/ Trao đổi - Ý kiến
/ Những vướng mắc trong việc xin chứng thực giấy ủy quyền theo Thông tư số 01/TT-BTP của Bộ Tư pháp

Những vướng mắc trong việc xin chứng thực giấy ủy quyền theo Thông tư số 01/TT-BTP của Bộ Tư pháp

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Căn cứ các quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì UBND xã cũng không có thẩm quyền ký xác nhận hợp đồng ủy quyền, tham gia tố tụng, hợp đồng thi hành án dân sự,... Do vậy, người dân phải tới Văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng ủy quyền, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Có nhiều huyện không có Văn phòng công chứng, nếu có thì nhiều xã vùng cao cách huyện cả một ngày đường thì làm sao để đi công chứng được?

Ảnh minh họa.

Trong quá trình thực hiện Thông tư số 01/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số  23/2015/NĐ-CP), tôi thấy có một số vướng mắc sau đây:

Tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020, tôi cho rằng trái với điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Cụ thể, điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định “d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản”.

Theo quy định nêu trên thì rất nhiều giấy ủy quyền, UBND xã có thẩm quyền xác nhận chữ ký như giấy ủy quyền tham gia tố tụng, giấy ủy quyền thi hành án dân sự, giấy ủy quyền khiếu nại,... Trên thực tế UBND xã đã chứng thực chữ ký các giấy ủy quyền đó, tạo điều kiện thuận lợi cho dân không phải đi xa. Nhưng tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 quy định:

2. Phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này, việc chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Ủy quyền về việc nộp hộ, nhận hộ hồ sơ, giấy tờ, trừ trường hợp pháp luật quy định không được ủy quyền;

b) Ủy quyền nhận hộ lương hưu, bưu phẩm, trợ cấp, phụ cấp;

c) Ủy quyền nhờ trông nom nhà cửa;

d) Ủy quyền của thành viên hộ gia đình để vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội.”

Như vậy,  UBND xã chỉ được chứng thực chữ ký trong 04 giấy ủy quyền nêu trên là không đúng. Bởi vì giấy ủy quyền tham gia tố tụng, giấy ủy quyền thi hành án dân sự, giấy ủy quyền khiếu nại và một số giấy ủy quyền khác nữa cũng phù hợp với điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định thì vì sao UBND xã lại không được chứng thực chữ ký nữa?

Mặt khác, căn cứ vào khoản 3, Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP quy định “Đối với việc ủy quyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì không được yêu cầu chứng thực chữ ký trên giấy ủy quyền; người yêu cầu chứng thực phải thực hiện các thủ tục theo quy định về chứng thực hợp đồng, giao dịch”. 

Căn cứ các quy định tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP thì UBND xã cũng không có thẩm quyền ký xác nhận hợp đồng ủy quyền, tham gia tố tụng, hợp đồng thi hành án dân sự,... Do vậy, người dân phải tới Văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng ủy quyền, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Có nhiều huyện không có Văn phòng công chứng, nếu có thì nhiều xã vùng cao cách huyện cả một ngày đường thì làm sao để đi công chứng được?

Thiết nghĩ, quy định chứng thực chữ ký giấy ủy quyền tại điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP là hoàn toàn phù hợp tạo thuận lợi cho dân. Trái lại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 03/3/2020 của Bộ Tư pháp theo tôi vừa trái với Nghị định vừa gây khó khăn cho dân. 

Vì vậy, tôi xin được nêu lên để các Luật sư tham khảo và góp ý. Nếu ý kiến của tôi là đúng, tôi xin đề xuất Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét bỏ khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Thông tư số 01/2020/TT-BTP nhằm đảm bảo đúng với Nghị định và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Luật sư TRẦN QUỐC THÀNH
Văn phòng Luật sư số 2 - Nghệ An
/thoi-han-truy-thu-thue-tu-05-12-2020-theo-quy-dinh-moi.html