/ Luật sư - Bạn đọc
/ Những vấn đề pháp lý về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên không gian mạng

Những vấn đề pháp lý về hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên không gian mạng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Xét sự việc trên theo vấn đề pháp lý, hành vi xúc phạm, lăng mạ đả kích, châm biếm công khai các cá nhân trên không gian mạng là điều vi phạm pháp luật. Chưa xét đến tính đúng sai của những thông tin được đưa ra, nhưng hành vi một cá nhân thoải mái lên diễn đàn mạng để xúc phạm người khác là điều pháp luật không cho phép.

Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, dư luận liên tục dậy sóng, tranh cãi về hàng loạt các livestream, video đang được chia sẻ rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Hầu hết, tất cả những nội dung, thông tin trong các đoạn livestream, video đều là các quan điểm và lập luận từ một cá nhân dùng để đấu tố về lối sống, đời tư của nhiều nghệ sĩ và cá nhân khác. 

Dưới góc độ pháp lý, hành vi xúc phạm, lăng mạ đả kích, châm biếm công khai các cá nhân trên không gian mạng là điều vi phạm pháp luật. Chưa xét đến tính đúng sai của những thông tin được đưa ra nhưng hành vi một cá nhân thoải mái lên diễn đàn mạng để xúc phạm người khác là điều pháp luật không cho phép.

Chuyên gia tư vấn pháp lý Trần Trọng Nam, Công ty Luật ThinkSmart cho rằng, hiện nay nhiều cá nhân đang bị nhầm lẫn giữa quyền tự do ngôn luật và hành vi xúc phạm người khác. Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”, (khoản 1, Điều 20).

"Như vậy, pháp luật trao cho mỗi người quyền tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, quyền tự do đó không được đi quá giới hạn, làm phương hại đến quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm của người khác", Chuyên gia tư vấn pháp lý Trần Trọng Nam cho biết.

Cũng theo Chuyên gia Trần Trọng Nam, Điều 34, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định rất rõ, theo đó: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ". Đồng thời, cũng nhấn mạnh: “Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại”.

Ngoài ra, tại điểm d, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cũng đưa ra các hành vi bị cấm bao gồm:

“Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo đó, hành vi xúc phạm, đả kích, làm nhục người khác trên mạng xã hội tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính, Chuyên gia tư vấn Trần Trọng Nam cho biết, theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cá nhân có thể bị xử phạt số tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Còn về trách nhiệm hình sự thì nếu một cá nhân có hành vi công khai xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác nhằm mục đích hạ thấp nhân cách, uy tín của người đó thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

"Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể thực hiện bằng lời nói hoặc bằng hành động. Ngoài ra, nếu cá nhân cố tình tự đặt ra các thông tin không đúng, bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017", ông Nam nói.

Trong trường hợp cá nhân sử dụng mạng máy tính, hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội có thể phải chịu tình tiết tăng nặng quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt từ 01 đến 03 năm tù.

"Tuy nhiên, việc cá nhân dám lên tiếng trước những vấn đề bức xúc của xã hội, vạch trần các hành vi trái đạo đức và vi phạm pháp luật của người khác là điều đáng được tuyên dương. Họ cần làm đơn nộp lên các cơ quan có thẩm quyền để phản ánh hoặc tố giác những hành vi sai trái đó, thay vì việc sử dụng mạng xã hội để công kích cá nhân, đưa các thông tin chưa xác thực để xâm phạm danh dự nhân phẩm của người khác, khiến dư luận hoang mang. Mỗi chúng ta cần phải sáng suốt, bình tĩnh và công tâm khi tiếp nhận một thông tin ở trên mạng xã hội, tránh để những suy nghĩ lệch lạc, cái nhìn một chiều của cá nhân khác ảnh hưởng đến nhận thức của mình. Hãy học cách phân biệt rành mạch giữa tình và lý để không vì yêu mến một cá nhân nào đó mà bất chấp và cổ suý họ lên mạng đả kích các cá nhân khác", ông Trần Trọng Nam bày tỏ quan điểm.

QUÝ MINH

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ quyền hạn trong vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I?

Lê Minh Hoàng