận của chính quyền địa phương cho rằng cháu Đào Trung Sơn (tức Nguyễn Trung Sơn) là con trai của ông Bình và bà Điểm?!

Và ngày 17/3/2020, TAND huyện Thủy Nguyên đã có Quyết định số 128/220/QĐST-HNGĐ về việc công nhận thỏa thuận của các đương sự giữa nguyên đơn là bà Đào Thị Tiếp (em gái ông Đào Trọng Bình) và bà bị đơn là bà Nguyễn Thị Điểm thống nhất xác nhận cháu Nguyễn Trung Sơn là con đẻ của ông Đào Trọng Bình.

Về việc này, Luật sư Nguyễn Văn Thuộm thuộc Công ty Luật Bạch Đằng Giang (Đoàn Luật sư TP. Hải Phòng) có quan điểm: "Việc ban hành quyết định thỏa thuận giữa các đương sự của TAND huyện Thủy Nguyên là không khách quan, bà Tiếp không phải là nguyên đơn, quyền lợi của bà Tiếp không bị xâm phạm trong bị xâm phạm nên TAND huyện Thủy Nguyên không được thụ lý theo yêu cầu; kết quả xét nghiệm ADN của bệnh viện thể hiện rõ không phải tài liệu dùng trong tố tụng nhưng Tòa án vẫn căn cứ để ra quyết định".

Tại phiên tòa, Luật sư có đề nghị tiến hành việc giám định ADN giữa cháu Sơn và anh Thành nhưng không được HĐXX ghi nhận, do đó, Luật sư Thuộm cho rằng toàn bộ kết quả xét nghiệm ADN và quyết định của TAND huyện Thủy Nguyên không phải là cơ sở để xác định ông Đào Trọng Bình và cháu Đào Trung Sơn là cha con.

Cuối cùng TAND TP. Hải Phòng quyết định không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Định về việc buộc bà Điểm trả lại nhà và đất tại địa chỉ 48/9 Cao Thắng cho gia đình bà Định sử dụng. Tòa xác định, sau khi ông Bình mất, bà Điểm vẫn ở trên đất này và có góp phần công sức đóng góp, xây dựng, trông coi tài sản nên bà Điểm có một phần quyền sử dụng.

Nguyên đơn kháng cáo

Ngay sau khi bản án dân sự sơ thẩm được TAND TP. Hải Phòng tuyên, ngày 17/5/2022, bà Đinh Thị Định đã có đơn kháng cáo gửi TAND TP. Hải Phòng. Theo bà Định, không có tài liệu nào xác định chồng bà là ông Đào Trọng Bình đã đi giám định ADN tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng. Tại phiên tòa sơ thẩm bà Định đã yêu cầu Tòa án giám định ADN lại, tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận giám định. Nay, bà Định tiếp tục yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm cho giám định ADN lại giữa cháu Nguyễn Trung Sơn với con trai bà là anh Đào Trọng Thành.

Mặt khác, bà Định có ý kiến, bản án dân sự sơ thẩm căn cứ Quyết định số 128/QĐST – HNGĐ ngày 17/3/2020 TAND huyện Thủy Nguyên về việc công nhận thỏa thuận của các đương sự để giải quyết là trái luật bởi bà Đào Thị Tiếp không có tư cách là nguyên đơn; kết quả giám định ADN là không có cho nên bản án dân sự cấp sơ thẩm của TAND TP. Hải Phòng áp dụng quyết định này để tuyên xử là không khách quan.

Vì vậy, bà Định kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết sửa bản án dân sự, chấp nhận nội dung yêu cầu khởi kiện của bà.

PV

Đồng Nai: Vì sao Chủ tịch UBND phường Tân Phong, TP. Biên Hòa lại bị kiện?

Lê Minh Hoàng